Thuyết pháp Nam Ấn Độ:
Bát Nhã Đa La thị tịch, Bồ Đề Đạt Ma giáo hóa ở bổn quốc. Có hai sư là Phật Đại Tiên và Phật Đại Thắng Đa, vốn cùng Đạt Ma đồng học Thiền quán Tiểu thừa. Sau Phật Đại Tiên cùng Đạt Ma gặp Bát Nhã Đa La, tu theo chánh pháp. Còn Phật Đại Thắng Đa chia đồ chúng làm 6 tông:
1- Hữu tướng tông. 2- Vô tướng tông.
3- Định huệ tông.4- Giới hạnh tông.
5- Vô đắc tông . 6- Tịch tĩnh công.
Rồi triển hóa riêng.
Đạt Ma than:
– Họ có một thầy đã là lọt vào vết chân trâu, huống là phân làm sáu tông. Ta nếu chẳng trừ, họ sẽ bị cột mãi trong tà kiến.
Nói xong, hiện chút thần lực, đến chỗ tông Hữu tướng hỏi:
– Tất cả các pháp, cái nào là thực tướng?
Trong chúng có một tôn trưởng là Tát Bà La đáp:
– Ở trong các tướng, không lẫn các tướng đó gọi là thực tướng.
– Ở trong các tướng mà không lẫn thì làm sao định được?
– Ở trong các tướng thật không có định; nếu nhất định các tướng sao gọi là thực?
– Các tướng chẳng định gọi là thực tướng, nay ngươi chẳng định, sẽ được thực tướng chăng?
– Tôi nói chẳng định chẳng phải nói các tướng. Nên nói các tướng, nghĩa của nó cũng thế.
– Ngươi nói bất định là thực tướng, thì định mà bất định vậy là chẳng phải thực tướng.
– Định đã bất định thì không phải thực tướng, nhưng cái biết tôi chẳng phải, cái đó bất định bất biến.
– Nay ông bất biến, thì cái gì là thực tướng? Đã biến thì qua rồi, nghĩa này cũng vậy.
– Bất biến sẽ còn, còn mà không chỗ nơi nên biến là thực tướng để định cái nghĩa này.
– Thực tướng bất biến, biến thì chẳng phải thực. Ở trong có, không, sao gọi là thực tướng?
Tát Bà La thầm biết thánh sư huyền giải, thầm đạt ý chỉ. Bèn lấy tay chỉ hư không nói:
– Đây là hữu tướng của thế gian, cũng có thể thành không. Nên thân này của con, có được như thế không?
– Nếu hiểu thực tướng, tức thấy không phải tướng. Nếu rõ không phải tướng thì sắc này cũng vậy. Nên ở trong sắc mà không mất sắc thể. Ở trong phi tướng mà chẳng ngại có. Nếu hiểu như thế, thì đây gọi là thực tướng.
Chúng kia nghe xong, tâm ý rỗng rang, đảnh lễ tín phục.
*
Bồ Đề Đạt Ma lại đến tông Vô tướng hỏi:
– Ngươi nói vô tướng, làm sao chứng được?
Trong chúng có Ba La Đề đáp:
– Tôi gọi vô tướng là tâm không hiện.
– Tâm ngươi không hiện, làm sao rõ được?
– Tôi rõ vô tướng, tâm không thủ xả. Ngay lúc rõ cũng không có người đang (rõ).
– Ở các tâm có không, không có thủ xả, lại không có người đang (rõ). Thì các sự rõ biết là không.
– Nhập Phật tam muội còn không sở đắc, huống là vô tướng mà muốn biết nó.
– Tướng đã chẳng biết thì ai nói có không? Còn không sở đắc, sao gọi là tam muội?
– Tôi nói không tướng là chứng mà không chỗ chứng, chẳng phải tam muội nên tôi nói tam muội.
– Chẳng phải tam muội, làm sao có tên gọi? Ông đã chẳng chứng; không phải chứng thì chứng cái gì?
