VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO TRONG XU THẾ PHÁT TRIỂN VÀ ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM
HT. Thích Minh Thiện
I. DẪN NHẬP
Với tinh thần nhập thế, đối diện với các vấn đề xã hội đang nảy sinh, Phật giáo đã và đang tích cực tiếp cận các vấn đề xã hội từ góc độ giáo lý hệ tư tưởng, Phật giáo đã tham gia vào việc phát triển, đổi mới và giải quyết các vấn đề xã hội. Do đó, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc qua từng cột móc phát triển của thế giới nói chung và đất nước Việt Nam nói riêng.
Phật giáo ảnh hưởng đến xã hội qua hệ thống giáo lý, giới luật của mình. Đồng thời, qua các thiết chế văn hóa, cơ sở thờ tự, đội ngũ tín đồ v.v.. có thể nói Phật giáo là một chủ thể xã hội, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững và thiết lập nền tảng tinh thần và vật chất xã hội. Trong bài tham luận này tôi chỉ nêu ba phương diện căn bản là: Công tác giáo dục đạo đức Phật giáo, Công tác xã hội Phật giáo và Tư tưởng đạo đức gia đình Phật giáo. Đây là ba phương diện căn bản đồng hành của Phật giáo trong sự nghiệp phát triển, đổi mới của đất nước Việt Nam trong lịch sử và hiện tại.
II. CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO
Trong xu thế phát triển nhanh chóng của kinh tế xã hội thì đạo đức chính là điều đáng lo nghĩ, vai trò giáo dục đạo đức trở thành nhu cầu cấp bách. Giáo dục Phật giáo là truyền đạt tư tưởng triết học, kinh nghiệm tu tập, phép tắc, lễ nghi và hình thức tổ chức v.v… cho các
thế hệ tiếp theo. Đây cũng chính là cách để Phật giáo duy trì và tồn tại.
Tư tưởng đạo đức giáo dục Phật giáo nhằm hướng dẫn cuộc sống thực nghiệm, chuyển hóa con người, cải tạo xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Giáo pháp của Đức Phật có 5 tính chất: 1. Đến để mà thấy (đến để nghiệm chứng). 2. Thiết thực hiện tại (đưa đến sự an lạc ngay khi hành trì). 3. Siêu việt thời gian (chơn lý Tứ Diệu Đế…).4. Chỉ người trí mới thâm hiểu(người tu tam tuệ). 5. Có khả năng hướng thượng, đạt mục đích là Thánh(khuyến thiện và chứng Thánh).
Do đó, trong xu thế phát triển và đổi mới của đất nước ta Chư Tăng Ni, Phật tử ngày nay cần quan tâm tham gia vào lĩnh vực giáo dục đạo đức như là công tác hoằng pháp lợi sanh qua 3 vấn đề sau:
- Duy trì nền đạo đức xã hội, khơi dậy truyền thống yêu nước:
Nước Việt Nam ta có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đó cũng chính là nền đạo đức xã hội của dân tộc Việt nam ta vậy nên trích giới thiệu vài nét văn hóa tiêu biểu người PGVN khéo léo bảo tồn truyền thống Dân tộc.
