Chiều nay, 21/11 (4-10-Đinh Dậu), trong khuôn khổ chương trình Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII được trọng thể tổ chức tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội), HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN đã điều hành buổi tham gia đóng góp tham luận cho Đại hội.
HT Thích Minh Thiện: Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Hoằng pháp TW, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An đã trình bày trước Đại hội tham luận, chủ đề: “Quản lý Tăng Ni, Tự viện trong thời đại mới”.
Ban TTTT Phật giáo Long An xin giới thiệu toàn văn bài tham luận, như sau:
Theo thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 53.941 Tăng Ni; và hơn 18.466 cơ sở tự viện.[1]Để quản lý Tăng Ni, tự viện hiệu quả hơn trong thời đại mới, chúng tôi xin gợi ý một vài giải pháp sau:
- Quản lý “đầu vào”:
Tăng là người thay Phật truyền bá chánh pháp; là một trong ba ngôi báu. Vai trò của Tăng quyết định sự thịnh suy của Phật giáo. Vì thế, Giáo hội và Ban Tăng sự Trung ương cần quản lý “đầu vào” để tuyển chọn những người “thật tu, thật học” kế thừa sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh. Giải pháp cần chú ý đến những vấn đề sau:
– Chọn người xuất gia phải trải qua quá trình tập sự 3 năm mới được thọ giới sa di hay sa di ni:
Hiện nay, có nhiều vị trụ trì tiếp nhận người xuất gia một cách dễ dãi, vào chùa vài hôm là cho phép xuất gia. Xuất gia rồi thiếu tu tập, thiếu hiểu biết và vi phạm giới luật. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hình ảnh Tăng bảo giảm uy tín và đánh mất lòng tin nơi hàng cư sĩ Phật tử.
Theo quy định Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, giới tử tu học ít nhất là hai năm (tính từ ngày cấp giấy chứng nhận xuất gia) mới được thọ giới sa di hay sa di ni. Chúng tôi xin kiến nghị chư vị thế nghiệp sư, Giáo hội và Ban Tăng sự Trung ương, có thể gia tăng thời hạn tập sự thêm một năm nữa; tức là tập sự một năm mới được xuất gia, xuất gia hai năm mới được thọ giới sa di hay sa di ni. Đây là giai đoạn rèn luyện, thử thách, nếu người nào thật sự phát tâm xuất gia thì họ sẽ vượt qua nếu người nào vì mục đích khác thì họ cũng sẽ tự rút lui.
Kế tiếp, chọn người xuất gia “phải đầy đủ các căn, thể chất lành mạnh, không bị bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần và có phiếu khám sức khỏe tốt”. Các cấp Giáo hội cần quy định rõ người muốn xuất gia cần phải xét nghiệm thêm các bệnh truyền nhiễm, bệnh xã hội như HIV, ma túy…(điều này nhiều nơi tỉnh thành hội PG đã làm rất tốt).
– Khảo thí giới tử nghiêm túc khi tổ chức giới đàn
Mục đích tổ chức giới đàn là truyền trao giới pháp, tuyển chọn người “làm Tăng”, nói rộng ra là “tuyển người làm Phật”. Do vậy, công tác tổ chức giới đàn phải thật sự nghiêm túc. Những năm gần đây, tại các tỉnh/thành mỗi ba năm đều tổ chức giới đàn để truyền trao giới luật cho người xuất gia. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, có nhiều giới đàn còn dễ dãi trong việc xét chọn và khảo hạch, nên có một số giới tử, nhất là giới tử thọ đại giới, chưa đủ điều kiện và phẩm hạnh của một vị Tỳ kheo vẫn được thọ giới. Để không phương hại đến uy tín của Tăng đoàn, làm suy giảm lòng kính tín Tam bảo của hàng Phật tử tại gia, chúng tôi xin kiến nghị các cấp Giáo hội khi tổ chức giới đàn cần nên khảo hạch giới tử cẩn thận, vị nào không vượt qua kỳ khảo thí sẽ không cho thọ giới và không nên có trường hợp cho giới tử sám hối để được thọ giới. Có thể, Ban Tăng sự Trung ương phối hợp với Ban Giáo dục Tăng Ni soạn thảo một chương trình thống nhất cả nước để khi tổ chức giới đàn Ban Kiến đàn có thể y cứ vào đó ra đề thi khảo hạch giới tử.
