Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng của hai luồng Phật giáo, từ Ấn Độ và từ Trung Quốc, nên trong trang phục của các hệ phái cũng có sự khác biệt. Có thể phân biệt trang phục của tu sĩ Bắc tông với trang phục của tu sĩ Nam tông và Khất sĩ qua màu sắc, qua cách mặc và kiểu loại. Y phục của tu sĩ Bắc tông có nhiều loại dành cho ngày thường mặc và ngày đại lễ. Y còn gọi là cà sa, dùng khoác bên ngoài khi làm lễ. Tăng sĩ thọ giới Tỳ kheo (250 giới mới đắp y có điều. Tùy theo cấp bậc mà đắp y từ 5 điều, lên 7 điều, 9 điều. Các y này có màu vàng chanh. Y màu hồng (đỏ) dùng để các hòa thượng đắp khi có trai đàn.
Ni cô và ni sư cũng mặc y phục như tăng sĩ. Khi đi ra đường, tu sĩ thường mặc áo Nhật Bình màu nâu. Áo gồm một lớp ở phía trước và hai lớp ở phía sau. Phía trước áo xẻ giữa, lớp trong ở phía sau cũng xẻ giữa.
Ngoài y, áo, tu sĩ Bắc tông khi làm lễ còn đội mão, mang hài. Hình dáng, màu sắc còn tùy vào nội dung buổi lễ mà có các loại khác nhau. Như khi cúng Phật, đội mão Hiệp chưởng, khi cúng Vong đội mão Tỳ Lư…
Y phục của tu sĩ Nam tông có màu vàng nghệ, không may thành quần áo mà chỉ dùng mảnh vải quấn qua người. Bên trong có y nội, có tác dụng như quần áo lót. Bên ngoài là y vai trái. Khi vấn y, tay phải để lộ ra. Khi đi ra đường, không được để hở vai, nên kéo tấm vải che khuất vai phải.
Tu sĩ Nam tông đi khất thực
Tu sĩ Nam tông và Khất sĩ có vật tùy thân là chiếc bình bát để đi khất thực. Tu sĩ Bắc tông, ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc, sau giai đoạn của Lục tổ Huệ Năng, việc truyền y bát đã bị bãi bỏ.
Y phục của tu sĩ Khất sĩ cũng màu vàng nghệ, cũng vấn y, chứ không mặc. Nhưng y của tu sĩ một mảnh vải do nối nhiều mảnh vải nhỏ lại với nhau nên gọi y bá nạp. Trong bộ kinh Chơn lý của hệ phái cho biết rằng: Mỗi miếng vải vá, nhà sư xem như một điều luật, một câu pháp, một bài kinh… áo vá ngăn ranh như ruộng đất, ý nghĩa nó là một ruộng phước cho chúng sanh. Y là y nguyên, chơn thật cội nguồn không sửa đổi.