- Văn hóa biết ơn, tương thân tương ái; ca dao tục ngữ VN rất phong phú để ca ngợi và khuyến hóa mọi người VN về tinh thần này như: “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng” hay “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”; “nhiễu điều phủ lấy gia gương người trong một nước phải thương nhau cùng”… Ta lại thổi vào nền văn hóa ấy tinh thần Vu Lan Thắng Hội cài hoa hồng tưởng nhớ tứ ân (Ân cha mẹ, ân Tam Bảo, ân Tổ quốc, ân đồng bào)…
- Văn hóa đoàn kết, tự hào Dân tộc, ta hãy vận dụng truyền đạt tinh thần Phật giáo đồng hành cùng dân tộc cùng đoàn kết chống giặc ngoại xâm, cùng vượt qua thiên tai, địa ách, dịch bệnh…
- Truyền đạt những tinh hoa cho các thế hệ sau:
- Hiếu hòa, sáng tạo, bất khuất lịch sử đã chứng minh Dân tộc ta có những bản sắc văn hóa quý báu như thế…
- Bi, trí, dũng Phật giáo; có thể nói hơn 2.000 năm Phật giáo truyền vào Việt nam tổ tiên ta đã đón nhận như một luồn sinh khí mới làm cho tinh thần Dân tộc ngời sáng thêm lên…
- Xây dựng đạo đức Phật giáo cho mọi người:
- Theo giới luật Phật chế và tinh thần Từ, Bi, Hỷ, Xả. Dựa trên căn bản lời dạy của đức Phật: “ không làm các điều ác, vâng làm các điều lành” đức Phật chế ra các điều luật theo từng cấp bậc khác nhau, nhưng quy tựu đều nằm trong ngũ giới và thập thiện[1], đây chính là nguyên tắc đạo đức thiết thực mà đức Phật đề ra cho Phật tử tại gia thực hành, nhằm đem lại hạnh phúc cho bản thân an vui và cho người khác ngay trong đời này hay những đời sau. Triết lý đạo đức, nhân bản của đức Phật để lại như một kho tàng về giáo dục và văn hóa như lời nhân định của H.W. Schumann: “ Thật hiếm nhân vật trong lịch sử tư tưởng nhân loại từng có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài như đức Phật Siddhattha Gotama, và cũng không ai từng để lại dấu ấn sâu đậm trên toàn châu Á như Ngài. Đạo giáo do Ngài sáng lập không những đem lại nguồn an ủi cho vô số người mà còn cung cấp nền tảng học thuyết nhân bản cao thượng và là một di sản văn hóa vô cùng tế nhị”.[2] Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ, đặt nền tảng trên bốn đức hạnh từ, bi, hỷ, xả, những lời dạy của đức Phật dù nằm trong kinh điển Nguyên thủy hay Phật giáo Phát triển, cũng đều hướng đến một đời sống đạo đức, an lạc hạnh phúc cho nhân loại, giác ngộ giải thoát cho từng cá thể và hòa bình thịnh vượng cho thế giới.
- Thực tập pháp môn Giới, Đinh, Tuệ; có thể nói người truyền bá giáo pháp và thực hành giáo pháp của Thế tôn luôn dựa vào 4 nguyên tắc “Tứ tất đàn” và “Tứ khế”. Nhưng dù có vô lượng pháp môn tu theo Nam truyền hay Bắc truyền PG thì cũng cần đưa đến kết quả thành tựu Giới, thành tựu Định, thành tựu Tuệ, an lạc và giải thoát.
- Sự thích nghi và dung thông với tất cả các nền văn hóa, trên phương diện đạo đức xã hội, giáo dục đạo đức Phật giáo luôn quan tâm đến đời sống nhân loại, giúp con người hoàn thiện cách sống với các chuẩn mực về đạo đức và trí tuệ, giúp cho đời sống con người giảm bớt đấu tranh đau khổ. Cho nên, Phật giáo phát huy tối đa tính tự chủ cá nhân trong việc thực hành quy tắc đạo đức. Có thể nói: “ Đạo đức là môn học đánh giá hành vi thiện ác của con người thông qua thân, khẩu, ý và được thực hiện bởi lý trí, tình cảm và ý chí”[3]. Đây cũng chính là nền móng của giáo dục đạo đức Phật giáo.
Thực tế đã chứng minh, đạo đức Phật giáo phù hợp với đạo đức lẽ sống của con người Việt Nam và nó đã có những đóng góp tích cực trong xây dựng một nền tảng đạo đức mới cho xã hội trên cơ sở kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống đã được đặt ra. Những chuẩn mực của đạo đức Phật giáo vẫn đang có những đóng góp cho việc duy trì một nền đạo đức xã hội, khơi dậy truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, tương thân, tương ái trong cộng đồng, xây dựng con người Việt Nam đạo đức và văn hoá tốt đẹp[4].
III. CÔNG TÁC XÃ HỘI PHẬT GIÁO
Trước hết chúng ta cần hiểu công tác xã hội là gì: “ công tác xã hội là thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ con người, tăng năng lực giải phóng cho người dân, nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu”[5]. Công tác xã hội là lĩnh vực có nguồn gốc từ các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội mang tính tôn giáo.
