Dẫn khởi
Kinh Pháp Hoa, đức Phật dạy: “Ba cõi không an, giống như nhà lửa”, đau khổ, phiền muộn lo âu luôn thiêu đốt tâm tư của con người. Muốn vượt ngoài ba cõi, an thân tự tại bước vào quả vị giải thoát không gì bằng tu Thập Thiện nghiệp, thọ trì Bồ-tát giới. Chúng sanh có vô lượng căn cơ, pháp môn nhà Phật có 84 ngàn phương tiện. Thập Thiện nghiệp chính là cơ sở đầu tiên, nền tảng cội gốc của tất cả thiện pháp ở thế gian và xuất thế gian. Phật pháp vào đời với tôn chỉ “ban vui, trừ khổ”, Bồ-tát giới chính là thềm thang đưa người đến chỗ an vui miên viễn. Thế thì, tại sao chúng ta lại do dự không bước chân vào ngôi nhà thánh thiện để đời sống hiện tại được an vui, lợi ích tự thân và mọi người, tương lai ngày càng rạng rỡ?
1.Định nghĩa
Nghiệp, tiếng Phạn “Karma” là những việc làm, những hành động xuất phát từ ba nghiệp thân, khẩu, ý; được diễn ra hằng ngày tập thành thói quen, có năng lực chi phối đời sống con người trong hiện tại và tương lai.
- Phân loại
Nghiệp diễn tiến và tích tập qua ba trạng thái: Nghiệp thiện, nghiệp ác và nghiệp Vô ký. Về Thân nghiệp có ba; Khẩu nghiệp có 4; Ý nghiệp có 3.
4.Hành tướng của Thập thiện nghiệp và Bồ-tát giới
1) Hành tướng của Thập thiện nghiệp
Thân có 3: Không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục.
Khẩu có 4: Không nói dối, không nói thêu dệt, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời hung ác.
Ý có 3: Không tham lam, không giận hờn, không si mê.
2) Hành tướng của Bồ-tát giới
Bồ-tát giới có hai cấp bậc: Tại gia và xuất gia
-Bồ-tát giới của hàng xuất gia gồm 10 giới trọng, 48 giới khinh.
-Bồ-tát giới của hàng tại gia gồm 6 giới trọng, 28 giới khinh.
- Đặc tính của Nghiệp
1) Mối quan hệ nhân quả
Tất cả sự việc hiện hữu ở đời đều được hình thành trong mối quan hệ mật thiết nhân quả tương duyên. Những việc hiện tại đã làm tạo thành nghiệp chắc chắc chiêu cảm phước báo, quả báo. Tạo nghiệp thiện thì hiện đời chiêu cảm phước báo thân tâm an lạc, trường thọ, trí tuệ, gia đình được hạnh phúc, xã hội an bình. Tạo nghiệp ác, ắt hẳn không tránh khỏi quả báo hệ lụy oán thù, tội nặng thì vướng vòng lao lý, tù tội, pháp luật chế tài, oan gia đeo đuổi nhiều đời; tội nhẹ vẫn chuốc lấy tị hiềm, vẫn khiến gia đình không hạnh phúc, cuộc sống chẳng được an vui.
Do đặc tính của nghiệp là nhân quả hiện hành nên dù ở trạng thái Vô ký vẫn phải chịu phần chiêu cảm Nhân Quả.
2) Sự kết hợp theo duyên
Từ nghiệp nhân đã tạo đưa đến nhận lãnh nghiệp quả trải qua một quá trình kết hợp trung gian là nhân duyên. Nhờ đặc tính kết hợp theo duyên này, chúng ta có thể chuyển đổi nhân “xấu” theo duyên “tốt”, chuyển nghiệp ác theo duyên thiện, như quy y Tam Bảo, vâng giữ năm giới, tu thập thiện, thọ trì giới Bồ-tát tại gia. Nhờ thắng duyên ấy, nhân xấu giảm dần, việc thiện ngày càng tăng trưởng, khi sáu căn tiếp xúc sáu trần, luôn có được tư duy đúng, nhận thức thông suốt về các quy tắc: Khai, giá, trì, phạm; từ đó không còn bị lòng tham làm ô nhiễm, nghiệp sân dấy khởi; nhờ năng lượng của việc giữ giới nên chẳng phạm lỗi lầm trong hiện đời và vị lai.
