Trước khi cùng nhau làm một chuyến viễn du dài hạn, sư phụ kêu đệ tử tới bảo:
– Bồ tát Quán Thế Âm từ bi và linh lắm. Bởi vậy Ngài mới có danh hiệu: “Tầm thinh cứu khổ Quán Thế Âm Bồ tát”. Nếu người bị khổ nạn, niệm danh Ngài, Ngài sẽ nương theo âm thanh cầu nguyện… mà tìm tới, giải khổ cho.
Sau đó, thầy và đệ tử mỗi người cỡi một con lừa đi du phương. Tới một quán trọ, sư phụ vào trước, dặn đệ tử buộc lừa cẩn thận.
Đệ tử đứng bên ngoài quán trọ, ngắm trời nhìn mây. Sau đó chú cẩn thận tụng một thời kinh cầu an, thành khẩn lễ bái, rồi ngửa mặt lên trời, lâm râm khấn nguyện:
– Thưa Bồ tát, xin Ngài để mắt tới hai con lừa giùm con.
Khấn xong, chú lạy vùi ba lạy, chẳng thèm cột nhốt gì, ung dung bước vào quán trọ ngủ một giấc tới sáng bét.
Sau buổi điểm tâm, trước lúc lên đường, sư phụ phát hiện lừa đã mất, bèn kêu đệ tử hỏi:
– Lừa của chúng ta đâu?
Đệ tử bấy giờ mới hoảng hốt, cuống quýt đi tìm quanh, không thấy lừa bèn thưa với sư phụ:
– Việc này thầy phải hỏi Bồ tát ấy. Tối qua con có gởi gắm nhờ Bồ tát coi chừng lừa giùm, cũng đã tụng niệm, lạy Ngài ba lạy rất là thành khẩn. Thầy không phải đã từng dạy con nên tin tưởng Bồ tát sao?
Sư phụ tức giận nói:
– Đúng là ta có dạy chú phải tin Bồ tát, nhưng trước khi cầu tha lực, chú phải tự lực hết sức mình chứ. Chú cũng có tay thì nên dùng tay của mình mà buộc kỹ lừa, sao lại nạnh Bồ tát cột giùm? Chú có mắt, sao chẳng chịu dòm ngó… mà lại nhờ Bồ tát coi giùm? Cái gì làm được thì tự làm, làm không được mới nhờ bên ngoài trợ giúp, đừng có lười nhác ỷ lại vào bất cứ ai. Trong ngàn tay ngàn mắt của Bồ tát cũng có tay, mắt của chú ở trong đó mà. Chú không chịu mó tay, để mắt vào thì mất lừa là lẽ tất nhiên thôi! Có vị Bồ tát nào lại chịu giúp cho chú tăng thêm thói tật lười nhác hử?…
(Kể theo Truyện ngụ ngôn của Lâm Thanh Huyền)
—o0o—
BÀI HỌC ĐẠO LÝ
Đúng là trước khi cầu tha lực, ta phải dốc sức tự lực trước. Giống như muốn khỏe mạnh thì phải ăn, ngủ, làm việc… điều độ. Muốn đi đường bình an thì phải chấp hành luật giao thông. Muốn không bị cướp giật thì chẳng nên đeo của báu đắt tiền lấp lánh. Chưa kể có những người đeo nhiều trang sức, khoe lồ lộ rồi còn đi vào chỗ vắng, thậm chí khuya lắc khuya lơ vẫn còn lang thang ngoài đường, hoặc cứ phóng nhanh giành đường vượt ẩu rồi lý luận rằng: Mọi sự đã có Phật và Bồ tát gia hộ… vì mình là đệ tử các Ngài, vì mình đã chí thành lễ bái Phật ngày đêm, các Ngài có bổn phận phải bảo hiểm tài sản, nhân mạng cho mình!
Lý luận kiểu này giống hệt anh chàng không chịu buộc, nhốt lừa cẩn thận. Đành là đôi khi ta buộc chặt, nhốt kỹ mà vẫn bị mất. Song, nếu ta cẩn thận, dẫu có rủi ro đi nữa cũng ít ân hận hơn là cứ cẩu thả ỷ lại. Ta có khả năng tự bảo hộ mà không thèm ứng dụng, lại đòi chư Phật, Bồ tát phải thường xuyên để mắt tới, bảo an cho ta… Như vậy thật là vô lý! Chắc chắn chẳng “bề trên” nào thèm giúp cho một kẻ không biết tự chăm sóc, lười biếng và luôn ngong ngóng, trông chờ lực giúp đỡ từ bên ngoài.