KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO VÀ ĐIỀU HÀNH PHẬT SỰ
HT. Thích Minh Thiện UVHĐTS- Phó BHPTW- Trưởng BTSGHPGVN tỉnh Long An
I. DẪN NHẬP
Trong xã hội loài người hay quần thể bầy đàn để tồn tại và phát triển thì đều có sự phân công tự nhiên theo qui luật tất yếu « mạnh được yếu thua », khi tiến hóa tốt hơn thì muôn loài sẽ có sự phân công trách nhiệm hợp lý hơn, khoa học hơn cho riêng mình và cùng tập thể để tồn tại và phát triển.
II. NỘI DUNG
- Lãnh đạo là gì?
Lãnh đạo là nghệ thuật phân chia trách nhiệm để cùng tồn tại và phát triển của một tập thể, một tổ chức trong xã hội; người lãnh đạo là người có khả năng chỉ đạo, điều hành, quản lý một tổ chức hành chánh các cấp theo hệ thống của mình để đạt được mục tiêu cụ thể. Lãnh đạo có thể bao gồm các vai trò như đưa ra quyết định, lập kế hoạch, định hướng và thúc đẩy thành viên trong tổ chức hoạt động hiệu quả. Lãnh đạo đòi hỏi có kỹ năng quản lý, giao tiếp, nắm bắt, giải quyết vấn đề, lãnh đạo tinh thần trong 1 tổ chức theo hệ thống của mình.
Kỹ năng lãnh đạo được hiểu là việc một người sử dụng các kiến thức và kinh nghiệm của mình để thúc đẩy, định hướng hay tạo sự ảnh hưởng mọi người xung quanh thực hiện hành động nhằm hoàn thành mục tiêu chung của tổ chức. Người sở hữu kỹ năng lãnh đạo là người biết nhìn xa trông rộng, tư duy chiến lược, có kiến thức chuyên môn và biết cách quản lý nhân viên cấp dưới thấu tình đạt lý, thưởng phạt phân minh, bình đẳng để hoàn thành mục tiêu đề ra có hiệu quả.
- Tầm quan trọng của lãnh đạo.
- Nhà lãnh đạo là những người lên ý tưởng. Trong những chiến lược, chính sách của tổ chức, nhà lãnh đạo cấp cơ sở cũng là người tiên phong tìm kiếm cách thức hiệu quả để triển khai chỉ đạo của cấp trên và kế hoạch thực tiễn cho tổ chức của mình.
- Nhà lãnh đạo là người tìm ra sự khác biệt, hướng đi mới hiệu quả hơn. Đồng nghĩa với việc họ phải chịu trách nhiệm, chấp nhận những thách thức rủi ro khi thực hiện các kế hoạch và có hướng giải quyết sự việc.
- Lãnh đạo là người truyền được cảm hứng và động lực cho các thành viên trong tổ chức. Mỗi công việc vị lãnh đạo làm cần mang đến thành quả thiết thực cho tập thể, từ đó tạo được sự ngưỡng mộ, đồng thuận của cấp dưới để các việc chung được thực thi một cách hiệu quả nhất.
- Những kỹ năng thiết yếu « cần và đủ » để trở thành nhà lãnh đạo điều hành giỏi.
Vai trò của người lãnh đạo trong một tổ chức, một tập thể giống như là “trưởng đoàn tàu”, là người chèo lái, điều khiển tổ chức hoạt động đúng phương hướng với công suất tối đa nhằm mục đích đạt được mục tiêu một cách tốt nhất. Một nhà quản trị có kỹ năng lãnh đạo sẽ là người đưa ra mục tiêu, lập kế hoạch, phân công nhiệm vụ và điều phối nhân sự thực hiện một cách nhịp nhàng và hợp lý, từ đó thúc đẩy quá trình thực hiện công việc của mọi người hiệu quả hơn.
+ Một người lãnh đạo luôn có những nét nổi bật, khác biệt so với người thường. Vậy đặc điểm của một người lãnh đạo tài giỏi là gì?
