Trong đạo Phật nguyên thủy, tâm, ý, và thức cả ba danh từ này đều chỉ chung cho các hoạt động thuộc về tâm lý, tùy theo từng trường hợp mà mỗi danh từ khác nhau được sử dụng. Tuy nhiên, trong đạo Phật phát triển, đặc biệt là giòng triết học Duy Thức, hệ thống tâm lý bao gồm tám thức được phân chia theo từng chức năng cụ thể như sau :
a/ Ý thức (pravrtti-vijňāna): bao gồm sáu loại: 5 thức giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức).
b/ Mạt na thức (mano-mana-vijňāna): thức thứ bảy đóng vai trò trung chuyển giữa sáu thức giác quan và Tàng thức, tức tâm thức sâu kín bên trong.
c/ Tàng thức (ālaya): là kho tàng dung chứa các dữ liệu kinh nghiệm (chủng tử) của quá khứ và hiện tại.
Cả ba loại tâm thức này đều liên hệ mật thiết với nhau, thông qua một quá trình xử lý (processing) để tạo thành các kinh nghiệm thực thụ. Ví dụ, khi con mắt nhìn thấy một cánh hoa, ý niệm về cánh hoa sẽ được đưa vào bên trong tàng thức–nơi mà hình ảnh về nhiều loại hoa đã được lưu giữ trong quá khứ– để xử lý và đưa ra một ý thức rõ ràng đây là cánh hoa hồng. Rồi cánh hoa hồng này có bản chất như thế nào, mùi hương của nó ra sao .v.v. tất cả đều qua một quá trình tương tác lẫn nhau trong dòng tâm thức để sau cùng tạo ra một kinh nghiệm thực thụ về cánh hoa hồng mà bạn vừa nhìn thấy.
Nói chung tâm, ý, và thức là một tổng hợp trong hệ thống hoạt động tâm lý của con người. Không thể tách rời chúng ra từng phần riêng biệt. Bạn có thể hiểu đại khái về chức năng căn bản của tâm thức con người như sau: Tâm là nơi tích chứa, ý là năng lực tạo tác, và thức là năng lực hiểu biết. Khổ đau hay hạnh phúc đều do dòng vận hành của tâm, ý, và thức mà tạo thành; cho đến các cảnh giới cũng đều như vậy.