Sáng nay, ngày 5/9/2018 (nhằm ngày 26/7/Mậu Tuất), tại Tổ đình Bồ-đề, ấp Kim Định, xã Tân Kim,huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, chư Tôn đức môn đồ pháp quyến, Ni sư Thích Tắc Thiện trụ trì Tổ đình đã cung thiết trang nghiêm lễ Húy kị lần thứ 2 của Hòa thượng Tôn sư thượng Đạt hạ Pháp, hiệu Tánh Vân, và tổ chức Lễ Cài hoa hồng báo đáp tứ ân với hàng trăm Phật tử đồng tham dự.
Để tỏ lòng hiếu kính Tôn Sư, Ban tổ chức đã trân trọng cung thỉnh chư Tôn đức Giáo phẩm tỉnh Long An thân lâm chứng minh pháp lễ: HT. Thích Minh Thiện- UV HĐTS TW, Phó Trưởng Ban Hoằng pháp TW, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An; HT. Thích Huệ Hồng-Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An; HT. Thích Huệ Bạch-Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Cần Giuộc; HT. Thích Tắc Lãnh- Trưởng Tông phái Thiên Thai Giáo Quán, HT. Thích Quảng Ý-Trưởng Ban Trị sự liên huyện Kiến Tường, Mộc Hóa, cùng chư Tôn đức Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An; chư Tôn đức Thường trực Ban Trị sự GHPGVN huyện Cần Giuộc; chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện trong và ngoài huyện địa phương; chư Tôn đức Tăng Ni thuộc Tông phong Thiên Thai Bắc-Nam (hơn 100 vị).
Sau các phần nghi lễ tụng kinh Vu Lan Báo Hiếu, Tiến Sư do HT. Thích Thiện Tài, Trưởng Ban Nghi Lễ GHPGVN tỉnh Long An đảm nhiệm, Ban Nghi lễ cung thỉnh Quý Tôn đức thân lâm Tổ đường thắp hương tưởng niệm Cố Trưởng lão và tiếp đó chứng dự trai đường.
Theo chỉ đạo của Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh nhà, TT.Thích Đức Hoàng trân trọng đảnh lễ, cung tuyên tiếu sử hành đạo của Cố Trưởng lão Hòa thượng thượng Đạt hạ Pháp-Nguyên Thành viên CMHĐTSTW, nguyên Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An trong ba nhiệm kỳ, Viện chủ Tồ đình Bồ-đề, vị Trưởng lão đã có nhiều công lao đóng góp, phát triển các Phật sự tại tỉnh nhà.
Theo đó, ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH ĐẠT PHÁP
– Thành Viên Hội Đồng Chứng Minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
– Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An.
– Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Cần Giuộc
– Nguyên thành viên Ban vận động thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
– Nguyên Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
– Nguyên Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An nhiệm kỳ III, IV, V
– Nguyên Thành viên UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An nhiều nhiệm kỳ.
– Viện chủ chùa Bồ Đề, ấp Kim Điền, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
1. Thân thế:
– Hòa Thượng Thích Đạt Pháp, thế danh là Võ Văn Thượng, sinh năm Quí Hợi (1922) tại xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, trong gia đình có truyền thống nhiều đời kính tin Tam Bảo.
– Thân phụ là cụ ông Võ Văn Đâu, thân mẫu là cụ bà Đào Thị Quế. Hòa Thượng là anh cả trong gia đình có bốn anh chị em (1 trai 3 gái). Năm lên 11 và 12 tuổi,liên tiếp 2 năm Ngài lần lượt mất đi thân phụ và thân mẫu. Người anh cả phải bảo bọc 3 cô em gái khi tuổi còn bé, được hai bên nội ngoại yêu quí dưỡng nuôi. Vốn thông minh, trí sáng và siêng năng, Ngài đã đạt cấp bằng tú tài I, điều hiếm có của tuổi trẻ thời bấy giờ. Bên cạnh đó, Ngài cũng đến chùa học chữ Hán và học nghề thợ mộc để có điều kiện chăm sóc các em.
2 Xuất gia tu học:
– Duyên Bồ Đề nhiều kiếp đã gieo, Ngài thường theo ông bà đến chùa lễ Phật nhân các ngày lễ hội truyền thống Phật giáo và Dân tộc. Ngài thường đọc tạp chí Từ Bi Âm để tìm hiểu Phật pháp. Nhờ nhân duyên này, Ngài càng hiểu rõ chân lý Phật dạy, giác ngộ cuộc sống vô thường. Từ đó, Ngài thường xuyên đến Chùa Tôn Thạnh công quả, tụng kinh bái sám. Duyên lành hội đủ, Ngài được tổ Liễu Thiền, trụ trì Chùa Tôn Thạnh, tiếp độ xuất gia khi lên 23 tuổi (tức năm 1945), pháp danh là Tánh Vân, pháp hiệu là Đạt Pháp. Khi được dự vào hàng đệ tử xuất gia của Phật, Ngài càng tinh tấn hơn. Được Hòa thượng Bổn Sư ân cần hướng dẫn học kinh luật, các thời khóa công phu miên mật.
– Năm 1948, sau thời gian tinh chuyên tu học, Ngài được Hòa thượng Bổn Sư cho phép thọ giới Sa-di để tiến tu đạo nghiệp. Ngài tham dự Phật học đường Lục Hòa Tăng tại Chùa Thiên Phước (quận 1, TP Hồ Chí Minh) và được cử làm quản chúng khoảng 30 học Tăng trong suốt 6 năm liền. Để thuận duyên hoằng pháp, Ngài học thêm ngành y nhằm chữa bệnh giúp đời và học cả nghề làm báo.
3 Hành đạo:
– Năm 1952, Ngài được lãnh thọ giới Tỳ Kheo, lúc vừa tròn 30 tuổi. Khi Phật học đường Lục Hòa Tăng tạm ngưng, Ngài được mời về trụ trì chùa Phước Hòa (Thành Phố Hồ Chí Minh). Đây là trụ sở của Hội Phật Học Nam Việt. Ngài được thỉnh làm cố vấn giáo hạnh cho gia đình Phật tử Chánh Đạo do cư sĩ Tống Hồ Cầm làm huynh trưởng. Thời gian này, Ngài tiếp tục dự Lớp giáo lý tại chùa Ấn Quang và Khóa Như Lai Sứ Giả tại chùa Pháp Hội (Thành phố Hồ Chí Minh).
– Thời gian ngày, ban ngày, Ngài vừa lo Phật sự tại bổn tự vừa phụ trách phòng thuốc từ thiện của chùa, khám trị bệnh cho đồng bào; ban đêm Ngài đi học thêm nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp và Hoa văn.
– Giữa năm 1957, tròn 35 tuổi, Ngài cùng Ban Quản Trị Hội Phật Học Nam Việt xây dựng chùa Xá Lợi, đường Bà Huyện Thanh Quan – Quận 3 – Thành Phố Hồ Chí Minh và là vị trụ trì chùa Xá Lợi đầu tiên, 10 năm, từ năm 1957 đến 1967, kiêm cố vấn giáo hạnh Gia đình Phật tử Chánh Đạo. Tại đây, Ngài đã học thạo 2 ngoại ngữ Anh văn và Hoa văn. Nhờ vậy Ngài thường xuyên được cùng chư tôn đức tiếp các phái đoàn Phật giáo quốc tế sang thăm Việt Nam. Nhất là, Ngài trực tiếp đưa đón Đại đức Narada cùng phái đoàn Phật giáo Tích Lan đến thăm Việt Nam.
– Năm 1967, Ngài 45 tuổi, được Hội Phật Học Nam Việt ủng hộ đã xuất dương du học tại các nước Thái Lan, Ấn Độ, Tích Lan. Ngài học thêm cổ ngữ Sanskrit và Pali. Nhờ vậy, kiến thức về nội điển Ngài càng thêm uyên bác. Cuối năm 1970, Ngài hồi hương về Việt Nam.
– Năm 1971, Ngài là thành viên Ban sáng lập Giáo Hội Phật giáo Thiên Thai Giáo quán, giữ chức vụ Trị sự phó Kiêm trưởng Ban Hoằng Pháp và ủy viên Tăng sự. Văn phòng đặt tại chùa Pháp Hội (Quận 10, Thành Phố Hồ Chí Minh). Ngài được mời giảng dạy giáo lý và Anh văn, Hoa văn cho rất nhiều Tăng Ni, Phật tử xa gần về tham học.
