Sáng ngày 02/10/2023 (nhằm 18/8/Quý Mão), Chư Tăng chùa Pháp Minh và môn đồ tứ chúng của Cố Ni trưởng Thích nữ Đạt Tâm long trọng tổ chức lễ húy kỵ tại chùa Pháp Minh, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa.
Quang lâm chứng minh và tham dự có: Hòa thượng Thích Thiện Huệ, Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An; Hòa thượng Thích Minh Thiện, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An, Thượng tọa Thích Lệ Tấn, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An, Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Tân Thạnh, Thượng tọa Thích Nhuận Thành, Trưởng ban Kinh tế Tài chánh GHPGVN tỉnh Long An, Đại đức Thích Lệ Duyên, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN huyện Đức Hòa; Thượng tọa Thích Tâm Hiền, Ủy viên Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Long An, cùng Chư Tôn đức Tăng Ni Ban Trị sự GHPGVN huyện Đức Hòa, môn đồ tứ chúng cố Ni trưởng Thích nữ Đạt Tâm.
Đặc biệt, có sự tham dự của Ngài Trương Tấn Sang, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, và Phu nhân; lãnh đạo chính quyền xã Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa Thượng, gia đình Phật tử Tắc Nghiêm (Trương Minh Tuyết).
Sau khóa lễ trì tụng kinh văn và ngọ cúng; Chư Tôn đức Tăng Ni, Chư vị khách quý và môn đồ tứ chúng cử hành nghi thức tưởng niệm cố Ni Trưởng Thích nữ Đạt Tâm.
Đại đức Thích Lệ Duyên đã cung tuyên tiểu sử cố Ni trưởng Thích nữ Đạt Tâm
I. Thân Thế:
Ni trưởng Thích Nữ Đạt Tâm thế danh Lê Thị Đỉnh, pháp danh Tánh Phát, pháp hiệu Đạt Tâm, sinh năm Canh Tuất (1910), quê ở xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, thuộc tỉnh Gia Định (nay tỉnh Long An). Ni trưởng là đệ tử nối pháp của tổ Thích Liễu Lạc (1879-1937), thuộc thế hệ thứ 20 dòng phái Ngọ Đình, đời thứ 22 chi phái Cao Minh Tự, đời thứ 50 tông Thiên Thai Giáo Quán. Ni trưởng sinh ra và lớn trong gia đình trung nông, kính tín Tam Bảo, là người con út trong gia đình có 5 anh chị em. Thân phụ cụ ông Lê Văn Cư (? -1925) là Học sĩ đạo Minh Sư, sau xuất gia với tổ Liễu Lạc được ban pháp danh Tánh Thắng, pháp hiệu Đạt Cường; mẫu thân cụ bà Nguyễn Thị Khánh (?- 1927) là người hiền thục, vẹn toàn tam tòng tứ đức.
II. Xuất Gia Học Đạo:
Năm Đinh Mẹo (1927), song thân qua đời, Ni trưởng lúc ấy mới vừa tròn 17 tuổi, thấu được lẽ vô thường của cuộc đời, nên khởi niệm muốn xuất gia, nhưng các anh chị lại muốn em gái út của mình yên bề gia thất. Sau nhiều đêm thao thức, tìm cách, Ni trưởng nghĩ kế giả điên để anh chị em trong gia đình không ép gả. Thương em nên gia đình gởi đến chùa Pháp Minh, ấp Giồng Dứa, xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Gia Định xưa (nay là ấp Giồng Lớn, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) nhờ tổ Thích Liễu Lạc trụ trì chùa Pháp Minh chữa trị. Ở chùa thời gian ngắn, Ni trưởng bèn quỳ lạy dưới chân Hòa thượng Trụ trì kể rõ đầu đuôi, cầu xin Hòa thượng nhận làm đệ tử thế phát xuất gia. Hòa thượng ban cho pháp danh là Tánh Phát, pháp hiệu Đạt Tâm. Từ đó, Ni trưởng đêm ngày hết lòng phụng Phật thờ Thầy, tinh tấn niệm Phật tụng kinh, gìn giữ oai nghi giới luật.
Ngày 19 tháng 2 năm Canh Ngọ (1930), Hòa thượng bổn sư cho phép Ni trưởng được đăng đàn thọ giới Tỳ kheo ni, tại Đại giới đàn chùa Tôn Thạnh, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ lớn (nay là tỉnh Long An), Sau khi đắc giới, Ni trưởng trở về chùa Pháp Minh, nỗ lực siêng năng tinh tấn tu hành.
