Trong Phật giáo Bắc tông có hai chúng xuất gia, là Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Nam tông là hệ phái Phật giáo có nhiều khác biệt so với hệ phái Bắc tông. Hệ phái Nam tông tuân thủ theo những nguyên tắc thời đức Phật còn tại thế. Thời gian đức Phật Thích Ca đi hành đạo, chưa có nữ tu, chỉ có tăng đòa. Tứ Phần luật có ghi lại lời đức Phật trả lời Bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề, khi bà dẫn 500 người nữ đến xin xuất gia: “Nếu người nữ xuất gia tu đạo trong giáo pháp của ta thì sẽ khiến cho Phật pháp không lâu dài.” Sau đó Kiều Đàm Di mẫu (mẹ kế của Tất Đạt Đa, tên gọi lúc Thích Ca còn là thái tử) là người đã dẫn 500 người phụ nữ đến gặp Thích Ca xin thọ giới, thành lập Ni đoàn. Sau nhiều lần cầu mong được chấp thuận ý định của mình mà không được, bà nhờ Ananda xin giúp giùm. Đức Phật đành ưng thuận. Đó là người phụ nữ đầu tiên được nhận vào hàng ngũ xuất gia theo đạo.
Đức Phật cho phép nữ giới xuất gia nhưng với điều kiện họ phải thọ lãnh Bát Kính pháp (Tám pháp người nữ phải thọ nhận thêm khi xuất gia, ngoài các giới luật đã quy định dành cho một tỳ kheo). Nội dung của Bát Kính pháp đề ra nhằm buộc người nữ phải tuân thủ thêm một số quy định như tỳ kheo ni lớn tuổi, nhưng thấy một tỳ kheo tăng nhỏ tuổi, mới thọ giới, phải đứng dậy đón chào, lễ bái… Ngoài Tứ Phần luật, Luật Tạng Pâli cũng có đề cập đến việc đức Phật chế ra Bát Kính pháp, nhưng không dùng từ ngữ này, mà gọi là Bát Trọng pháp.
Luật Ngũ phần thì gọi đó là Bát Bất khả việt pháp (tám pháp không được vượt qua). Chính trong bộ luật này đề cập đến nguyên nhân vì sao đức Phật không cho người nữ xuất gia. “Xưa kia các đức Phật đều không có người nữ xuất gia. Các người nữ tự mình nương theo đức Phật, tu tại gia, cạo đầu, mặc áo cà sa, siêng năng tinh tấn tu hành, được đắc đạo quả. Các đức Phật vị lai cũng như vậy. Nay ta cho phép người nữ dùng điều này làm phương pháp.” (theo Ngũ Phần luật, ĐTK 1421, tập 22, tr. 158, Luật Ngũ phần, tập II, Bí sô Thích Đổng Minh, Việt dịch, lưu hành nội bộ, 1997, tr. 355, Giác Dũng, Phật Việt Nam, Dân tộc Việt Nam, 2003, tr. 42 – 43).
Giác Dũng trong sách Phật Việt Nam, Dân tộc Việt Nam đi đến nhận định rằng “Luật Ngũ phần nói rằng vào thời chư Phật quá khứ không có Ni đoàn. Những người chỉ tu tại gia và cũng đắc đạo quả. Như vậy, rõ ràng, về mặt bản thể tuyệt đối, người nữ đều có khả năng giác ngộ như nam giới, hoàn toàn không có sự khác biệt. Nhưng chư Phật quá khứ vẫn không cho người nữ xuất gia, không cho thành lập giáo đoàn Ni rõ ràng có vấn đề thuộc về tương đối, về hiện tượng xã hội.”
Phật giáo Nam tông là hệ phái Phật giáo căn cứ vào đường hướng tu hành lúc Phật còn tại thế, y theo những giới luật thời đức Phật còn tại thế đã đề ra nên không chấp nhận có nữ tu, không chấp nhận Ni đoàn.