– Năm 1971- 1972, Ngài trụ trì chùa Thiên Ân, huyện Phú giáo, tỉnh Bình Dương.
– Năm 1974, Ngài được Chư Tôn Đức trong Thiên Thai Giáo Quán Tông mời về trụ trì Tổ đình Bồ Đề cho đến nay.
– Khi đất nước hòa bình từ năm 1975, nhận lời mời của Cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ, tham gia nhập Ban Vận động thống nhất Phật giáo toàn quốc.
– Tháng 11 năm 1981, với cương vị là Tông trưởng Thiên Thai Giáo Quán Tông, Ngài làm trưởng đoàn đại biểu Hệ phái Thiên Thai dự Đại hội Đại biểu Lần thứ 2 Phật giáo toàn quốc tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội. Ngài đại diện Thiên Thai Giáo Quán Tông ký vào Văn kiện thống nhất Phật giáo toàn quốc, thành lập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.
– Cũng năm này (1981), tại Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo toàn quốc, Ngài được cử là ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
– Tại tỉnh Long An, Hội đồng Trị sự Trung ương ủy nhiệm Ngài vào Ban Trù bị vận động thành lập Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Long An.
– Năm 1983 Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Long An được thành lập, Ngài là Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Hoằng Pháp tỉnh (nhiệm kỳ 1) và tiếp tục được Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ II (1987) suy cử là ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
– Ngày 29 tháng 10 năm 1987, Ngài được tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa Thượng.
– Năm 1987 đến năm 1990 tiếp tục là ủy viên Hội đồng Trị sự TW GHPGVN kiêm Phó Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Long An (nhiệm kỳ II).
– Năm 1992 tại Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ III, Ngài được suy tôn vào ngôi vị thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
– Năm 1990 đến năm 1993, Ngài tiếp tục là ủy viên Hội Đồng Trị sự GHPGVN, được cung thỉnh cương vị Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Long An (nhiệm kỳ III), đề cử làm thành viên Mặt Trận Tổ quốc tỉnh Long An.
– Năm 1993 đến 1997, Ngài tếp tục là ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Long An (nhiệm kỳ IV), là thành viên Mặt Trận Tổ quốc tỉnh Long An.
– Năm 1997 đến 2002, Ngài tếp tục là ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Long An (nhiệm kỳ V), là thành viên Mặt Trận Tổ quốc tỉnh Long An.
– Năm 2002, Ngài đã 80 tuổi, vì tuổi cao sức yếu nên không tham gia hoạt động hành chánh Giáo hội, chọn người kế vị , Ngài dành thời gian để tham thiền tịnh tu. Ngài được Tăng Ni tỉnh Long An cung thỉnh cương vị Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Long An đến nay.
– Năm 2006, Chân dung Ngài được khắc họa qua chương trình Danh Tăng Long An với tựa đề Dưới cội Bồ Đề do Ban Văn hóa Phật giáo Long An kết hợp đài phát thanh truyền hình Long An thực hiện đã được đài Phát thanh truyền hình Long An công chiếu, Tăng Ni Phật tử và đồng bào rất hoan hỷ – quý kính.
– Ngài đã hoan hỷ chứng minh và dự vào hàng Tam sư cho nhiều Đại giới Đàn trong và ngoài tỉnh Long An như Đại giới đàn Minh Tánh, Đại giới đàn Liễu Thiền, Đại giới đàn Khánh Phước, Đại giới đàn Chánh Tâm, Đại giới đàn Pháp Lưu, Đại giới đàn Viên Ngộ, Đại giới đàn Thiện Nhu …
– Ngài luôn niêm mật hành trì tu tập trong các thời khóa công phu. Năm 1970, Ngài phát nguyện chép Kinh Di Đà và Kinh Pháp Hoa Phẩm Phổ Môn cùng một số lời Phật dạy mà Ngài tâm đắc nhất bằng song ngữ Anh -_Hoa văn để thọ trì hằng ngày cùng xâu chuổi trên tay và bảo hiệu A Di Đà Phật. Suốt 40 năm qua, quyển Kinh dù đã theo thời gian cũ kỷ, nhạt nhòe thậm chí có vài chỗ rách hỏng nhưng Ngài vẫn luôn trân trọng. Nhờ vậy chí tu học của Ngài luôn vững bền, đạo lực của Ngài càng được nâng cao và tỏa sáng.