III. Tham Gia Cách Mạng.
Năm Canh Ngọ (1930), vâng lời dạy của thầy Bổn sư, Ni trưởng về Trụ trì chùa Pháp Tuyền, huyện Đức Hòa, tỉnh Gia Định. Chùa này vốn do phụ thân của Ni trưởng khai sơn, nay được trở về chăm lo gìn giữ và phát triển ngôi Tam Bảo nên lòng đầy hoan hỷ và cảm động. Mặc dù tuổi đời còn nhỏ, nhưng Ni trưởng được tổ chức tin tưởng giao cho nhiệm vụ Hậu cần và Giao liên cho hội. Chùa Pháp Tuyền trở thành trụ sở của Chi đội 12 và Chi đội 15 của Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam Huỳnh Văn Một. Ni trưởng được bổ sung vào ban tuyên truyền.
Năm Bính Thân (1956), địch phát hiện bắt Ni trưởng, giam giữ tại đồn Đức Hòa. Chúng tra khảo, cuối cùng không có bằng chứng cụ thể, chúng đành kết án Ni trưởng 6 tháng tù treo. Một đêm cuối tháng, trời không trăng, tối như mực, khoảng 4g-5g sáng, Ni trưởng đóng cửa cùng Sư cô Đạt An nhìn sao Bắc Đẩu đoán định, hướng về quê nội xã Tân Thông huyện Củ Chi, băng đồng lội rạch, suốt đêm đến hừng sáng, vào chùa Phước Lâm, ấp Trung Hòa, xã Trung Lập Hạ, xin Sư huynh là Hòa thượng Thích Đạt Minh (Bạch) nhập chúng tu học.
IV. Thời Kỳ Hành Đạo
1. Xây Chùa- Độ Chúng- Xiển Dương Giáo Phái Thiên Thai
Năm Kỷ Hợi (1959), nhờ sự trợ duyên của Sư huynh là Hòa thượng Thích Đạt Minh xin được mảnh đất giúp Ni trưởng cất được một am tranh nhỏ ẩn tu. Sau đó, các thiện tín trong vùng quyên góp tài vật, xây dựng thành ngôi chùa Pháp Hiệp tại ấp Hậu, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, tỉnh Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh) khang trang có đủ chánh điện, hậu tổ, nhà trù, nhà Tăng Ni. Từ năm 1959 đến năm 1975, chiến tranh giữ nước của quân dân Cách Mạng càng ngày càng thêm khốc liệt. Ni trưởng giúp xin giấy hoãn dịch cho 19 vị thanh niên, để không đi lính cho giặc.
Năm Canh Tuất (1970), thành lập Phật Giáo Việt Nam Thiên Thai Giáo Quán Tông, trụ sở tại chùa Pháp Hội, quận 10. Ni trưởng được chư tôn đức ni suy cử vào Ban Quản chúng Thiên Thai Giáo Quán Tông.
Năm 1999-2000, Ni trưởng tu sửa chùa Pháp Hiệp đặt làm trụ sở Ban Đại Diện Phật giáo huyện Củ Chi cho đến ngày nay.
Năm 1972, Phật tử Nguyễn Thị Khỏa, pháp danh Tắc Nghĩa phát tâm xây dựng ngôi tam bảo đặt tên là Chùa Pháp Hòa tại Tân An Hội, huyện Củ Chi, Tp.HCM, thỉnh ni trưởng về làm trụ trì cho đến ngày viên tịch.
2. Yết Ma- A-xà-lê- Hòa thượng Đàn Đầu Giới Đàn.
Từ khi Ni trưởng Thích Nữ Đạt Đạo viên tịch năm 1970, nhờ giữ gìn giới đức nghiêm tịnh, là bậc Trưởng lão ni trong tông phong, hằng năm tại chùa Pháp Quang hay tại các Đại Giới đàn tông Thiên Thai tổ chức Ni trưởng luôn được suy cử làm Đàn đầu Hòa thượng ni.
Năm Nhâm Tý (1972), Phật tử Nguyễn Thị Khỏa, pháp danh Tắc Nghĩa, phát tâm kiến tạo ngôi chùa Pháp Hòa trên phần đất của mình, tại khu phố 2, thị trấn Củ Chi. Sau khi hoàn thành, do cảm mến đức độ, nên Phật tử Tắc Nghĩa cung thỉnh Ni trưởng làm Trụ trì khai sơn đời thứ nhất.
3. Trùng Tu Chốn Tổ
Chùa Pháp Tuyền được thành lập năm 1915 do thân phụ Ni trưởng là cụ ông Lê Văn Cư xây dựng.