– Xem xét lại việc xuất gia gieo duyên:
Tại các nước theo Phật giáo Nam truyền như Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia, xuất gia gieo duyên là truyền thống văn hóa và là bổn phận của người đệ tử Phật. Truyền thống này có ảnh hưởng không nhỏ đối với đạo đức, lối sống của mọi người. Tại Việt Nam, truyền thống này được Phật giáo Nam tông Khmer ở miền Tây Nam bộ duy trì. Thời gian gần đây, Phật giáo Nam tông Kinh và một số chùa theo Phật giáo Bắc tông cũng có tổ chức xuất gia gieo duyên. Không thể phủ nhận lợi ích của việc xuất gia gieo duyên. Tuy nhiên, có một vài hệ lụy chúng ta cần phải xem xét. Trước tiên, nếu người thật sự phát tâm xuất gia gieo duyên, trải nghiệm đời sống của người xuấtgia thì có lợi ích lớn; nhưng nếu người vì mục đích khác, mượn việc xuất gia gieo duyên này để khoác áo người tu trở thành “giả sư” chuyên nghiệp, làm một nghề để mưu sinh, kiếm sống thì ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh của Phật giáo. Chúng ta có thể mở những khóa tu ngắn hạn, dài hạn cho Phật tử theo cách tu bát quan trai, không nên cạo tóc mặc pháp phục tương tợ như người xuất gia thật thụ sẽ có lợi ích thiết thực hơn mà không có “di họa” trong tương lai.
- Quan tâm chất lượng “đầu ra”:
Nếu “đầu vào” là sự quản lý của Ban Tăng sự các cấp, còn “đầu ra” do Ban Giáo dục Tăng Ni. Khi xuất gia, vị thầy bổn sư hay thầy nghiệp sư tạo điều kiện thuận lợi để vị đệ tử của mình được theo học tại các trường Phật học.
Hiện nay, cả nước có bốn Học Viện Phật giáo, tám lớp Cao Đẳng Phật học; 32 Trường Trung Cấp Phật học và rất nhiều lớp Sơ cấp Phật học tại các tỉnh thành trên toàn quốc. Tuy nhiên, trong thời đại mới, chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề sau:
– Quan tâm chấtlượng đào tạo hơn là số lượng: cần nghiên cứu, học hỏi, hội thảo tìm ra phương pháp hữu hiệu để giáo dục Tăng Ni chất lượng.
– Quan tâm đến những kỹ năng để thích ứng với bối cảnh hội nhập và phát triển của xã hội: để khi ra trường bất cứ Tăng Ni nào cũng có thể “hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh”.
– Quan tâm định hướng cho Tăng Ni sinh sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, tránh tình trạng đăng tải thông tin, hình ảnh phản cảm.
– Quan tâm đến những kỹ năng thuyết giảng, tổ chức các khóa tu, kỹ năng hành chánh Giáo hội…
– Đặc biệt quan tâm đến sự tu tập: Có thể nói rằng, nhiều trường Phật học hiện nay chú trọng đến việc học, truyền trao kiến thức mà ít quan tâm đến việc tu tập của Tăng Ni.Theo chúng tôi công tác đào tạo không những chú trọng đến việc truyền trao kiến thức mà rất cầntổ chức tu tập choTăng Ni. Tu tập là phương pháp thể nghiệm những điều đã được học và là định lực để vượt qua mọi thử thách,cám dỗ của cuộc đời. Do đó, rất cần có môi trường nội trú để giúp cho Tăng ni sinh tu học nghiêm túc.
- Vai trò của vị trụ trì:
Trụ trì giữ một vai trò quan trọng trong việc “tiếp tăng độ chúng” và “hoằng dương Phật pháp” tại địa phương. Vị trụ trì như vị lãnh đạo “Giáo hội thu nhỏ”. Nếu vị trụtrì hoạt động hiệu quả, thì giáo hội phát triển mạnh. Vì thế, khi bổ nhiệm trụ trì, cần phải xem xét Tăng Ni có đủ “tâm và tầm” hay “tài và đức” đểtổ chức điều hành Phật sự tại cơ sở. Theo điều 43, mục 1 của Nội quy Ban Tăng sự Trung ương quy định: “Việc bổ nhiệm Trụ trì cần có sự lựa chọn những Tăng, Ni với những tiêu chuẩn như sau: Về Phật học, có trình độ Tốt nghiệp Trung cấp Phật học trở lên; về thế học, tốt nghiệp Phổ thông Trung học (tú tài) trở lên; về mặt đạo, đã thọ giới Tỳ kheo ít nhất là 5 năm (hoặc có hạ lạp từ 5 năm) trở lên, có tăng phong phẩm hạnh”. Thiết nghĩ, trong thời đại đất nước đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, chúng ta cần nâng cao trình độ của vị trụ trì để có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội. Xin kiến nghị Giáo hội và Ban Tăng sự Trung ương bổ nhiệm cho vị trụ trì có trình độ Phật học từ Cao đẳng hoặc cử nhân và có hạ lạp từ 10 năm trở lêntrừ trường hợp đặc biệt thì có thể sớm hơn.
