TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG TU
Hòa thượng Thích Minh Thiện
Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng Ban Hoằng Pháp TW.GHPGVN,
Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An
Từ khi đức Thích Ca Mâu Ni Phật chứng thành đạo quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác, Ngài đã khai mở con đường tu tập đưa nhân loại đến Chân – Thiện – Mỹ; hay nói cách khác là con đường đưa chúng ta đạt được quả vị giác ngộ giải thoát mà Ngài đã chứng đạt. Con đường ấy hoàn toàn khác với các con đường hiện hữu đã dẫn dắt nhân loại đi vào rừng rậm vô minh, hố sâu khổ đau và biển cả trầm luân qua bao thiên niên kỷ. Con đường của Phật đưa chúng ta đi đến sự buông bỏ ly tham, từ bi trí tuệ, an lạc và giải thoát khổ đau.
Bài pháp đầu tiên đức Thế Tôn khai mở nơi vườn Lộc Uyển năm xưa đã cho con người thấy rõ về bản chất của các pháp ở thế gian qua Bốn Sự Thật; Khổ là một sự thật hiển nhiên tồn tại gần như vĩnh hằng trong đời sống của muôn loài chúng sanh, Sự không hiểu biết và tham ái dục vọng chính là căn nguyên đưa đến khổ đau. Đây là hai sự thật, là quy luật hiển nhiên đang vận hành chi phối đời sống của con người và tất cả chúng sanh trong cuộc đời.
Khi Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy rõ được sự khổ và nguyên nhân đưa đến khổ đau trên cuộc đời, Ngài liền dạy tiếp một chân lý đối lập với khổ đau đó chính là sự an lạc; một sự bình an hạnh phúc có thực, một đời sống tỉnh thức không bị ràng buộc và chi phối bởi bản ngã tự thân. Ngài dạy rằng nếu muốn đạt được đời sống an lạc đời này và đời sau thì phải có những bước chân trải nghiệm hành trì. Những bước chân hành trì trên con đường chánh pháp sẽ đưa chúng ta đến bờ giải thoát khổ đau và đoạn tận ràng buộc tham ái.
Con đường chánh pháp đã được Đức Phật tuyên thuyết, giảng dạy, truyền thừa và tiếp nối biết bao thế hệ Thánh đệ tử, chư vị Tổ sư, chư Tôn túc đã đi, đã thành tựu trải dài xuyên suốt hơn 2566 năm lịch sử đã kết tinh thành những đóa sen tinh khiết ngát hương; đang lan tỏa trên mọi miền thế giới và hiện diện rực rỡ trên quê hương Việt Nam. Sự hình thành, phát triển và lan tỏa của con đường đưa đến an lạc và giải thoát ấy, luôn phù hợp theo từng quốc gia, sắc tộc, vùng miền và từng chủng tánh, là diệu pháp đa phương điều trị tận gốc bệnh khổ của muôn loại chúng sanh.
Hình ảnh đức Phật trong suốt 45 năm sau khi thành đạo, Ngài cùng chư Thánh đệ tử vân du khắp nơi trên quê hương Ấn Độ thời bấy giờ, để tuyên thuyết con đường đưa đến sự an lạc và giải thoát, con đường của hòa bình, kết nối yêu thương và sự hiểu biết, làm lợi ích cho nhân loại. Đây chính là mục đích, là lý tưởng tối hậu của người tu theo đạo Phật.
Trên bước đường tu tập của tự thân để thành tựu được mục đích và lý tưởng ấy không phải dễ dàng, nó luôn có những chướng ngại, khó khăn với nhiều sự tác động nội tại và các ngoại duyên có thể làm cho hành giả vấp ngã, thối chí bỏ cuộc hoặc lầm đường lạc lối,…. nếu không có những bước đầu đúng đắn. Những bước chân đầu tiên là sự chuẩn bị tư lương, trang bị các phương tiện hỗ trợ cho cuộc hành trình đi về bảo sở an lạc là điều hết sức cần thiết. Việc bước đi nhanh hay chậm, đến được hay không chính là những bước chân tự thân do mình quyết định.
