HỎI: Tôi được biết Phật giáo chủ trương vô ngã, vậy theo kinh Địa Tạng, ai sẽ là người thọ hình trong địa ngục. Cũng theo kinh này, đọc tụng kinh Địa Tạng thì cầu gì sẽ được như ý, vậy điều này có trái với luật Nhân quả không? (TRẦN VĂN PHÁT, Lê Thánh Tôn, Thanh Bình, Biên Hòa, Đồng Nai)
ĐÁP: Bạn Trần Văn Phát thân mến!
Đúng như bạn đã nhận thức, Phật giáo chủ trương con người năm uẩn này vô ngã, không có linh hồn. Mọi khổ đau sanh tử luân hồi của con người đều bắt nguồn từ chấp ngã tức chấp thủ và nhận thức sai lầm về tự ngã, cái tôi thuần nhất, bất biến. Vì chấp ngã nên có năng (chúng sanh) và sở (cảnh giới), và do đó, không chỉ thọ hình trong địa ngục mà ngay cả hưởng phước trong các cõi trời cũng nằm trong vòng tương đãi này. Bởi chấp ngã nên cái tôi và của tôi có mặt. Cũng từ đó, hình thành nên chúng sanh và cảnh giới thọ dụng của chúng sanh. Ngã chấp là tác nhân chính, động lực chủ đạo đưa chúng sanh trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi. Do vậy, thọ hình ở địa ngục là sự chiêu cảm nghiệp báo của những tâm thức có sự chấp thủ nặng nề, tạo nhiều ác nghiệp. Nhân như thế nào thì quả báo như thế ấy. Tuy nhiên, theo Phật giáo, dù thọ hình nơi địa ngục hay hưởng phước nơi cõi trời đều không vĩnh hằng mà vận động, thay đổi. Và vòng luân hồi sẽ vô tận, chỉ chấm dứt khi con người giác ngộ hoàn toàn, thành tựu tuệ giác vô ngã.
Việc kinh Địa Tạng đề cập đến công năng trì tụng kinh này sẽ được như ý có nghĩa là nếu đọc tụng, thâm nhập nghĩa lý và ứng dụng thực hành trong cuộc sống thì mọi điều tốt đẹp sẽ đến. Và như thế, điều này không có gì chống trái với luật Nhân quả. Một trong những đặc điểm của kinh điển Bắc truyền như Pháp Hoa, Địa Tạng v.v… là nhận thức ý nghĩa sâu kín của kinh văn qua những hình ảnh, biểu tượng cụ thể. Do đó, nếu đọc kinh và hiểu theo nghĩa “đen”, chấp chặt vào câu chữ sẽ khó lãnh hội được tinh nghĩa.
Chúc các bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn