Triết lý “Tri – Hành – Đạt nhân” của một thầy giáo – Phật tử.
Triết lý Tri – Hành – Đạt nhân
Triết lý này rất quan trọng để chăm sóc, dạy dỗ, học trò trở thành những công dân với trí tuệ cần thiết, năng lực chuyên môn tốt có kỹ năng mềm, óc sáng tạo và đạo đức. Thầy Lê Đình Viên đã đặt triết lý này ở trung tâm của mọi hoạt động giáo dục đào tạo, xây dựng một môi trường học tập năng động, tích cực và lành mạnh.
Tri – Hành – Đạt nhân là một triết lý trong văn hóa phương Đông. Hiểu đơn giản nhất như sau:
- Tri (tri giác, trí tuệ): biết chính xác bản chất mọi sự vật, hiện tượng. Tri thức là khả năng suy luận, phân tích và ý thức về sự vật.
- Hành (thực hành, thực nghiệp): hiểu biết và thực hành phải đi đôi với nhau; không có ý nghĩa nếu không được áp dụng vào thực tế.
- Đạt nhân (thành người): thành người có trí tuệ, có sáng tạo, có bản lĩnh. Ngoài ra cần phải có tính nhân đạo, và sự tôn trọng đối với người khác, cảm thông và có trách nhiệm với xã hội.
Áp dụng triết lý vào thực tế
Thầy Lê Đình Viên từng chia sẻ: “ví dụ một sinh viên kinh tế sau này tốt nghiệp có thể ứng dụng triết lý Tri – Hành – Đạt nhân vào việc quản lý công ty bằng cách: Tri (trí tuệ): nắm vững kiến thức về quản lý, kinh doanh và những xu hướng mới trong ngành. Hành (thực nghiệp): vận dụng kiến thức của mình, thiết lập kế hoạch chiến lược và thực hiện linh hoạt, sáng tạo. Đạt nhân (thành người): phải luôn luôn tôn trọng và giúp đỡ đội ngũ nhân viên, đảm bảo rằng mọi quyết định đều mang lại lợi ích cho cả công ty và cộng đồng. Kết quả là một doanh nghiệp phát triển bền vững, mang lại giá trị cho chủ, những người cộng tác, biết tôn trọng luật pháp và bảo vệ môi trường.”
Hay có thể nói một người quản lý trong môi trường kinh doanh cần phải có kiến thức sâu rộng về ngành nghề của mình (Tri), khả năng lãnh đạo và quản lý nhóm (Hành), và đồng thời phải thực hiện công việc của mình với tư cách là một người lãnh đạo có đạo đức cao, tôn trọng mọi người và có trách nhiệm xã hội (Đạt nhân). Điều này giúp họ không chỉ thành công cá nhân mà còn tạo ra ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng và tổ chức mà họ phục vụ.
Sự cống hiến
Thầy Lê Đình Viên, một người Thầy với trái tim đầy tình yêu nghề, đã dành cả cuộc đời mình để đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Sự cống hiến đó được ghi nhận hơn nữa khi trường Đại học do chính Thầy lập ra là trường đại học đầu tiên trong tỉnh Long An, mở ra không gian học thuật mới cho hàng nghìn sinh viên, học viên khắp các vùng miền đến học tập và nghiên cứu khoa học.
Thầy Lê Đình Viên-Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An (bìa phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân |
Tầm nhìn và ý chí kiên trì của Thầy là nguồn động viên không ngừng, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ sinh viên trên con đường phát triển.
Thầy Lê Đình Viên và Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận trong ngày lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên khoá 1 của trường |
Người thầy đáng kính!
Tháng 11 – tháng của những tri ân, yêu thương và quý mến trao tặng thầy cô. Nhằm lan tỏa truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, xin tri ân và tôn vinh Thầy Lê Đình Viên cùng với những người Thầy Cô khác, những nhà giáo có công lớn trong việc làm cho giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục Long An nói riêng trở nên phong phú và ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Với bàn tay tài hoa, sự kiên nhẫn, lòng bao dung của Thầy Đình Viên – phật tử Như Nhơn Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An đã vượt qua mọi khó khăn, là địa chỉ tin cậy của nhân dân Long An, đồng bằng sông Cửu Long, và các tỉnh thành khác.
Cảm ơn Thầy vì sự cống hiến và động lực không ngừng nghỉ. Mọi sự đóng góp của Thầy đều là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và hạnh phúc.
PGS.TS Đặng Thị Phương Phi