Sáng ngày 25 tháng 11 năm 2024 (25/10/Giáp Thìn), tại Văn hội trường Văn Phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An, chùa Thiên Châu, số 101, Huỳnh Văn Nhứt, Phường 3, Tp. Tân An, tỉnh Long An diễn ra trang nghiêm Lễ tưởng niệm 716 năm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn, do chư tôn đức GHPGVN tỉnh Long An tổ chức.
Chứng minh tham dự có TLHT. Thích Thiện Huệ – Thành viên Hội đồng chứng minh GHPGVN, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Long An; HT. Thích Thiện Tài – Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Long An; HT. Thích Minh Thiện – Uỷ viên HĐTS, Phó Ban Hoằng Pháp TƯ, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An; HT. Thích Tắc Phi – Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng Ban Kiểm soát GHPGVN tỉnh; TT. Thích Quảng Tâm – Uỷ viên HĐTS, Phó Ban Từ thiện Xã hội TƯ, Phó Trưởng Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh; Chư Tôn đức Phó BTS Phật giáo tỉnh; Chư tôn đức trong Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Chư tôn đức thường trực BTS các huyện thị thành và các ban trực thuộc GHPGVN tỉnh, cùng quý Phật tử đồng về tham dự.
Đại diện chính quyền có: bà Nguyễn Thị Thuý Ngọc – Phó Ban Tôn giáo sở Nội vụ tỉnh; ông Lương Trường Khánh – Đại diện Ban Dân vận Tỉnh Uỷ tỉnh Long An.
Tại buổi lễ, TT. Thích Quảng Tâm – Uỷ viên HĐTSTƯ, Phó Ban Từ thiện trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An cung tuyên tiểu sử Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị hoàng đế anh hùng lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh tan đế quốc Nguyên Mông (1258 và 1288), giành độc lập, hòa bình cho đất nước.
Sau khi hoàn thành trách nhiệm vẻ vang với dân tộc, năm 1299, ngài đã về Yên Tử xuất gia tu Phật, thống nhất 3 thiền phái Phật giáo Việt Nam, sáng lập Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, với tư tưởng “Hòa quang đồng trần”, “Cư trần lạc đạo”; xây dựng một nền Phật giáo nhập thế yêu nước, tư tưởng đó đã trở thành sợi chỉ đỏ, kim chỉ nam xuyên suốt của Phật giáo Việt Nam cho đến tận ngày nay. Trước khi nhập Niết-bàn, ngài đã để lại bài kệ “Pháp thân thường trụ” nổi tiếng.
Ban tổ chức cung thỉnh HT. Thích Minh Thiện – Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An tuyên đọc văn tưởng niệm Đức Sơ Tổ Điều Ngự Trần Nhân Tông: “Dù thời gian có đi qua 716 năm, dù không gian có biến nghịch, song công đức, đạo nghiệp của Tổ sư vẫn còn sống mãi trong trang sử vàng son của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam, trong sự nghiệp hộ quốc an dân, đoàn kết hoà hợp dân tộc, phát huy Đạo pháp trong thời đại ngày nay và mãi mãi về sau. Nhất là đối với GHPGVN là kế thừa Giáo hội Trúc lâm, kế thừa tinh hoa Giáo lý Phật đà. Trải qua 2000 năm lịch sử, với truyền thống đồng hành cùng dân tộc, sống tốt đạo đẹp đời, Tăng Ni Phật tử cả nước nguyện đồng lòng tiếp tục sự nghiệp quang huy của Điều ngự Tổ sư, của hồn thiên sông núi Đại Việt, xây dựng một tịnh độ tại nhân gian bằng tinh thần Phật giáo, dân tộc, con người Việt Nam”
Với tấm lòng thành: “Nguyện phụng trì Phật pháp, phát huy chân lý Đạo nhà, giữ gìn Tổ ấn vàng son, làm rạng rỡ vang danh Non thiêng Phật Tổ huy hoàng tráng lệ, non sông gấm vóc thiên thành, một cõi vững bền muôn thuở.”
Đồng thành kính nguyện thực hành: Giữ gìn tinh thần đoàn kết hòa hợp dân tộc, độc lập Tổ quốc; nêu cao tinh thần phóng khoáng, bao dung trong cộng đồng dân tộc và xã hội, đoàn kết các tôn giáo, để cùng tồn tại và phát triển, thực hiện hữu hiệu phương châm ‘Tốt đời đẹp đạo’, duy trì truyền thống dân tộc, tự lực, tự cường, phát huy nội lực, đồng thời ngoại lực để phát huy Đạo pháp và xây dựng đất nước phồn vinh, văn minh tiến bộ; tạo dựng một thiên đường cực lạc tại nhân gian trong lòng người bằng triết lý thiền là sống với tâm từ bi chan chứa mọi loài, trong kiếp hiện tại và mai sau của trần thế, thực hành Bồ-tát đạo”.
Trong không khí trang nghiêm, đại chúng đối trước di ảnh Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông thực hiện dâng hương tưởng niệm, đảnh lễ Đức Phật hoàng, khép lại buổi lễ thành tựu viên mãn.