Sau năm Ất Mẹo (1975), hòa bình lập lại, Ni trưởng quyết tâm xây dựng lại ngôi tam bảo Pháp Tuyền, vì nơi đây là cửu huyền thất tổ của Ni trưởng. Ni trưởng nhờ Thượng tọa Thích Tắc Trụ xin cây cũ về xây am nhỏ, trùng tu ngôi chùa bằng vật liệu cây lá, thỉnh Phật về thờ cúng, đưa Sư cô Thích Nữ An Tuyết về Trụ trì; đồng thời còn kiến lập một ngôi đền thờ cữu huyền thất tổ và anh linh 15 vị giải phóng quân. Năm 1985 Ni trưởng cho xây lại hậu tổ.
Năm Canh Dần (2001), Trường trực Ban Bí thư (nay là ngài Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) về thăm Ni trưởng tại chùa Pháp Hòa, Củ Chi. Ngài cảm nghĩ ân xưa, phát tâm trùng tu chùa khang trang tốt đẹp như ngày hôm nay; nhưng vẫn giữ lại ngôi chánh điện như củ để kỷ niệm người Phật tử Tắc Nghĩa khi xưa đã hỷ cúng.
4. Nhận Huân Chương – Bằng khen
Ngày 24/12/1998, Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Trần Đức Lương ký Quyết định số 646KT/CTN, tặng Huân chương hạng nhất cho bà Lê Thị Đỉnh (Thích Nữ Đạt Tâm), cư ngụ tại thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, đã có thành tích đóng góp tích cực trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc.
Ngày 14/12/2007, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, được tấn phong lên hàng giáo phẩm Ni trưởng.
Ngày 22/12/2008, nhận Giấy Khen của Ủy Ban Nhân Dân huyện Củ Chi thành phố Hồ Chí Minh trao tặng.
Ngày 03/04/2012, ông Dương Quan Hà, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, ký quyết định số 65/QĐ/ UBMT-BTT tặng Bằng Khen cho Ni Trưởng.
Ngoài ra, được chư vị tiền bối cho biết, Ngài Nguyên Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã có nhiều kỷ niệm một thời tuổi thơ với Ni trưởng. Lúc lên 7 lên 8 tuổi Ngài thường đến chùa Pháp Minh lễ Phật học đạo với Ni trưởng. Vốn bẩm tính thông minh lại ham học hỏi và lễ phép nên Ngài Nguyên Chủ tịch nước được Ni trưởng rất mực thương quý và dạy dỗ. Vì thế, dù đã trở thành Nguyên thủ quốc gia bận rộn việc nước với trăm công ngàn việc Ngài vẫn luôn sắp xếp thời gian trở về thăm viếng chăm sóc lúc Ni trưởng còn sinh tiền. Đến lúc Ni trưởng Viên tịch Ngài đã đặc biệt tưởng nhớ Ni trưởng và đã phát tâm xây dựng, sửa sang bảo tháp Ni trưởng tại các ngôi chùa: Chùa Pháp Minh, chùa Pháp Tuyền, Chùa pháp Hòa để bày tỏ lòng tri ân và tưởng nhớ bậc Ni lưu tài đức vẹn tròn, giới hạnh kiêm ưu mà Ngài luôn tri ân và kính trọng.
V. Viên Tịch.
Người xưa có câu: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Ni trưởng giao trách nhiệm Trụ trì chùa Pháp Hòa cho đệ tử trông coi, và nhắc nhở hằng ngày phải lo chuyên cần tu pháp Tịnh Độ, nhất tâm niệm hồng danh Phật A Di Đà.
Giữa năm, Nhâm Thìn (2012), Ni trưởng bệnh nhẹ, đệ tử và y bác sĩ hết lòng điều trị, chăm sóc. Nhưng Người như ngọn bạch lạp đã sắp tàn, Ni trưởng yếu dần, an lành viên tịch, vào lúc 23 giờ, ngày 18 tháng 8 năm Nhâm Thìn (3/10/2012), hưởng thế thọ 103 tuổi, 85 tuổi đạo, 82 hạ lạp, tại chùa Pháp Hòa, huyện Củ Chi.
Nhục thân của Ni trưởng nhập bảo tháp Liên Hoa tại chùa Pháp Minh, ấp Giồng Lớn, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Tại các chùa như: chùa Pháp Hòa, thị trấn Củ Chi có tháp vọng 3 tầng và chùa Pháp Tuyền, có xây tháp vọng cao 5 tầng kính thờ di ảnh, tưởng nhớ, niệm ân Ni trưởng đã có nhiều đóng góp xây dựng, trùng hưng và phát triển Tam bảo.
Sau nghi thức tưởng niệm, Chư Tôn đức và Chư vị khách quý thọ trai tại trai đường chùa Pháp Minh. Đoàn văn nghệ thiện nguyện Tình ca Bắc Sơn cúng dường chương trình văn nghệ nhân lễ húy kỵ cố Ni trưởng Thích nữ Đạt Tâm.