- Các hoạt động từ thiện xã hội trên nền tảng tu Tứ nhiếp pháp:
Phát huy tinh thần từ bi, cứu khổ, nhập thế cứu đời và truyền bá Phật pháp vào đời, ngày nay các tổ chức từ thiện Phật giáo đứng đầu là các vị Tăng, Ni đã và đang tích cực vận động Phật tử tham gia hoạt động nhằm trợ giúp xã hội cho nhiều đối tượng khác nhau. Ví như Tăng Ni Phật tử Phật giáo tỉnh Long An luôn tích cực tham gia các công tác xã hội như: Giúp đỡ những nạn nhân ở vùng thiên tai, giúp đỡ những gia đình khó khăn, chăm sóc người già neo đơn, gia đình liệt sĩ, viếng thăm các chiến sĩ nơi biên giới và hải đảo, tham gia các phong trào hiến máu nhân đạo, đóng góp quỹ từ thiện, phát triển các cơ sở khám chữa bệnh theo hệ thống y học dân tộc cổ truyền, xây nhà tình thương, xây cầu, đắp đường, mổ mắt từ thiện đem ánh sáng cho người khiếm thị, suất ăn từ thiện được phân phát tại các tự viện và các bệnh viện, phát triển quỹ học bổng trợ giúp học sinh nghèo hiếu học v.v.. và nhiều công tác từ thiện, nhân đạo khác. Đặc biệt là Phật giáo tỉnh Long An mở trường Bồ Đề Phương Duy đào tạo từ khối lớp 1 tới lớp 12. Tất cả các em khi theo học tại trường, đều được miễn toàn bộ chi phí học tập, sách vở, đồng phục, và miễn mọi chi phí ăn ở tại trường. Mỗi năm con số từ thiện xã hội của Tăng ni Phật tử tỉnh Long An lên đến vài trăm tỷ Việt Nam đồng.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, GHPGVN đã chủ động cử hàng trăm Tăng, Ni có chuyên môn y tế, chăm sóc sức khỏe tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19; đồng thời huy động mọi nguồn lực đóng góp cùng chính quyền và nhân dân cả nước trong công tác phòng, chống dịch để ổn định tình hình và đẩy lùi dịch bệnh. Hình ảnh Tăng, Ni, Phật tử nơi tuyến đầu chống dịch là minh chứng sinh động cho lý tưởng phụng sự chúng sinh và chí nguyện đồng hành của Phật giáo Việt Nam với dân tộc[6].
Qua đó ta thấy, Phật giáo là nguồn lực rất mạnh khi tham gia vào hoạt động công tác xã hội điều đó đã được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam ghi nhận. “Tự viện Phật giáo không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo dành cho tín đồ mà còn được xem là nơi cung cấp các dịch vụ phúc lợi xã hội chính thức và phi chính thức”[7]. các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng nhận thấy sự tham gia hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo Việt Nam được xem như là một trong những cách thức thực hiện trách nhiệm xã hội, thực hiện chức năng liên kết xã hội.
- Các hoạt động từ thiện (an sinh) xã hội PG cần mang tính cộng đồng và lợi ích lâu dài:
Có thể nói công tác từ thiện xã hội PG cần lan tỏa để người người đồng hưởng ứng và luôn nghĩ đến “cứu nhân hơn cứu quả”, cho cần câu hơn cho con cá, Phật giáo nên hướng đến hỗ trợ chính quyền địa phương thành tựu các tiêu chí nếp sống văn minh đô thị, tiêu chí nông thôn mới …PG xây dựng trường học, góp quỷ khuyến học, khuyến tài, mở phòng khám trị bệnh miễn phí, mở nhà trẻ, trung tâm chăm sóc người già neo đơn, xây cầu đường giao thông, xây nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa quân dân, nhà tình nghĩa…
- Giáo dục công tác xã hội:
Hiện nay, một số cơ sở đào tạo về Phật học đã quan tâm đến việc giảng dạy về công tác xã hội, ví như Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Thành Phố Hồ Chí Minh đã mở khoa công tác xã hội đào tạo hệ cử nhân, và các trường Phật học trong cả nước cũng đang hướng đến việc đào tạo Tăng Ni sinh những kiến thức chuyên ngành về công tác xã hội trong Phật giáo. Cho nên, có thể nói Phật giáo là một trong những tôn giáo có khả năng huy động được nhiều nguồn lực tham gia vào các hoạt động trợ giúp xã hội.
Tóm lại, việc phát triển và đổi mới một đất nước không thể tách rời các hoạt động công tác xã hội, mà Phật giáo là một trong những nhân tố quan trọng đem tinh thần Từ, Bi, Hỷ, Xã, phụng sự chúng sanh để vận hành tốt hạng mục này.