Để giúp cho vị trụ trì quản lý và điều hành tốt Phật sự tại cơ sở tự viện, hằng năm chúng ta cần tổ chức thêm các khóa bồi dưỡng hành chánh và nghiệp vụ cho vị trụ trì; các khóa tập huấn kỹ năng hoằng pháp, hoặc các khóa đào tạo ngắn hạn về nội điển haytổ chức các khóa tu truyền thống theo các pháp môn Phật giáo…
- Quản lý Tự viện:
Hiện nay toàn quốc có tổng số18.466 Tự viện. Trong số các tự viện đó, còn rất nhiều tự viện chưa được bổ nhiệm trụ trì. Chúng ta cần phải xem xét chọn những Tăng Ni “tài đức” bổ nhiệm trụ trì để có người quản lý điều hành, hướng dẫn tín ngưỡng tại cơ sở. Vì sự hưng thịnh và phát triển lâu dài của Phật giáo, chúng ta không nên phân biệt Tăng Ni “vùng miền”, nếu vị nào có tâm phụng sự hãy tạo điều kiện thuận lợi cho họ. Hiện nay, còn một vài nơi có ít Tăng Ni nhưng số lượng tự viện rất nhiều; vì vậy một vị Tăng Ni trụ trì đến vài tự viện hay nhiều hơn nữa …Trụ trì nhiều tự viện thì khó thểquản lý và điều hành tốt các cơ sở ấy. Dựa theo báo cáo của Ban Tôn giáo chính phủ, ở Việt Nam hiện có rất nhiều tôn giáo đang hoạt động, nếu chúng ta không quan tâm đến vấn đề trên thì trong tương lai gần số lượng tín đồ Phật giáo sụt giảm, mất dần truyền thống đạo ông bà là điều không tránh khỏi.
Lại nữa nếu ta tạo điều kiện thuận lợi bổ nhiệm cho Tăng Ni các cơ sở chưa có trụ trì thì cũng là giải pháptích cực duy trì truyền thống đạo nhà góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc.
Đối với vấn đề am thất tự phát, Giáo hội các cấp chớ vội mạnh tay dẹp bỏ mà nên xem xét từng trường hợp cụ thể. Thiết nghĩ, chúng ta nên dựa trên hai tiêu chí, thứ nhất Tăng Ni phải được đào tạo “trường lớp”, có tinh thần phụng sự Phật pháp và nhu cầu tín ngưỡng tại địa phương ấy. Nếu đáp ứng hai yêu cầu trên thì các cấp Giáo hội nên kết hợp với chính quyền tạo điều kiện cho Tăng Ni, để vừa có cơ sở mới để hoằng dương Phật pháp vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào địa phương. Điều này hằng năm GHPG địa phương nên có kế hoạch khảo sát, có lộ trình cụ thể để trao đổi với chính quyền các cấp giúp đỡ.
Nếu chúng ta ngăn cấm và loại bỏ am thất tự phát, thứ nhất những Tăng Ni này sẽ không đồng hành với các Phật sự tại địa phương, nhiều khi còn bức xúc với Giáo hội; thứ hai khi luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực, Tăng Ni có thể “đăng ký hoạt động tôn giáo tập trung nơi chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc”. Để họ tự sinh hoạt, đăng ký hoạt động tôn giáo tập trung thì các cấp Giáo hội còn khó quản lý điều hành tốt Phật sự tại địa phương hơn nữa.
- Giả sư, tương tợ sư:
Những năm gần đây nạn giả sư khất thưc phi pháp, chứng trai phó hội khá phổ biến, mục đích của họ là gạt người có tín tâm Tam Bảo để có cái tiêu xài xa đọa; hoặc có người cạo tóc mặc áo giới sống đời thế tục làm nghề thầy cúng hướng dẫn người tu tập sai chánh pháp khá nhiều…GHPGVN chúng ta nên có giải pháp kết hợp với các cơ quan chức năng bảo hộ tính pháp nhân pháp lý của GHPGVN về hình thức, nội dung và danh xưng phật giáo trong giáo hội để giảm nhẹ người lợi dụng phật giáo trục lợi riêng hoặc cố tình làm ảnh hưởng uy tín Phật giáo…
Trên đây là giải pháp “Quản lý Tăng Ni, Tự viện thời đại mới”, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An xin trình lên Đại hội. Sau cùng, kính Chúc Chư Tôn đức Tăng Ni: an lạc thân tâm và viên thành các Phật sự. Kính chúc quý vị khách quý và toàn thể quý đại biểu: sức khỏe dồi dào, vạn sự kiết tường như ý.
Thành kính tri ân đại hội đã cho phép và lắng nghe tham luận.
Trân trọng kính chào Chư tôn đức và quý quý liệt vị!
[1] Theo Tài liệu hội nghị sinh hoạt Giáo hội-Hướng đến Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2022.