- Lãnh đạo là người có tầm nhìn xa trông rộng và có hoài bão lớn. Họ nhìn thấy những điều mà người khác không thấy. Người lãnh đạo giỏi có thể xác định được các mục tiêu tương lai cho tổ chức. Họ luôn biết phải làm gì để đưa tổ chức mà mình lãnh đạo phát triển đúng hướng.
- Là người truyền cảm hứng, dẫn dắt tổ chức của mình làm việc hiệu quả vì mục tiêu chung của tổ chức. Người lãnh đạo giỏi sẽ biết dùng người phù hợp để từng bước thực hiện những mục tiêu nhỏ và hoàn thành tất cả các nghị quyết đã được tổ chức đề ra trong các kỳ Đại hội hay từng bước thực hiện các nhiệm vụ mà tổ chức cấp trên giao phó.
- Hoạch định chiến lược là tố chất không thể thiếu của một người lãnh đạo giỏi. Họ biết cách để phân bổ nguồn lực hợp lý, đưa ra những biện pháp để giải quyết những khó khăn, xây dựng đội ngũ nhân viên chất lượng. Vị lãnh đạo thành lập, đào tạo nên những con người giỏi chuyên môn, gắn kết và có tầm nhìn chung.
- Người lãnh đạo cần có kỹ năng huấn luyện và khả năng đánh giá, chọn lựa đúng người, trao quyền phù hợp với khả năng và sở trường của từng thành viên để họ phát huy được năng lực của mình vì mục tiêu chung.
- Người lãnh đạo cần có bản lĩnh, có kỹ năng ứng xử, giao tiếp để tạo nên môi trường làm việc thân thiện, không ngừng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để quá trình điều hành mọi công tác tiến triển tốt đẹp và đạt hiệu quả cao.
- Hiểu rõ kỹ năng truyền thông, trình bày chính xác, đầy đủ và thuyết phục được mọi người. Nếu nhà lãnh đạo có ý tưởng nhưng không biết cách trình bày, thuyết phục người khác thì họ không thể trở thành người lãnh đạo giỏi.
- Tập thể có quyền kiến nghị người lãnh đạo đại diện tiếng nói của họ phải tự học tập, trang bị cho mình lối ứng xử có văn hóa, khả năng giao tiếp nhạy bén, thông minh, phát ngôn chuẩn mực, xứng đáng là người đại diện tổ chức tạo niềm tin nơi người đối diện.
+ Để có được một tập thể mạnh điều hành mọi công việc và các chỉ tiêu đạt hiệu quả cao người lãnh đạo cần:
- Tìm kiếm ứng viên phù hợp với từng nhiệm vụ
- Tạo vị trí phù hợp với năng lực làm việc của từng người
- Tạo động lực phát triển cho các thành viên
- Uỷ thác công việc đúng người
- Kiểm soát được cơ cấu tổ chức và điều hành mọi thành viên thực thi những kế hoạch đã đề ra.
Người lãnh đạo cần chú ý phân bố nguồn lực sao cho phù hợp tới từng bộ phận để đạt được hiệu quả cao trong công việc. Điều này thể hiện khả năng dùng người của lãnh đạo. Ở mỗi bộ phận sẽ cần có người quản lý và những thành viên có năng lực phù hợp đảm nhận công việc. Sự kết nối hiệu quả giữa các bộ phận trong một tổ chức với nhau là cơ sở để mang đến thành công cho một tập thể lớn. Và người lãnh đạo chính là cầu nối giám sát tất cả.
- Kỹ năng lãnh đạo và điều hành Phật sự của vị Trưởng tử Đức Như Lai.
Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn (thuộc Trường Bộ Kinh, do HT Minh Châu dịch) có ghi lại lời dạy của Đức Phật: “Ngày nào mà chư Tỳ-kheo còn có tâm đạo vững chắc, khiêm tốn, chuyên cần, cố học, kiên cố tinh tấn, luôn luôn giữ tâm niệm và phát triển trí tuệ, thì Giáo đoàn chư Tỳ-kheo không thể suy đồi mà trái lại còn phồn thịnh hơn”
Người lãnh đạo của Giáo hội giữa thời đại khoa học phát triển mạnh như ngày nay không chỉ là một tu sĩ thuần túy khép mình trong cửa thiền, tìm vui với chuông khuya mõ sớm, mà còn là người mang trọng trách thiêng liêng Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh. Thế nên bản thân họ phải có trách nhiệm xiển dương và góp phần xây dựng ngôi nhà Phật Pháp ngày càng xương minh, hoằng truyền Giáo pháp thậm thâm vi diệu của Đức Phật đến các hàng Phật tử, góp phần tích cực vào công cuộc giáo dục đạo đức xã hội và đời sống hạnh phúc cho Dân tộc.
Do đó, điều tiên quyết để trở thành một người lãnh đạo điều hành các Phật sự ngoài việc thực hiện các yếu tố cần và đủ đã nêu trên của một vị lãnh đạo thì vị lãnh đạo tương lai của Phật giáo phải là bậc mô phạm trong chốn Tòng lâm, Tự viện; vị ấy cần hoàn thiện phẩm hạnh của người xuất gia trên lộ trình tu tập Giới – Định – Tuệ hướng đến giải thoát, tuân thủ Hiến chương của Giáo Hội và có tâm phụng sự, có hạnh lợi tha. Lúc nào cũng lấy tinh thần: phụng sự chúng sanh tức cúng dường 10 phương Chư Phật và hết lòng vì lý tưởng Giác ngộ, vì bản hoài xuất gia của mình và cùng trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ những Bậc trưởng lão, chư vị giáo phẩm tiền bối để trang bị tư lương quý báu, sẵn sàng phụng sự các công tác của Giáo Hội, của tổ chức Phật giáo từ TW đến địa phương.
Đức Thế Tôn từng dạy chúng đệ tử: “Này các Tỳ-kheo, khi nào chúng Tỳ-kheo có tín tâm, có tàm, có quý, có nghe nhiều, có tinh tấn, có chánh niệm, có trí tuệ, thời này các Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm” (trích Kinh Đại Bát-niết-bàn, (Màhàparinìbbàna sutta), Kinh Trường Bộ số 16. Bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu)
Điều này, đòi hỏi người tu sĩ lãnh đạo Phật giáo phải thực tập lời dạy của Đấng từ phụ xuyên suốt trong mọi hoàn cảnh để điều phục tâm, thực hành hạnh nguyện hoằng pháp lợi sanh bằng sự dấn thân và đức hy sinh cao cả của mình.
Ngày nay, xã hội loài người đã phát triển với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng những giá trị về đời sống tinh thần vẫn còn bấp bênh và đầy biến động, đói nghèo, dịch bệnh, thiên tai, địa ách, xung đột diễn ra trên khắp thế giới. Lại càng nguy hiểm hơn khi lãnh đạo của các quốc gia đang sở hữu những loại vũ khí hạt nhân, vũ khí huỷ diệt hàng loạt…. nếu không giữ được chánh niệm, tỉnh táo thì chỉ cần một cái nhấn nút nhẹ đã tàn phá đi một phần hoặc một nửa trái đất chúng ta đang sinh sống (trích Chiến tranh hạt nhân).
Chính vì vậy, sự cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống đạo đức là yêu cầu rất cần thiết cho con người mà đặc biệt hơn đó là đối với một người lãnh đạo. Sự chánh niệm tỉnh thức giúp cho người lãnh đạo hay tổ chức lãnh đạo nhìn nhận thấu đáo được vấn đề và đưa ra những quyết định đúng đắn nhất. Thế nên, những nhà lãnh đạo Phật giáo cần đồng hành, chia sẻ những quan điểm triết học “Từ bi, Trí tuệ, Bình đẳng, Hòa bình” đến với những nhà lãnh đạo xã hội đương thời.