Phát khởi tâm Bồ đề là bước chân then chốt đầu tiên của một hành giả thực hành con đường thánh hạnh. Biểu hiện của người có tâm Bồ đề hay còn gọi là thiện căn, căn lành,…. chính là lòng tôn kính Phật, kính tin giáo pháp, thích gần gũi và tôn trọng chư Tăng; bên cạnh đó, đời sống luôn hướng về điều thiện, điều lành, không thích việc tranh đấu hơn thua với những người xung quanh, sống hoà hợp, thanh bạch và đạo đức; đồng thời luôn bi mẫn và thương cảm với những người có hoàn cảnh khó khăn, hay đồng cảm với những nỗi khổ niềm đau của người khác và của muôn loài, dễ dàng buông xả và tha thứ lỗi lầm của người khác,….. Từ lòng tôn kính Tam Bảo và thiện căn ấy, hành giả quy ngưỡng một lòng nương tựa về Phật Pháp thì khi đó được chư Phật hộ niệm và gia hộ cho hành giả luôn có nghị lực để vượt qua các chướng ngại trên con đường tu tập.
Vì vậy, trên bước đường tu, hành giả phải nỗ lực gieo trồng căn lành, phát khởi lòng từ bi yêu thương đến mọi người, thương muôn loài và bảo vệ thiên nhiên, làm lành lánh dữ….. Đặc biệt là trồng căn lành với Tam Bảo.
“Không làm các việc ác Vâng làm các việc lành Giữ tâm ý trong sạch Là lời chư Phật dạy”. ( Lời Phật dạy trong kinh Pháp Cú).
Đây chính là yếu chỉ cốt lõi của Phật để cho mọi người, mọi hành giả tu tập phát khởi và nuôi dưỡng tâm Bồ đề ngày thêm rộng lớn và vững chắc trên bước đường tu.
Thứ hai là thành tựu trí tuệ. Trên bước đường tu cần nhất là Trí tuệ. Trí tuệ được Đức Phật ví như ngọn đèn trên cỗ xe đang đưa chúng ta và hành khách đi về bảo sở trong đêm đen tối, đèn càng sáng thì chúng ta thấy càng rõ những chướng ngại trên đường, những rình
rập hiểm nguy. Trong nền tảng giáo lý đạo Phật “chánh kiến” là một chi phần trí tuệ được đưa lên hàng đầu trên lộ trình của việc tu tập giải thoát. Sự thấy, nhìn nhận đúng giúp cho chúng ta suy nghĩ và tư duy đúng, một khi tư duy đúng thì lời nói và hành động không thể sai lạc. Đây chính là điều Đức Phật đã khẳng định ( Lời Phật dạy trong kinh Tiểu Bộ):
“Ý dẫn đầu các pháp Ý làm chủ, ý tạo tác Khi nói hay hành động Nếu với ý nhiễm ô
Quả khổ liền theo sau Như xe theo vật kéo”
“Ý dẫn đầu các pháp Ý làm chủ, ý tạo tác Khi nói hay hành động Nếu với ý thanh tịnh
Hạnh phúc sẽ theo ta Như bóng không rời hình”
Để có được trí tuệ làm tư lương trên bước đường tu tập, chúng ta cần trải qua hai công đoạn “học tập và tu tập”. Công đoạn thứ nhất là học tập: đây chính là quá trình tìm hiểu và tích luỹ những kiến thức căn bản của nhân loại được truyền dạy không thể thiếu trong xã hội hay còn gọi là thế học. Bên cạnh đó là Phật học, tức là tiếp thu và tìm hiểu ghi nhớ những lời của Phật dạy, chư thánh đệ tử, chư lịch đại tổ sư, các bậc tiền nhân đã truyền thừa và để lại trong Tam tạng giáo điển Kinh Luật Luận. Công đoạn thứ hai là tu tập: sau khi tiếp thu kiến thức thế học và Phật học từ thầy cô giáo, từ bạn bè, từ thầy tổ, từ trường lớp,… chúng ta bắt đầu tư duy thể nghiệm và chọn lọc để cho tâm trí được sáng suốt, thông thái, hiểu rõ được sự vận hành và bản chất thật của các pháp, khi đó đưa ra những quyết định, những hành động, lời nói hay việc làm đều không gây tổn hại, đem lại hiệu quả cao, làm lợi ích cho số đông, cho cộng đồng và cho xã hội.
“Trí tuệ là sự nghiệp”, đây chính là tư lương không thể thiếu trên bước đường tu cũng như hành đạo của một hành giả tu theo Phật giáo. Mọi sự việc khi chúng ta làm nếu không có trí tuệ sáng soi và điều khiển thì dễ dẫn đến phạm phải những sai lầm dẫn đến khổ đau. Bởi vì cuộc sống của thế gian đang vận hành theo quỹ đạo của quy luật nhân quả. Vô minh và tham ái chính là căn nguyên, là gốc rễ che mờ và trói buộc tâm thức, từ đó phát sanh ra bao nỗi khổ niềm đau cho nhân loại. Vì vậy, trên bước đường tu chúng ta luôn cần ánh sáng
của chư Phật hộ niệm và phải canh cánh bên mình thanh gươm trí tuệ của Ngài Văn Thù bồ tát để chặt đứt những dây mơ rễ má của vô minh và tham ái đeo bám, che mờ và ràng buộc chúng ta trên bước đường tu tập.
Thứ ba là chọn lựa phương pháp phù hợp và nỗ lực kiên trì tu tập. Đây cũng là yếu tố quan trọng quyết định cho sự thành tựu đạo nghiệp của hành giả trên bước đường đi về cội Bồ đề vô thượng. Trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo pháp mà đức Phật đã dạy “Trạch pháp” trong Thất giác chi chính là chọn lựa phương pháp phù hợp để tu tập.
Về phương pháp tu tập hay pháp môn tu tập của đạo Phật có rất nhiều phương pháp như: tu Thiền, tu Tịnh độ (niệm Phật), tu Mật (trì chú),… các phương pháp luôn phù hợp với từng căn duyên, chủng nghiệp của đối tượng tu tập, nhưng tất cả các phương pháp ấy của Phật đều đưa về chung một kết quả đó là an lạc, là giải thoát, nếu chúng ta có sự chỉ dạy và hướng dẫn đúng lộ trình của bậc đạo sư đã thực tập và thành tựu. Ví như trăm sông đều đổ về biển cả và nước biển chỉ có một vị đó là vị mặn. Giáo pháp của Phật cũng vậy, chỉ có một vị đó là vị giải thoát.
Tuy nhiên trên bước đường tu không phải ai cũng thành tựu được như lời Phật dạy, đôi khi có những hành giả bị lầm đường lạc lối, rơi vào tà đạo. Vì thế trên bước đường, tu hành giả chọn cho mình một phương pháp tu tập phù hợp cho chính mình và nhất định phải nương theo vị Đạo sư đã và đang thực hành thành thạo, đạt được kết quả của phương pháp ấy hướng dẫn. Từ đó chúng ta nỗ lực tinh tấn hành trì, đây chính là giai đoạn tu luyện để đạt được kết quả, đó là thành tựu được trí tuệ, an lạc giải thoát.
Thứ tư là phát nguyện độ sanh. Đây là bước ngoặc quan trọng để thành tựu được hạnh nguyện tự lợi và lợi tha, đền ơn Phật pháp. Đồng thời đây cũng chính là phương pháp để gieo trồng căn lành và tạo công đức phước báo lớn nhất trên bước đường tu. Nhưng, như lời đức Phật dạy, chúng sanh đa nghiệp, nhiều chủng tánh chủng loại cang cường và rất khó độ. Vì thế, trong kinh Pháp Hoa đức Phật dạy chúng ta muốn độ chúng sanh cần phải phát nguyện rộng lớn và phải làm ba việc đó là vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai và ngồi toà Như Lai.
