Ngày xưa có một bà lão sống với đứa con trai. Đứa con làm nghề buôn bán, phải đi Ấn Độ – Tây Tạng thường xuyên. Ngày kia, đứa con sắp phải lên đường đi Ấn Độ thì bà mẹ bảo: “Giác Thành tại Ấn Độ là nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo, vì thế mẹ nhờ con mang về một cái gì từ nơi đó. Có thể là một ít xương tro hay bùa chú, pháp khí gì đó. Mẹ sẽ thờ và xem như chính sự hiện diện của Đức Phật trong nhà mình”.
Năm này qua năm khác, bà mẹ nhắc nhở đứa con, nhưng lần nào đứa con cũng về lại Tây Tạng mà không thực hiện được lời mẹ dặn.
Một ngày nọ, đứa con lại lên đường đi Ấn Độ và bà mẹ nói: “Lần này con không mang gì cho mẹ từ Giác Thành về để mẹ thờ, thì mẹ sẽ tự tử chết thôi”. Đứa con lấy làm sợ lòng quyết tâm của mẹ, hứa lần này sẽ không quên.
Sau vài tháng làm việc, người con lên đường trở về nhà, bỗng nhớ rằng mình đã không ghé ngang Giác Thành để tìm xương tro cho mẹ. “Làm sao bây giờ?”, anh ta tự hỏi. “Mẹ ta sẽ tự tử thật đấy nếu không mang gì về cho bà”. Anh ta nhìn quanh thì thấy một con chó đã chết khô. Người con vội vàng nhổ một chiếc răng chó, quấn lại cẩn thận trong một chiếc khăn lụa.
Về đến nhà, đứa con ra vẻ vui mừng bảo mẹ: “Đây chính là một chiếc răng của Phật Cồ đàm. Tự tay con đã tìm ra được tại Giác Thành đây!”.
Bà mẹ đáng thương tin con và tôn quý chiếc răng, xem chiếc răng như là răng thật của Phật Cồ đàm, bậc Chánh đẳng Chánh giác. Kể từ giờ phút đó, bà hết lòng thờ phụng chiếc răng và cũng không bao lâu sau đó, bà tìm được sự an lạc nội tâm, điều mà suốt đời bà ra công tìm kiếm.
Cũng không bao lâu sau thì bạn bè và hàng xóm cũng nhận thấy rằng có một thứ ánh sáng ngũ sắc bao xung quanh chiếc răng, và những tia sáng huyền ảo chiếu trên đó. Mỗi ngày có nhiều người đến lạy bàn thờ của bà lão và xin được tiếp một chút năng lực của chiếc răng mầu nhiệm. Tới ngày bà chết, ánh sáng ngũ sắc cũng bọc quanh thân bà và miệng bà mỉm cười làm cho đứa con trai đang than khóc hiểu rằng, bà đang trở về với tự tính, từ đó mọi vật được sinh thành.
Kể từ ngày đó người ta biết rằng, một chiếc răng chó cũng trở thành mầu nhiệm, nhưng với điều kiện đó là sức mạnh của một trái tim sẵn sàng tiếp nhận và lòng từ bi của một vị Phật kết hợp với nhau.
(Theo Sư tử tuyết bờm xanh, Nguyễn Tường Bách biên dịch, NXB TP.HCM, 1999)
Bài Học Đạo Lý
Bạn thân mến!
Trong câu chuyện, bà mẹ đáng thương đã không còn đáng thương nữa. Một người trở về với tự tính và tìm được sự an lạc nội tâm là người đã đạt được chân hạnh phúc, và đó cũng chính là mục đích tối hậu của người tu Phật.
Câu chuyện không nhấn mạnh hành động dối mẹ của người con trai – có thể hiểu là một hành vi bất hiếu – mà lại nhấn mạnh đến niềm tin trong sáng của bà mẹ chân chất, thật thà. Niềm tin mãnh liệt đối với Đức Phật đã giúp cho bà tìm được điều bà ao ước một đời. Kinh dạy, lòng tin là cội rễ của mọi phước lành; thờ xá lợi Phật “có thể làm cho chúng sanh được công đức lớn, lìa khổ ba cõi, đến vui Niết bàn” (Kinh Đại bát Niết bàn, quyển 26). Pháp môn niệm Phật cũng đề cao Tín – Nguyện – Hạnh. Tin vào xá lợi Phật là Tín; mong nghĩ Phật hiện diện trong nhà là Nguyện; lễ bái xá lợi là Hạnh. Bà lão đã thành tựu được tín căn thanh tịnh, và đó cũng chính là pháp tu của bà. Niềm tin bất hoại ấy đã khiến cho chiếc răng chó trở thành xá lợi Phật. Rõ rằng: các pháp điều do tâm tạo, ngoài tâm đều không có pháp – là cách tin thứ sáu trong mười cách tin thanh tịnh mà bà lão đã đạt được.
Vấn đề được đặt ra là: ngày nay nhiều người tôn thờ xá lợi Phật, song tại sao rất ít người có được sự an lạc nội tâm như bà lão? Thật dễ hiểu, vì rằng, có thể người ta tổ chức những đám rước xá lợi linh đình, nhưng họ không có được một niềm tin sâu sắc vào Thế gian thường trụ Phật bảo, không có được một công phu lễ bái và sự nhất tâm hành trì miên mật.
Tôn thờ xá lợi cũng chính là một pháp tu. Pháp tu không đúng thì không thể có được kết quả như cầu. Mầu nhiệm thay, một chiếc răng chó cũng có thể trở thành pháp lành giúp cho hành giả đạt được sự an lạc, một khi nó hội đủ “sức mạnh của một trái tim sẵn sàng tiếp nhận và lòng từ bi của một vị Phật”.
Theo: tuoitrephatgiao.com