Một câu hỏi được bạn đọc gửi đến tòa soạn Báo Giác Ngộ, cũng là thắc mắc của nhiều người khác.
HỎI: Nhà tôi (vì hoàn cảnh riêng) nên đặt bàn thờ trên nóc tủ, với 2 bát hương, không có di ảnh (1 bát thờ gia tiên, 1 bát thờ ba tôi). Khách tới thăm đều nói bàn thờ không được đặt trên nóc tủ, và phải thờ 3 bát hương mới đúng. Họ nói như vậy đúng không? Cuối năm, khi nào thì tôi có thể dọn dẹp bàn thờ? Có cần nhờ thầy bốc bát hương không?
(THÙY DƯƠNG, duongthuyvu1612@gmail.com)
ĐÁP: Bạn Thùy Dương thân mến!
Lập bàn thờ gia tiên để thờ phụng tổ tiên, ông bà, cha mẹ… quá vãng, tỏ bày lòng hiếu thảo, luôn hướng về cội nguồn là nét văn hóa tâm linh của người Việt. Khi trưởng thành, có không gian sống riêng, lập bàn thờ gia tiên để phụng thờ là cần thiết.
Bàn thờ phải được đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể mà linh động, tùy duyên thiết lập bàn thờ cho thích hợp. Trong trường hợp, nóc tủ là nơi trang trọng nhất của nhà bạn thì vẫn có thể lập bàn thờ gia tiên ở đó.
Về số lượng bát hương trên bàn thờ gia tiên cũng tùy theo tập tục của từng vùng miền mà khác biệt nhau. Một số vùng ở miền Bắc, bàn thờ gia tiên thường có 3 bát hương. Trong đó, 1 bát thờ gia tiên, 1 bát thờ thần linh (thổ công, thần tài… ở ngôi giữa), 1 bát thờ bà tổ cô (người đại diện giữa thần linh và gia tiên của mỗi gia đình). Một số vùng ở miền Trung, Nam thì bàn thờ gia tiên thường chỉ có 1 bát hương.
Khi trong nhà có người thân mới mất, thân nhân lập bàn thờ người mất với bát hương riêng. Sau 49 ngày, hoặc sau lễ tiểu tường hay đại tường mãn tang, thân nhân thỉnh bát hương người mất lên nhập chung với bát hương gia tiên. Liên hệ đến thực tế nhà bạn, hẳn bạn đã chọn dạng “bàn thờ gia tiên chỉ có 1 bát hương”. Còn 1 bát hương thờ người cha vừa mất, nếu đã mãn tang (sau 24 tháng kể từ ngày mất) thì có thể nhập chung với bát hương gia tiên. Nếu chưa mãn tang, muốn thờ bát hương riêng thì tốt nhất là bát hương này nên thấp và nhỏ hơn một chút so với bát hương gia tiên.
Đối với vấn đề, cuối năm, khi nào thì có thể dọn dẹp bàn thờ? Trong dân gian, thường thì người ta dọn dẹp bàn thờ vào ngày 23 tháng Chạp, sau đó đưa ông Táo về trời. Người Phật tử thì khác, tùy duyên mà làm việc chứ không chọn ngày. Họ luôn tin tưởng rằng ngày nào mà suy nghĩ, nói năng, hành động thiện lành thì ngày đó tốt. Cho nên khi nào bạn có thời gian rảnh rỗi thì có thể tiến hành vệ sinh nhà cửa, dọn dẹp bàn thờ. Vì thực tế, mỗi ngày đều phải quét dọn bàn thờ, rút bớt chân hương, thay nước mới, giữ cho bàn thờ luôn sạch sẽ, thanh tịnh trang nghiêm.
Về tục bốc bát hương hiện nay khá phổ biến ở miền Bắc (một số người gốc miền Bắc sống ở miền Trung, Nam vẫn còn duy trì tập tục này). Người ta thường nhờ các nhà sư ở chùa hay các vị thầy pháp thực hiện việc bốc bát hương cho gia đình với một quy trình riêng. Sau đó, các thầy mới thỉnh chư vị vong linh, thần linh an nhập. Người ta tin rằng, có thầy bốc bát hương đúng quy trình thì mới linh ứng, chư thần linh, vong linh gia tiên phù hộ độ trì cho gia chủ vạn sự cát tường.
Tuy nhiên, trong đạo Phật không có tục bốc bát hương. Đạo Phật xem bát hương chỉ là vật dụng để cắm hương. Đốt nén hương thơm dâng cúng Phật và tổ tiên để tỏ lòng thành kính. Người Phật tử không có quan niệm các thần linh hay vong linh an trụ nơi bát hương. Nên sau khi mua cát (hoặc tro) mới, tinh sạch thì người Phật tử thành tâm lễ Phật, lễ gia tiên, tỏ bày tâm nguyện rồi tự thay mới cát trong bát hương nhà mình mà không cần nhờ thầy. Trong việc thờ cúng Phật và gia tiên, quan trọng là sự thanh sạch của lễ phẩm và tâm thành kính của gia chủ mới tạo nên giao cảm thiêng liêng và được ơn trên gia hộ.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn