Trong Phật giáo Nam tông, việc thờ tự có khác với Phật giáo Bắc tông. Nếu như trong ngôi chùa theo Phật giáo Bắc tông, ngoài việc đặt thờ các tượng Phật, còn có các vị Bồ tát, La Hán và các thần, thì trong ngôi chùa Nam tông, ở chính điện chỉ tôn trí duy nhất đức Phật Thích Ca… Tuy nhiên các pho tượng Thích Ca này cũng rất phong phú và đa dạng về kiểu loại. Có thể thấy các kiểu loại tượng được tạc chia làm 4 phong cách chính, tương ứng với bốn giai đoạn của cuộc đời đức Phật: Sơ sinh, tầm đạo, đắc đạo và Niết Bàn.
Để thể hiện giai đoạn sơ sinh, có các tượng Cửu Long và Thích Ca sơ sinh. Tượng Cửu Long tạc hình dáng một đứa trẻ đứng giữa, xung quanh có 9 con rồng chầu hầu. Hình tượng này xuất phát từ truyền thuyết khi thái tử Tất Đạt Đa ra đời, có 9 con rồng hiện lên phun nước chầu hầu, vui mừng vì có bậc cứu thế giáng trần. Tượng Thích Ca sơ sinh tạc theo truyền thuyết khi thái tử ra đời, bước đi 7 bước, mỗi bước đi có tòa sen nở đón lấy gót chân, tay chỉ lên trời, tay chỉ xuống đất và nói “Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn” (Trên trời, dưới trời, chỉ có địa vị của con người là tối thượng).
Để thể hiện giai đoạn tầm đạo có loại tượng ngồi thiền định dưới cội bồ đề, tạc tư thế ngồi bán già, hay tay trong thế định ấn (Dhyana mudra). Tượng ngồi trên mình rắn Naga thể hiện thân rắn quấn thành ba vòng làm bệ, phía sau tượng là 7 đầu rắn đưa ra phía trước, làm mái che cho đức Phật. Tượng Xê-Mêtrây thể hiện lúc còn là hoàng tử, nên tư thế ngồi bán già, tay trái đặt trong lòng đùi, tay phải buông xuống, đặt lên đùi phải, đầu năm ngón tay phải chúc xuống. Trang phục ở tư thế tượng này thể hiện áo giáp của một võ tướng, đầu đội mũ hình chóp. Tượng Tuyết Sơn diễn tả giai đoạn Phật tu khổ hạnh, ép xác, người gầy gò…
Để thể hiện giai đoan đắc đạo có các loại tượng trong tư thế ấn quyết đang thuyết pháp (tượng ngồi đất chứng giám) với tư thế ngồi bán già, tay trái đặt trong đùi, lòng bàn tay hướng lên trên, cánh tay phải buông theo hông, bàn tay úp trên ống chân phải, năm đầu ngón tay chúc xuống dưới. Mình vấn y vàng, chừa cánh tay phải. Tượng Phật cứu độ chúng sinh, tư thế đứng, đặt hai tượng hai bên chính điện. Đầu đội mũ chóp nhọn, mình quấn y vàng chừa cánh tay phải. Tượng Phật khuyến thiện, tư thế đứng, đầu đội mũ đen, tay ôm bình bát, trước bụng hoặc ngang hông. Còn gọi tượng đi bát khất thực.
Để thể hiện giai đoạn Niết bàn, tượng tạc trong tư thế nằm quay về bên phải, đầu quay về hướng Nam để mặt nhìn về hướng Đông. Tay phải đặt dưới má, tay trái đặt xuôi theo đùi trái.
Trong số các kiểu loại tượng Thích Ca đều thể hiện bốn tư thế đi, đứng, nằm, ngồi.