Ba La Đề nghe xong, ngộ được bổn tâm, lễ tạ và sám hối những sai lầm cũ.
Đạt Ma thọ ký:
– Ông sẽ đắc quả, không bao lâu sẽ tự chứng. Nước này có ma, chẳng bao lâu ông sẽ hàng phụcchúng. Nói xong Ngài biến mất.
Đến tông Định huệ hỏi:
– Ông học định huệ, là một hay hai?
Trong chúng có Bà Lan Đà đáp:
– Định huệ của tôi, không một không hai?
– Đã không một, hai sao lại gọi là định huệ?
– Tại định mà không phải định. Ở huệ mà không phải huệ, một mà không một, hai cũng chẳng hai.
– Đáng một mà chẳng một, đáng hai mà chẳng phải hai, đã chẳng phải định huệ, thì theo định huệ nào?
– Chẳng một, chẳng hai, mà định huệ hay biết; chẳng phải định, chẳng phải huệ cũng lại như thế.
– Huệ chẳng phải định thì làm sao biết? Chẳng một, chẳng hai thì ai định, ai huệ?
Ba Lan Đà nghe rồi, tâm nghi tan biến.
*
Ngài đến tông Giới hạnh hỏi:
– Cái gì gọi là giới? Thế nào gọi là hạnh? Giới hạnh này là một hay là hai?
Trong chúng có một hiền giả thưa:
– Mộ, hai hay hai, một đều do kia sanh. Y theo giáo không nhiễm. Đậy gọi là giới hạnh.
– Ông nói y giáo tức có nhiễm, một hay hai đều phá, sao nói y giáo? Hai cái này trái ngược. Hành chẳng đến được, trong ngoài chẳng rõ, sao gọi là giới?
– Ta có trong ngoài, điều đó đã biết rõ, đã được thông đạt, thì đó là giới hạnh. Nếu nói trái ngược; đều phải hoặc đều trái. Còn nói đến thanh tịnh thì tức là giới, tức là hạnh.
– Đều phải, đều trái sao nói là thanh tịnh?
Đã được thông thì sao lại nói trong ngoài?
Hiền giả nghe xong, hổ thẹn chịu phục.
*
Ngài đến tông Vô đắc hỏi:
– Ông nói vô đắc là không đắc cái đắc nào?
Đã không chỗ đắc thì cũng là đắc cái vô đắc.
Trong chúng có Bảo Tĩnh đáp:
– Tôi nói vô đắc, chẳng phải đắc cái vô đắc. Nên nói đắc đắc, vô đắc tức là đắc.
– Đắc đã không đắc, đắc cũng chẳng phải đắc. Đã nói đắc đắc, thì đắc đắc cái nào?
– Thấy đắc chẳng phải đắc, chẳng phải đắc là đắc. Nếu thấy không có đắc gọi là đắc đắc.
– Đắc đã chẳng phải đắc, thì đắc đắc chẳng có đắc. Đã không có chỗ đắc, thì lấy cái đắc nào để đắc?
Bảo Tĩnh nghe rồi, chóng trừ lưới nghi.
*
Ngài đến tông Tịch Tĩnh hỏi:
– Sao gọi là tịnh tĩnh? Ở trong pháp này?
Cái gì tịch? Cái gì tĩnh?
Có một tôn giả đáp:
– Tâm này bất động gọi đó là tịch, ở pháp không nhiễm gọi là tĩnh.
– Bổn tâm nếu không tịch, cần mượn tịch tĩnh; xưa nay đã tịch đâu cần tịch tĩnh?
– Các pháp vốn không, vì không nên không, ở cái không kia không nên gọi là tịch tĩnh.
– Không không đã không, các pháp cũng vậy. Tịch tĩnh không tướng, cái gì tĩnh? Cái gì tịch?
Người ấy nghe chỉ dạy, hoát nhiên khai ngộ. Rồi từ đó năm chúng đều quy y Ngài.
Nguồn:thuvienhoasen.org