IV. TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC GIA ĐÌNH PHẬT GIÁO
Thông qua tam tạng kinh điển, những lời dạy, những nội dung tư tưởng đạo đức của Phật giáo, chúng ta có thể hiểu tư tưởng đạo đức gia đình Phật giáo là những quan điểm, quan niệm của Phật giáo về những chuẩn mực trong các mối quan hệ trong gia đình, nhằm đem lại sự bình an hạnh phúc trong cuộc sống qua đó làm nền tảng giúp xã hội phát triển, vì mỗi con người là mỗi nhân tố của xã hội, con người có an lạc hạnh phúc thì xã hội mới phát triển vững mạnh.
Trong sự phát triển nhanh chóng của khoa hoc kỹ thuật và việc tác động của nền kinh tế thị trường, xã hội ngày nay phải đối diện với những vấn đề tiêu cực, suy thoái về đạo đức, luân thường đạo lý bị đảo lộn gây bất ổn trong đời sống văn hóa gia đình và xã hội. Một trong những biểu hiện đáng lo ngại đó chính là các mối quan hệ, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo hơn, các tệ nạn bạo lực gia đình, bạo lực học đường v.v.. đã trở thành mối lo âu cho xã hội. Vì chạy theo lối sống thực dụng, lấy mình làm trung tâm mà tuổi trẻ ngày nay đang dần quay lưng với các giá trị, chuẩn mực đạo đức của gia đình truyền thống. Trước hiện trạng ấy, việc áp dụng giáo lý Phật giáo nhằm rèn luyện đạo đức, giáo dục giới tính, hôn nhân gia đình là điều thiết thực để giải quyết những mối mâu thuẫn xung đột trong đời sống gia đình và xã hội. Gia đình có bền vững thì xã hội mới ổn định và đất nước mới phát triển tốt đẹp.
- Dùng giáo lý làm nền tảng để xây dựng đạo đức trong gia đình:
Để cho mối quan hệ gia đình được tốt đẹp, trong kinh Thiện Sanh đức Phật dạy người chồng nên lấy năm điều yêu thương và tôn trọng vợ như sau: “Một là yêu thương vợ. Hai là không khinh rẻ. Ba là sắm các thứ chuỗi ngọc, đồ trang điểm. Bốn là tôn trọng quyền tự do cá nhân. Năm là xem vợ như chính mình”. Ngoài ra, đức Phật cũng dạy người vợ phải lấy năm điều sau mà tôn trọng chồng như: “ dậy trước ngủ sau, nói lời hòa nhã, kính nhường tùy thuận, sớm lĩnh hội ý chồng”[8]…
- Ứng dụng lời Phật dạy để hoàn thiện trong quan hệ ứng xử:
Ẩn tàng trong kinh điển đức Phật có rất nhiều bài kinh để dạy cho hàng Phật tử tại gia về đời sống hôn nhân gia đình, những mối quan hệ trong cộng đồng xã hội và trong tinh thần học Phật của người phật tử tại gia.
Thí như trong lễ hằng thuận cho gia đình Phật tử chư tôn đức Tăng Ni thường đem tinh thần Kinh Thiện sanh với 5 bổn phận tương tác của các thành tố xã hội với nhau hoặc kinh Phước Đức, kinh Thương yêu…Đó là những chuẩn mực ứng xử rất văn minh, đạo đức mà xã hội thời nào cũng rất cần được giáo hóa.
- Thực hiện đào tạo Hoằng pháp viên:
Hoằng pháp viên là những người Phật tử thuần thành có trình độ học Phật chánh tín tốt, chuẩn mực về đạo đức Phật tử, đạo đức xã hội, gia đình mẫu mực…Chính họ là cánh tay nối dài của chư tôn đức Tăng Ni nhập thế truyền bá chánh tín Phật giáo đến với mọi người một cách hiệu quả trong xã hội “vàng thau lẫn lộn nhiều biến động như hiện nay”. Hưởng ứng theo chương trình hoạt động của ban Hoằng pháp TƯ.GHPGVN nhiều nhiệm kỳ qua các tỉnh thành có tổ chức Hoằng pháp viên tuy chưa đồng bộ, chưa đúng mức nhưng cũng đã đem lại kết quả đáng khích lệ.