Trong Kinh Pháp Cú 301, Đức Phật dạy:
“Ðệ tử Gotama
Luôn luôn tự tỉnh giác
Không luận ngày hay đêm
Ý vui tu Thiền định”
Hệ thống Hành chánh GHPGVN được xây dựng trên nguyên tắc: thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; đồng thời tôn trọng và duy trì truyền thống các tổ chức, Hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chánh pháp (HCGHPGVN); Thế nên, sự lãnh đạo GHPGVN và điều hành Phật sự cũng cần áp dụng nếp sống Lục hòa, thực tập tinh thần Bát chánh đạo kết hợp với các pháp Yết Ma là giải pháp tối ưu làm nên một sức mạnh tập thể của Tăng Đoàn đem lại sự thống nhất cao để điều hành mọi Phật sự đạt hiệu quả tốt nhất. Tăng Ni ngày nay hãy khắc ghi lời dạy của Đức Trưởng lão Hòa thượng đệ nhất chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN thượng Trí hạ Thủ “Những gì tôi phục vụ cho Đạo pháp tức là phục vụ cho dân tộc và cũng vậy những gì tôi phục vụ cho dân tộc tức là phục vụ cho Đạo pháp”! Câu nói bất hủ trên là kim chỉ nam cho việc hành đạo và phụng sự của Phật giáo nước nhà, là minh chứng thể hiện sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp xuyên suốt chiều dài lịch sử: Phật giáo luôn đồng hành cùng Dân tộc.
Bởi lẽ, năng lực đích thực của một tu sĩ Phật giáo chơn chánh được đánh giá trên nền tảng từ trường toát ra nơi nội tâm sâu thẳm của người phạm hạnh thanh cao, tinh nghiêm giới luật. Bên cạnh đó, năng lực hỗ trợ của một lãnh đạo Phật giáo ngoài kiến thức chuyên môn còn cần có nhiều khả năng quyền biến, điều phối và kiến thức đặc thù về các lãnh vực chuyên ngành của Phật giáo mà trong bất kỳ trường hợp nào, hoàn cảnh nào cũng có thể ứng dụng linh hoạt, hiệu quả. Năng lực người tu sĩ Phật giáo thời hiện đại thể hiện trên phương diện làm hưng thịnh Phật pháp bằng sự khéo léo, khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ điều phối Phật sự giúp Giáo hội ổn định, hoạch định chương trình và định hướng cho sự phát triển Phật giáo trong hiện tại và tương lai.
III. KẾT LUẬN
Tóm lại, kỹ năng lãnh đạo Phật giáo và điều hành hiệu quả các Phật sự đòi hỏi vị lãnh đạo luôn trau dồi phẩm hạnh của người đệ tử Phật qua thân giáo, khẩu giáo và ý giáo trên nền tảng Lục Hòa Cộng Trụ, thuận theo pháp nhiếp hóa và chế hóa của Phật giáo. Lãnh đạo Phật giáo là một khái niệm được hiểu gồm những người tổ chức thực hiện Phật sự tại cơ sở Tự viện, đến các cấp hành chánh GHPGVN đúng theo Hiến chương và các Quy chế, Nội quy hoạt động của GHPGVN đồng thời phù hợp Luật tín ngưỡng Tôn giáo và theo pháp luật nước CHXHCNVN quy định.
“Nhận đời manh áo bát cơm,
Tặng đời tất cả những gì thanh cao,
Giới thân huệ mạng giáp bào,
Công phu, công quả pháp nào quý hơn!”
Chùa Thiên Châu, ngày 23 tháng 6 năm 2023
(Khóa Hành chánh Giáo hội PL.2567 DL.2023)
+ Đức Phật chỉ dạy 6 pháp hòa kính sau: “Này các Tỳ-kheo, có sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến vô tranh luận, hòa hợp, nhất trí. Thế nào là sáu? Ở đây, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo an trú từ thân hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí”