Hỏi:
Tiểu thừa chưa dứt nhất niệm vô minh, vậy làm sao thoát được vòng sanh tử?
Đáp:
Tiểu thừa chỉ thoát được phần đoạn sanh tử, mà chưa dứt được biến dịch sanh tử. Ở trong Phật pháp có hai thứ sanh tử: Phần đoạn sanh tử và Biến dịch sanh tử.
Tối Thượng thừa gồm tất cả thiền
Hỏi:
“Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa, Tối Thượng thừa”, lối chia này của người Tối Thượng thừa. Như vậy người Tiểu thừa có công nhận lối chia này không?
Đáp:
Lối chia này không phải Phật Thích Ca chia, mà người đời sau chia. Phật Thích Ca ban đầu thuyết liễu nghĩa, nhưng người nghe không chấp nhận được, nên phải thuyết bất liễu nghĩa, rồi mới thuyết liễu nghĩa.
Tam thừa giáo là đối tượng khác nhau, ban đầu phá chấp phàm phu với ngoại đạo, thời thứ nhì là phá chấp của Tiểu thừa, giáo thời thứ ba là phá chấp Đại thừa.
Phật thuyết pháp là để khế hợp với căn cơ, chứ không phải có chia. Những việc này là những giai đoạn, Đại thừa không phải thật, vì Phật cũng phủ định. Nên Phật nói: “49 năm thuyết pháp, tôi chưa từng nói một chữ”.
Tất cả lời của Phật nói, Phật đều phủ định hết, như các người dịch kinh chấp có pháp thật, tại họ không hiểu căn bản Phật pháp, cũng có ý của mình xen vào.
Như tông Thiên Thai, đến Tổ thứ 3 là Trí Giả đại sư mới được hoàn thành đầy đủ giáo lý của tông Thiên Thai. Trí Giả đại sư ở trên núi Thiên Thai, nên người ta gọi là tông Thiên Thai. Tông Hoa Nghiêm cũng vậy, Hiền Thủ đại sư mới hoàn thành giáo lý của tông Hoa Nghiêm, vì Tổ thứ 3 tông Hoa Nghiêm là Hiền Thủ, nên người ta gọi là tông Hiền Thủ.
Tông Thiên Thai căn cứ kinh Pháp Hoa tu, cũng gọi là Pháp Hoa Tông. Tông Hiền Thủ căn cứ kinh Hoa Nghiêm, cũng gọi là Hoa Nghiêm tông, đều là kinh liễu nghĩa. Nói về giáo lý đầy đủ phong phú thì kinh Hoa Nghiêm hơn kinh Pháp Hoa.
Hỏi:
Tổ Sư thiền có câu thoại đầu làm phương tiện, tông Hiền Thủ có kinh Hoa Nghiêm để tu, vậy nên bỏ và lấy cái nào? Cái nào nào hơn cái nào?
Đáp:
Không bỏ và lấy cái nào cả, cũng không có cái nào hơn cái nào. Pháp thiền của tông Hoa Nghiêm gọi là Pháp Giới Quán Thiền có chia làm 4 loại: -Lý pháp giới –Sự pháp giới –Lý sự vô ngại pháp giới – Sự sự vô ngại pháp giới.
Sau 49 năm Phật thuyết pháp, trong hội Linh Thứu Sơn Phật đưa cành hoa lên, Ngài Ma Ha Ca Diếp mỉm cười, lúc đó Thiền tông ra đời, còn gọi là pháp thiền trực tiếp, cũng là pháp Tổ Sư thiền.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma đem Tổ Sư thiền qua Trung Quốc truyền cho Huệ Khả,… sau Lục Tổ Huệ Năng mới có 5 phái thiền đều là Tổ Sư thiền, nhưng mỗi gia phong có khác, mà ngộ đạo thì không khác. Như Lâm Tế dạy người tham học vô cửa liền hét, Đức Sơn dạy người tham học vô cửa liền đánh. Mục đích niêm hoa thị chúng của Phật và gia phong của chư Tổ đều không khác.