- Giá trị thiết thực của việc thọ trì thập thiện nghiệp và giữ giới Bồ-tát
1) Lợi ích thực tiễn của thọ trì thập thiện nghiệp
Pháp Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn, tùy căn cơ của mỗi người mà chọn phương pháp tu tập khác nhau. Tuy nhiên, dù tu tập bất kỳ pháp môn nào cũng không ngoài mục đích tịnh hóa ba nghiệp, thanh lọc sáu căn. Pháp môn hành trì cơ bản tương ứng trị liệu thân tâm, không gì hơn 10 nghiệp thiện, làm hàng rào vững chắc bảo hộ mỗi người hoàn thiện nhân cách, không bị Bát phong chi phối, không rơi vào Bát khổ; xây dựng một đời sống hiện tại hạnh phúc an vui; thành tựu phước báo trời người, mãi mãi không lạc vào đường ác; mở rộng lộ trình tiến dần đến thềm thang phước báo Đại thừa chính là giới Bồ-tát. Giới Bồ-tát có công năng làm viên mãn hạnh nguyện tự lợi và lợi tha.
2) Lợi ích thực tiễn của việc giữ giới Bồ-tát
Tâm lý chung của mọi người thường e ngại “thọ giới” mà không giữ được “giới” sẽ mang tội. Vì thế, ai nấy đều cho rằng cứ ăn hiền ở lành là đủ. Tư duy như thế chính là chúng ta tự đóng cánh cửa lợi ích bản thân mình cùng sự tương tác với xã hội xung quanh. Mảnh đất dù tốt nhưng nếu để hoang không gieo trồng hạt giống tốt thì cỏ dại sẽ mọc lan tràn. Cũng thế, mỗi người đều có hạt giống Phật tánh như lời Đức Thế Tôn khẳng định: “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành”, nhưng nếu không biết khởi phát cho hạt giống Giác ngộ nảy mầm thì dần dần sẽ bị chìm sâu trong lòng đất Ngã chấp, mặc tình cỏ dại Tham, Sân, Si vùi lấp. Vì vậy, thọ giới, thực hành giới chính là cơ hội khai phát hạt giống thiện sinh sôi đâm chồi nảy lộc.
Giới Bồ-tát có 3 giá trị hiệu dụng thực tiễn, mà thuật ngữ nhà Phật gọi là Tam tụ Tịnh giới: Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới, Nhiêu ích hữu tình giới. Một khi Ba tính năng này của giới Bồ-tát được phát huy hiệu dụng từ mỗi người, thì thế giới Ta-bà có phải trở thành Tịnh độ!
Kinh Đại thừa Vô Lượng Thọ Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác có ghi: “Ở cõi Cực Lạc tu hành 100 năm không bằng một ngày tu tập ở tại cõi Ta-bà”. Điều đó chứng minh giá trị quý báu của sự tu tập tại thế gian. Bởi vì nơi đây, chúng ta luôn bị ba nghiệp chi phối từng phút từng giờ, nếu không có sự tỉnh thức kiểm soát, tức thời bị chúng dẫn dắt. Mặc dù, chúng ta ai cũng có Phật tánh nhưng sức giác ngộ và sự duy trì tỉnh thức không thường hằng, nên cần phải nhờ sức Giới ngăn chặn. Và vì thế, thọ giới là nhân duyên tất yếu để con người tồn tại chân chính bảo vệ tự thân trong tiến trình hòa nhập xã hội, lợi ích mọi người.
Lợi ích của giới Bồ-tát không thể nghĩ bàn, giúp chúng ta phát triển được tâm từ bi vô hạn. Từ phương diện giới Bồ-tát, trải nghiệm thực hành trên nền tảng tu 10 điều nghiệp thiện, đời sống của mỗi người ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Tóm lại, nếu chỉ quan niệm “ăn lành ở hiền” thì chẳng khác nào mảnh đất khô cằn không đủ lượng mầu mỡ để cỏ cây tồn tại; nếu không có cơn mưa phùn của tâm từ bi, không có ánh nắng trí tuệ chiếu soi thì cỏ cây, vạn vật sao có thể sinh sôi đâm chồi nảy lộc; con người lấy gì để tương quan phát triển tình cảm, tư duy trong cuộc đời. Như vậy, cuộc sống có phải là tẻ nhạt lắm không?
NS. Tắc Phú
Chương trình Đại giới đàn Liễu Lạc https://phatgiaolongan.org/chuong-trinh-dai-gioi-dan-lieu-lac-2023/
Đại giới đàn Liễu Lạc tổ chức tại chùa Pháp Minh (xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa), truyền giới Bồ tát và Thập thiện lúc: 15g00 ngày 24/5/2023 (nhằm ngày 6/4 Quý Mão). Nếu phát tâm thọ giới, vui lòng điền thông tin vào mẫu sau: https://phatgiaolongan.org/mau-ghi-thong-tin-ca-nhan-phat-tu-tho-bo-tat-gioi/