– Suốt 70 năm xuất gia tu học, hành đạo, Ngài đã dành trọn đời mình phụng sự Đạo Pháp – Dân Tộc. Ngài đã un đúc chí nguyện của bậc xuất trần thượng sĩ, thượng cầu Phật đạo; xuất dương du học nghiên tầm giáo điển uyên thâm, tham gia Giáo hội xuyên suốt từ khi đất nước còn trong thời kỳ chiến tranh đến khi hòa bình lập lại, luôn giữ tinh thần Bồ Tát Đạo hoằng pháp lợi sinh. Bao thế hệ Tăng Ni được thấm nhuần ơn giáo dưỡng của Ngài từ các trường Phật học, các Đại giới đàn …
– Ngài là bậc danh Tăng Việt Nam nói chung và bậc danh Tăng Long An của thế kỷ 20, 21 mà nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử hiện tại và mai sau hướng về đãnh lễ, noi gương.
4 Thị tịch:
Duyên hóa độ viên mãn, vì niên cao lạp trưởng, Ngài đã thuận thế vô thường thâu thần viên tịch vào lúc 17 giờ ngày 26/7/Giáp Ngọ (21/8/2014), trụ thế 92 năm, hạ lạp 62 năm. Nhục thân của Ngài được nhập bảo tháp trong khuôn viên chùa Bồ Đề như để hằng gia hộ chúng đệ tử tinh tấn vun bồi đạo hạnh.
Nhất tâm đãnh lễ Từ Thiên Thai Giáo Quán tông Bồ Đề đường thượng nhị thập nhị thế, húy TÁNH VÂN, Thượng ĐẠT hạ PHÁP Đại lão Hòa Thượng Giác linh.
Chứng minh trai lễ, qua lời tác bạch của ĐĐ. Thích Tắc Hiền, HT. Thích Minh Thiện kính đảnh lễ Giác linh Cố Trưởng lão và ban đạo từ chúc nguyện ghi nhận tấm lòng hiếu kính của môn nhân pháp quyến cùng các Phật tử gần xa tham dự.
Hòa thượng kính nhắc lại quá trình hành đạo đầy tâm huyết của Cố Trưởng lão đối với Phật giáo Việt Nam nói chung và với Giáo hội tỉnh Long An nói riêng. Ngài là bậc thầy tài hoa từng du học và làu thông nhiều ngôn ngữ. Ngài cũng từng lưu trú tại các tự viện, cơ sở Phật giáo đất Sài thành để trau dồi Phật học và thế học. Dừng bước vân du tại miền Cần Giuộc, Trưởng lão trở thành thạch trụ tòng lâm cho Phật giáo Long An, đến tuổi xế chiều vẫn không quên dặn dò chư Tăng Ni trẻ hãy quan tâm tu dưỡng phẩm hạnh và vững tiến trên con đường Phật học, nâng cao tri thức, xương minh Phật pháp.
Với niềm hy vọng chư Tăng Ni sẽ xứng đáng là người con Phật trong hiện tại và tương lai, HT. Thích Minh Thiện khuyến khích mọi người hãy vâng theo di huấn của Tôn sư, phụng sự cúng dường Phật pháp Tam bảo đầy đủ hai mặt vật chất lẫn tinh thần. Hòa thượng nhấn mạnh ‘có tâm thành không lo muôn sự khó, có hiếu tâm sẽ cảm được lòng người’. Ngài cũng vô cùng hoan hỷ nhận thấy sự đoàn kết hòa hợp tương kính của chư Tôn đức Giáo phái Thiên Thai từ Nam chí Bắc đã dành nhiều thời gian quý báu về tham dự buổi lễ hôm nay; do vậy Hòa thượng mong rằng Tổ đình Bồ-đề ngày càng phát triển, huynh đệ luôn khuyến tấn tu hành, không cô phụ tấm lòng Thầy Tổ.
Buổi lễ cúng dường Húy kỵ, Cài hoa hồng tưởng niệm bốn ân kết thúc vào lúc 11g30, tiếp đó các anh chị văn nghệ sĩ trình diễn văn nghệ cúng dường chư Tôn đức.