Sở dĩ muốn độ được chúng sanh thì phải phát nguyện, vì đây là việc rất khó làm. Bởi lẽ chính bản thân mình tu tập chuyển hoá tâm thức để trở thành một người hoàn thiện còn vô cùng gian nan và vất vả; huống chi việc làm cho người khác chuyển hoá và đi theo con đường hướng thượng. Cho nên, tất cả Chư Phật, Bồ tát, chư lịch đại Tổ sư đều có phát lời thệ nguyện độ sanh mà trong tất cả các kinh điển Đại thừa đều có ghi lại những đại nguyện của Chư vị ấy như lời nguyện của Phật Bổn Sư Thích Ca trước khi thành đạo, 48 lời nguyện của Phật A Di Đà, 12 lời nguyện của Phật Dược Sư, 12 lời nguyện của Bồ Tát Quan Thế Âm hay Phổ Hiền thập nguyện,… Vì vậy, trên bước đường tu chúng ta cần phải phát nguyện độ sanh, vì tất cả mọi người đều rất đáng thương và cần sự trợ duyên cứu giúp.
Trước Phật đài con xin phát nguyện
Cõi Ta bà thị hiện độ sanh
Thọ trì đọc tụng chơn kinh
Một lòng tế độ chúng sanh muôn đời
( Lời phát nguyện của Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quảng sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ tại Nhật Bản, trước khi trở về Việt Nam năm 1973)
Song song với việc phát nguyện độ sanh đó, yếu tố cần được bổ sung và nuôi dưỡng là lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh, tâm nhu hoà nhẫn nhục không vướng mắc, tức là quán chiếu sự vận hành của các Pháp là không, là vô ngã. Với ba yếu tố này, việc thực hiện hạnh nguyện độ sanh, hành Bồ tát đạo sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Đây chính là tri ân và đền ơn Phật pháp, đền ơn Tam Bảo một cách thiết thực nhất.
Mùa Thành Đạo PL.2565 – DL.2021 năm nay diễn ra trong bối cảnh đất nước Việt Nam cũng như trên toàn thế giới đang phải hứng chịu sức ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tác động đến đời sống, kinh tế xã hội của nhân loại. Nhưng đó cũng chỉ là quy luật tự nhiên của đất trời. Tất cả các pháp đều có nhân duyên với nhau; cái này có thì cái kia có, cái này sanh thì cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt. Vì vậy với hành giả tu tập nên nhìn nhận một cách khách quan tự nhiên và quán chiếu, suy ngẫm, thể nghiệm lời Phật dạy để thấy rõ được các pháp vô thường, chúng sanh đang khổ, và không có bản thể thật để sở hữu. Từ đó nỗ lực tu tập hành trì để mau đạt đến quả vị và cứu giúp mọi người.
Trong niềm rung cảm vô biên của mùa Phật thành Đạo và dâng trào cảm xúc sự kiện 40 năm thành tựu của Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam. Chúng con mạn phép ghi lại những dòng lưu xuất từ tâm thức đã được tưới tẩm những lời dạy của bậc Ân Sư khả kính; những lời dạy ấy đã nuôi dưỡng và làm động lực cho chúng con mạnh mẽ dấn thân hành Bồ tát đạo, phụng sự đạo pháp, phụng sự nhân sinh trên bước đường tu tập. Chúng con thành kính đảnh lễ tri ân đức Đại lão Hoà thượng Ân sư Thượng TRÍ Hạ QUẢNG – Quyền Pháp chủ GHPGVN, Chủ tịch Hội đồng Giám luật Hội đồng Chứng Minh GHPGVN, nguyên Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN suốt 30 năm. Người đã dành trọn cuộc đời cống hiến phụng sự cho đạo pháp, thực thi con đường Bồ tát đạo thành tựu hạnh nguyện tự lợi lại tha của Phật, của Tổ, của chư Thánh đệ tử đã truyền trao. Người đã và đang ban rải gieo trồng những hạt giống liên hoa trên mọi miền đất nước. Chúng con nguyện đi theo bước chân Ngài trên bước đường tu đạo, hành đạo, tiếp nối hạt giống liên hoa trên bước chân đi về bảo sở.