HỎI: Tôi là Phật tử, 27 tuổi, đã có vợ và con trai 1 tuổi. Vì tôi biết đạo Phật muộn nên tôi mới kết hôn, còn nếu như biết đạo sớm thì có lẽ tôi đã xin xuất gia. Tôi thương vợ và con trai rất nhiều nhưng tâm tôi lại luôn hướng đến sự tu hành để cứu người, giúp đời.
Hiện có hai lý do khiến tôi chưa an tâm để xuất gia: 1.Nếu tôi xuất gia thì không ai lo cho vợ và con trai. 2.Số tiền chúng tôi đang có không đủ để vợ tôi tự lo cho mình và nuôi con. Vì thế, tôi đang cố làm ăn và đợi đến lúc con trai 18 tuổi sẽ sắp xếp gia đình và thực hiện ý nguyện.
Nhưng lúc đó tôi đã 45 tuổi, e rằng sức khỏe không tốt sẽ trở ngại trong việc tu; nhất là chỉ sợ không sống đến lúc đó vì vô thường. Hiện tôi rất phân vân, càng ngày càng thấy mình không thích hợp với đời mà hợp với đạo hơn. Tôi muốn ăn chay trường nhưng vì còn vợ và con. Tôi muốn có điều kiện kinh tế để giúp người nhưng hiểu bản chất kinh doanh, làm ăn là tham nên tâm không an. Rất mong nhận được lời khuyên từ quý Báo.
Sau này, nếu đủ duyên thì hãy xuất gia… Ảnh minh họa
ĐÁP: Bạn Phát Tâm thân mến!
Bạn ‘luôn hướng đến sự tu hành để cứu người, giúp đời’ là điều tốt. Chữ tu hành và cứu người, giúp đời trong đạo Phật có ý nghĩa rất rộng lớn. Trong hoàn cảnh thực tiễn của bạn, tu hành chính là sửa mình; những gì thuộc về thân, miệng, ý chưa tốt thì chỉnh sửa lại cho tốt. Cứu người, giúp đời trước mắt chính là giúp cho vợ con an ổn, gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái nên người, thực hiện đầy đủ các bổn phận và trách nhiệm của công dân. Những điều rất căn bản này, nếu bạn chưa làm được thì khoan nói đến xuất gia tu tập giải thoát.
Chúng tôi hoan hỷ với ý tưởng “cố làm ăn và đợi đến lúc con trai 18 tuổi sẽ sắp xếp gia đình và thực hiện ý nguyện’ của bạn. Là Phật tử, một khi chúng ta đã tạo ra nhân duyên gia đình, vợ chồng, con cái thì phải có trách nhiệm. Thậm chí sau khi con cái đến tuổi trưởng thành mà vợ con chưa thuận thì vẫn tiếp tục gắn bó với gia đình. Hoặc lúc ấy bạn ‘đã 45 tuổi, e rằng sức khỏe không tốt sẽ trở ngại trong việc tu; nhất là chỉ sợ không sống đến lúc đó vì vô thường’ cũng phải chấp nhận.
Bởi theo thông lệ, người trẻ xuất gia phải có sự cho phép của cha mẹ. Người lớn xuất gia phải có sự đồng thuận của vợ/chồng con cái. Không có điều kiện này thì khó có thể được thầy tổ tiếp nhận vào chùa xuất gia. Mặt khác, nếu quyết dứt áo ra đi, thậm chí bỏ trốn gia đình để vào chùa, để lại sau lưng trăm mối ngổn ngang thì cũng rất khó an tịnh thân tâm tu hành lâu dài được.
Bạn ‘càng ngày càng thấy mình không thích hợp với đời mà hợp với đạo hơn’ cũng rất tốt. Vấn đề là bạn cần thấy rõ đạo và đời tuy hai mà một. Đạo cũng không xa rời cuộc đời và đời sống này cũng chính là đạo. Một số người cứ nghĩ rằng, vứt bỏ hết thế sự rồi vào chùa sẽ hết sạch tham sân si, thong dong nhẹ nhàng… Thực tế thì không hẳn như vậy! Đạo ở nơi tâm mà đời cũng chính nơi tâm. Ở đâu mà tâm thanh tịnh thì ở đó có đạo. Có rất nhiều vị cư sĩ Phật tử, tuy đời sống tại gia với nhiều nhân duyên ràng buộc nhưng vẫn thong dong, nhẹ nhàng, giải thoát. Ngược lại, có một số vị xuất gia nhưng chưa khéo chuyển hóa và ôm đồm công việc phụng sự quá nhiều nên thân tâm thường bất an, phiền não.
Bạn muốn giúp người, có nhiều cách chứ không phải có điều kiện kinh tế. Có tiền của chỉ là một nhân duyên trong việc phụng sự mà thôi. Muốn giúp người, trước tiên bạn cần tu sửa bản thân để trở thành người tốt. Kế đến, luôn phát tâm giúp người trong khả năng có thể, đôi khi sự giúp đỡ ấy chẳng cần đến tiền bạc. Cụ thể, cho người một lời nói động viên, tán thán; lắng nghe những nỗi khổ niềm đau của người thân; giúp sức một tay khi người khác cần mình…, tất cả đều là ‘Phụng sự chúng sinh tức cúng dường chư Phật’.
Vì thế, hiện tại bạn nên hoàn thành trách nhiệm và bổn phận của người Phật tử, người chồng, người cha của mình. Sau này, nếu đủ duyên thì hãy xuất gia.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn