Sáng nay, ngày 07 tháng 6 năm 2023 ( nhằm ngày 20 tháng 4 năm Qúy Mão), tại Chùa Tào Khê, xã Long Khê, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, Ban Trị sự GHPGVN huyện Cần Đước trang nghiêm tổ chức Đại lễ tưởng niệm 60 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân.
Buổi lễ được cung nghinh sự quang lâm chứng minh của Hòa thượng Thích Bửu Ứng, Hòa thượng Thích Tâm Nguyên, Hòa thượng Thích Thiện Ngọc, Hòa thượng Thích Đức Hảo – Đồng Chứng minh BTS GHPGVN huyện Cần Đước, Đại đức Thích Trí Minh – UV Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Long An, Trưởng BTS GHPGVN huyện Cần Đước, Thượng tọa Thích Tâm Hướng – UV BTS GHPGVN tỉnh Long An, Phó Trưởng Ban Thường trực BTS GHPGVN huyện Cần Đước, Đại đức Thích Quảng Giác – UV BTS GHPGVN tỉnh Long An – Phó Trưởng BTS GHPGVN huyện Cần Đước, Sư cô Thích Nữ Huệ Hưng – Phó Trưởng BTS GHPGVN huyện kiêm Trưởng Phân ban đặc trách Ni giới huyện, Đại đức Thích Nguyên Tịnh – UV BTS GHPGVN tỉnh, Chánh Thư ký BTS GHPGVN huyện, cùng Chư tôn đức Thường trực, Thành viên BTS GHPGVN huyện, Chư tôn đức Trụ trì các Tự viện trong huyện, chư tôn đức hành giả an cư hai trường hạ Tào Khê và Long Hoa, cùng quý Phật tử đồng tham dự.
Để tưởng niệm công đức của Bồ tát Thích Quảng Đức đã từ bi phát nguyện lấy thân mình làm ngọn đuốc thiêng, phá tan tăm tối vô minh cuộc đời, giành lấy sự hòa đồng tôn giáo, trong thời khắc thiêng liêng của buổi lễ, Thượng tọa Thích Tâm Hướng – UV BTS GHPGVN tỉnh Long An, Phó Trưởng Ban Thường trực BTS GHPGVN huyện Cần Đước đã cung tuyên Tiểu sử Bồ tát Thích Quảng Đức.
Hòa thượng Thích Quảng Đức sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, thuộc miền Trung Việt Nam, trong một gia đình có bảy anh chị em, cha là Lâm Hữu Ứng và mẹ là Nguyễn Thị Nương. Năm lên bảy tuổi, cậu bé Lâm Văn Tức xuất gia tu học với hòa thượng Thích Hoằng Thâm, vừa là thầy bản sư, vừa là cậu ruột. Cậu được hòa thượng Hoằng Thâm nhận làm con chính thức, nên lấy tên là Nguyễn Văn Khiết. Năm mười lăm tuổi Lâm Văn Tuất thọ giới Sa Di, năm hai mươi tuổi thụ Tỳ Kheo giới pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hạnh Pháp, pháp hiệu Quảng Đức nối pháp đời thứ 42 thiền tông Lâm Tế thế hệ thứ 9 của phái Chúc Thánh. Thọ giới xong hòa thượng vào một ngọn núi tên là Hòn núi Đất thị xã Ninh Hòa – Khánh Hòa phát nguyện tịnh tu ba năm, về sau ông đã trở lại ngọn núi này để thành lập một ngôi chùa lấy hiệu là Thiên Lộc…
Trước sự xúc động của Đại chúng hướng về tôn tượng Bồ tát trong ngày Đại lễ Tưởng niệm, Đại đức Thích Trí Minh – UV Thường trực TS GHPGVN tỉnh, Trưởng BTS GHPGVN huyện Cần Đước đã dâng lời tưởng niệm, trong lời tưởng niệm Đại đức đã nhấn mạnh tấm lòng từ bi của bậc Bò tát đại sĩ, xuất thân trong trần nhưng khác với người trần, Bồ tát đã thực hiện việc lành khó làm trong đời mà không phải ai cũng có thể phát tâm làm được, chí nguyện lợi sanh của Ngài, con đường thoát ly sinh tử, đòi bình đẳng tôn giáo, phá bỏ sự độc tài của chính quyền thời đó, đưa ngọn cờ Phật giáo tung bay, Tăng, Ni, Phật tử được tự do trong quá trình tu hành giải thoát.
Với tâm thư Ngài để lại :
“Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, Hòa thượng trụ trì Chùa Quán Âm Phú Nhuận (Gia Định).
Nhận thấy Phật giáo nước nhà đương lúc ngửa nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật Pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo.
Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại Đức Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện như sau:
Mong ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên ngôn.
Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường cửu bất diệt.
Mong nhờ hồng ân chư Phật gia hộ cho chư Đại đức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố bắt bớ giam cầm của kẻ gian ác.
Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.
Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thủa.
Tôi tha thiết kêu gọi chư Đại Đức Tăng Ni và Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo.”
Ba hồi Chuông trống Bát nhã vang lên, Đại chúng đồng hướng về Tôn tượng Bồ tát, nguyện học theo hạnh từ bi và hy sinh của Ngài trên lộ trình tu hành giải thoát, nguyện dấn thân vào cuộc đời làm lợi lạc quần sanh, nguyện là người đệ tử Phật chân chánh trong cuộc đời tu hành để xứng danh với bậc Tiền nhân đã hy sinh cho sự trường tồn của Phật giáo nước nhà.
Chư tôn đức thành kính niệm hương tưởng niệm, xướng tụng Bát Nhã tôn kinh, cúng dường Giác linh thị chứng.
Nguyên Thọ