Hỏi:
Đoạn văn trong Tham Thiền Phổ Thuyết nói:
“Như người đời ngày đêm dụng tâm bận rộn công việc gia đình, chẳng từng nói đến tâm thì đâu thể được sự thôi nghĩ của nó. Người học đạo hàng ngày bị vọng lôi đi, khởi rồi lại dừng mà chẳng biết chỗ dừng, dừng rồi lại khởi mà chẳng biết chỗ khởi, vì chưa kịp để ý đến chỗ này.
Phải biết vọng không có nguyên nhân, như sóng đuổi theo nhau, gió dừng thì sóng lặng, khi biển yên sóng lặng quay đầu lại tức là giác. Người trong ngoài lay động, biết rồi lại mất, thấy rồi lại dời, làm sắc làm không, hoặc ẩn hoặc hiển, man mác chẳng thật, nói chung đều là vọng. Đã biết được vọng ắt phải biết chân, nay cho nhiều tâm là vọng, một tâm là chân, đã kiến lập một tâm, ắt phải trừ vọng.
Phương pháp trừ vọng quý ở tham thiền. Hằng ngày có thiền thì tự có thể thôi vọng. Người xưa nói: “Cuồng tâm ngưng nghỉ, ngưng nghỉ tức Bồ đề”. Cổ nhân ngay dưới chữ Bồ đề quở là “thằng chết”, đến đây một tâm cũng bất khả đắc. Đã là Bồ đề, tại sao nói là “thằng chết”?
Kính xin Sư Phụ khai thị?
Đáp:
“Thằng chết” thí dụ tâm ngưng hoạt động, tức bộ óc ngưng hoạt động không còn vọng tưởng. Tâm vốn không thể chết, vì tồn tại vĩnh viễn. Không những bản tâm tồn tại vĩnh viễn, mà cái dụng của bản tâm (tánh thấy, tánh nghe, tánh biết…) đều tồn tại vĩnh viễn (kinh Lăng Nghiêm chứng tỏ).