Những năm gần đây, Phật giáo tỉnh Long An đã tổ chức nhiều khóa đào tạo Hoằng pháp viên cho sư sĩ nhằm mục đích để Phật pháp đi sâu vào lòng xã hội mỗi thiện nam tín nữ Phật tử cần nắm vững kiến thức căn bản Phật pháp và áp dụng vào đời sống để gia đình hạnh phúc, giúp đỡ những người xung quanh cùng hiểu biết và thực hành lời Phật dạỵ; nhờ đó tinh thần Từ Bi của đức Phật được lan tỏa giúp cho xã hội thêm phần ổn định.
Tính hướng thiện của Phật giáo là nhân tố của nguồn gốc chủ nghĩa nhân đạo. Tư tưởng bình đẳng, hòa bình của Phật giáo cũng đáp ứng được xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. Khi mỗi gia đình đạt được cuộc sống an vui hạnh phúc, tất yếu sẽ dẫn đến một xã hội tốt đẹp phồn vinh.
V. KẾT LUẬN
Qua đó, ta thấy vai trò của Phật giáo Việt Nam trong việc phát triển và đổi mới đất nước. Bằng nền tảng giới luật vững chắc và hệ tư tưởng nhu nhuyến, Phật giáo đã tương tác thành công với các giá trị xã hội để luôn cùng nhau đồng hành đổi mới và phát triển.
Với văn hóa dân tộc, GHPGVN được xem là lực lượng kế thừa, tiếp nối truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam và lan tỏa đến mọi tầng lớp xã hội. Với tư tưởng mang tính chất nhân văn, nhân bản, từ bi, hỷ xả, cứu khổ ban vui, việc giáo dục Phật tử báo đáp tứ trọng ân, Phật giáo đã góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện giá trị đạo đức của xã hội. Nhiều cơ sở thờ tự Phật giáo, nhiều di sản vật thể và phi vật thể của Phật giáo đã được Nhà nước công nhận, trở thành nơi lưu trữ, tuyên truyền, giáo dục văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Qua các hoạt động từ thiện xã hội của tăng ni tín đồ Phật tử đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội ở các địa phương trên cả nước. Thành tựu và kết quả hoạt động xã hội của Phật giáo nói chung, hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo nói riêng biểu hiện rõ nét nỗ lực trách nhiệm xã hội của Phật giáo Việt Nam việc phát huy nguồn lực của Phật giáo cho công cuộc phát triển và đổi mới đất nước, Phật giáo Việt Nam mãi mãi xứng đáng với câu “Mái chùa che chở hồn Dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”. Rất mong GHPGVN, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam giữ vững truyền thống Hòa hợp-Thanh tịnh của tăng đoàn và luôn được chính quyền các cấp tương tác tạo đủ thắng duyên để thực hiện sứ mạng “Những gì tôi phục vụ cho Đạo pháp tức là phục vụ cho Dân tộc và cũng như vậy những gì tôi phục vụ cho Dân tộc tức là phục vụ cho Đạo pháp”(trích lời cố HT.Thích Trí Thủ).
Nam Mô A Di Đà Phật !!!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- W. Schumann (1982), the Historical Buddha (Đức Phật Lịch Sử), Trần Phương Lan (dịch) (1997), Nxb. Tp.HCM.
- Học viện chính trị quốc gia, Giáo trình đạo đức học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
- Thích Thanh Từ, Phật giáo những vấn đề triết học, Trung tâm Tư liệu Phật học xuất bản, 1990.
[1] 400 năm các triều đại Lý – Trần của Việt Nam ta đã đem điều này xây dựng đạo đức xã hội rất tốt.
[2] H.W. Schumann (1982), the Historical Buddha (Đức Phật Lịch Sử), Trần Phương Lan (dịch) (1997), Nxb. Tp.HCM, tr11.
[3] Graw Hill Book, London.
[4] Nhà giáo Vũ Khiêu nói rằng “Tinh thần Bi –Trí- Dũng của Phật giáo phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc là Hiếu hòa-Sáng tạo-Bất khuất”do đó Phật giáo luôn đồng hành cùng Dân tộc.
[5] Trần văn kham, 2009,p.2.
[6] Tăng Ni, Phật tử xem công tác Từ thiện xã hội như là nghĩa cử Từ Bi, là thực hành Tứ nhiếp pháp trong Phật giáo.
[7] Canda and Furman, 2010.
[8] Kinh Thiện Sanh cũng có thể hiểu là bài kinh quan trọng Phật giáo dạy về các nguyên tắc sống trong quan hệ xã hội.