Sáng nay, vào lúc 08 giờ 00, ngày 14 tháng 5 năm 2017 (19/4/Đinh Dậu), tại Chùa Thiên Châu, Tp Tân An diễn ra lễ hằng thuận cho đôi trẻ phật tử Mai Nguyên Khang-pháp danh: Phước Khánh và Phan Bích Trâm-pháp danh:Huệ Ngọc.
Chứng minh buổi lễ, gồm có : HT Thích Thiện Huệ: Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Long An; HT Thích Minh Thiện – UV HĐTS, Phó Trưởng ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng ban BTS GHPGVN tỉnh Long An, trụ trì chùa Thiên Châu; HT Thích Chơn Đạo: Giáo thọ Trường Trung cấp Phật học Long An; ĐĐ Thích Lệ Ngôn, ĐĐ Thích Lệ Duyên: Đồng Ủy viên TT BTS GHPGVN tỉnh Long An; cùng Chư tôn đức chùa Thiên Châu.
Đại diện họ nhà trai, có: ông Mai Thành Long, bà Đặng Kim Thư (pháp danh Nguyên Chơn);
Đại diện họ nhà gái: ông Phan Hữu Đức; bà Lê Thị Hồng Yến; Cùng quan viên hai họ và thân bằng quyến thuộc đồng tham dự.
Sau nghi thức niêm hương, tụng kinh chúc phúc, tuyên bố lý do và giới thiệu thành phần tham dự, HT Thích Minh Thiện: UV HĐTS, Phó Trưởng ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng ban BTS GHPGVN tỉnh Long An nói rõ về ý nghĩa lễ Hằng thuận trong Phật giáo. Hòa thượng cho biết Lễ Hằng Thuận đầu tiên được tổ chức từ thập niên ba mươi. Đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Trụ trì tổ đình Ấn Quang đã chính thức đặt tên là lễ Hằng Thuận. Từ đó đến nay lễ Hằng Thuận đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người con Phật. “Hằng” nghĩa là mãi mãi, “Thuận” là hòa thuận, yêu thương, cảm thông và chia sẻ. Hằng Thuận chính là một nghi thức thiêng liêng kết duyên vợ chồng được diễn ra trong không gian tâm linh của Phật pháp. Lễ Hằng Thuận không chỉ là kim chỉ nam dẫn đường cho hạnh phúc, là ý nguyện cầu chúc an vui đến với các cặp vợ chồng mà nó còn là cầu nối giữa đạo và đời, là sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa văn hóa dân tộc và văn hóa tâm linh.
Tại buổi lễ tân lang và tân nương phát nguyện: (1) chung thuỷ suốt đời, (2) hiếu kính song thân hai bên, (3) mở rộng lòng thương, (4) thâm tín Tam bảo.
Tiếp theo HT Thích Chơn Đạo: Giáo thọ Trường Trung cấp Phật học Long An nói rõ về ý nghĩa “nhẫn cưới”. Nhẫn cưới món trang sức quý giá biểu thị đạo lý hôn nhân, nó tên là “nhẫn” đeo ở ngón tay, để hai cháu luôn nhìn thấy, nhằm nhắc nhở những điều hay ý đẹp như sau: Nhẫn, có nghĩa là nhường nhịn. Muốn trong nhà vui vẻ đầm ấm hạnh phúc, trước phải biết nhường nhịn lẫn nhau, không nên hơn thua, lời qua tiếng lại. Chiếc nhẫn lại được đeo vào ngón tay, để hai cháu dễ nhìn dễ thấy, để tự nhắc mình về sự nhẫn nhịn.
Chất vàng có đặc tính thứ hai là màu sắc “tươi đẹp”, không bao giờ phai nhạt dù trải qua bao lần mưa nắng, dù có rơi rớt, vùi dập nơi nào, nhưng nó vẫn mãi tươi đẹp. Đạo vợ chồng cũng thế! Hai cháu đã thệ nguyện chung sống bên nhau, dù gặp cảnh ngộ nào đi nữa, hoặc mai kia có già nua, bệnh tật, nhưng tình nghĩa vợ chồng cũng phải nồng nàn tươi đẹp như thuở ban đầu mới cưới nhau.
Tại buổi lễ, HT Thích Minh Thiện truyền Tam quy ngũ giới cho tân nương Phan Bích Trâm (pháp danh Huệ Ngọc) và chị dâu của tân nương là Nguyễn Thị Út Trâm (pháp danh: Huệ Hạnh).
Sau cùng, HT Thích Thiện Huệ: Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Long An ban đạo từ, chúc phúc cho tân lang, tân nương. Đồng thời, Hòa thượng nhắc nhở đến bổn phận của người chồng đối vợ ( Phải biết tôn trọng vợ; Không bất kính hay đối xử tệ bạc với vợ; Phải chung thủy, trung thành với vợ; Phải tin tưởng giao tài sản tiền bạc cho vợ quản lý; Phải sắm đồ nữ trang cho vợ một khi có điều kiện) và bổn phận của người vợ đối với chồng (Phải luôn làm tròn bổn phận trong nhà; Phải vui vẻ tử tế với quyến thuộc bên chồng; Phải luôn chung thủy với chồng; Giữ gìn cẩn thận đồ trang sức và luôn coi sóc giữ gìn của cải đồ dùng trong nhà; Luôn siêng năng, không bao giờ trút tháo công việc cho người khác).