Ngày 11 tháng 4, thời giảng đêm thứ ba của tuần lễ Phật Đản. Tại lễ đường Chùa Thiên Châu văn phòng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Long An, thời pháp do Đại Đức Thích Thiện Khoa, phó ban thường trực ban trị sự GHPGVN huyện Bến Lức, ủy viên Ban Hoằng Pháp Tỉnh Long An phụ trách với chủ đề ” Ý Nghĩa Duy Ngã Độc Tôn“.
Nội dung đề tài đại đức giảng sư đề cập đến từ “Ngã” trong câu ” Duy Ngã Độc Tôn”. Đầu tiên, giảng sư chỉ cho mọi người thấy cái ngã của thân sanh diệt này. Để rồi mọi người thấy rõ rằng thân này do nhân duyên giả hợp mà thành. Thân giả hợp này có đầy đủ lục căn và tinh thần sáng suốt biết phân biệt chánh tà, đúng sai. Cho nên, mỗi người dụng thân tứ đại giả huyễn này để tu tập. Mỗi người tinh tấn vận dụng lời Phật dạy vào cuộc sống hằng ngày để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau nơi tự thân. Cốt yếu của việc tu hành là chuyển hóa ba nghiệp từ mê lầm ra sáng suốt. Mỗi Phật tử tinh tấn tu hành như vậy sẽ đem lại lợi ích thiết thực là có được an vui và hạnh phúc đích thực. Bằng chứng là mỗi người chuyển hóa được tâm ý chưa tốt của mình ra những điều hiền thiện thì kéo theo lời nói và hành động cũng thiện lành. Bên cạnh đó, mỗi người giữ vững giềng mối đạo đức cá nhân là giữ gìn được năm nguyên tắc căn bản đạo đức sống : ” từ bỏ đời sống sát sanh, từ bỏ đời sống trộm cắp, từ bỏ đời sống tà hạnh, từ bỏ đời sống nói không đúng sự thât, từ bỏ đời sống dùng các chất gây nghiện” sẽ đem lại hạnh phúc an vui ngay trông cuộc đời này.
Đồng thời, giảng sư cũng chỉ cho đại chúng thấy được quá trình tu tập là quá trình trở về chứ không phải là đi tìm. Theo lời Phật dạy ” Ta Là Phật Đã Thành, Chúng Sanh Các Ngươi Là Phật Sẽ Thành” thì người tu tập có đủ niềm tin thanh tịnh ” chính nơi mình có Phật tánh thanh tịnh sáng suốt như Phật”. Từ đó, mỗi Phật từ tinh cần tu tập đoạn trừ tham lam, sân hận, si mê sẽ dần trở về với bản tâm thanh tịnh của chính mình. Qua đó, chúng ta thấy được cái “Ngã” rốt ráo muốn nói ở đây tức là “chân tâm Phật tánh”. Như trong Kinh Đại Bát Niết Bàn phẩm Như Lai Tính đức Phật dạy: ” Ngã tức là Như Lai tạng. Tất cả chúng sanh đều có Phật tính tức là nghĩa của ngã. Nghĩa của ngã như vậy từ nào tới giờ thường bị vô lượng phiền não che đậy vì thế nên chúng sanh chẳng nhận thấy được”. Hay trong phẩm Tứ Tướng đức Phật dạy: ” Ngã đây chính là Như Lai, là chân tâm Phật tánh, là thân kim cang bất hoại chứ không phải là ngã của Thái Tử Tất Đạt Đa”. Cho nên, chúng ta thấy “Ngã” ở đây chính là pháp thân thường trụ không biến đổi chỉ vì bất giác mê lầm chạy theo vọng niệm mà phải trầm luân sanh tử.
Như vậy, sự kiện đản sinh của đức Phật là một đại sự nhân duyên báo trước sự xuất hiện của một bậc đại giải thoát, toàn trí, toàn giác. Ngài là Phật. Phật là đấng tôn quý nhất trên đời nên lời tuyên xưng ” Duy Ngã Độc Tôn” của Ngài là lời chân thật. Danh xưng” Như Lai” cũng như “Phật” là hai từ nói về sự giải thoát sanh tử luân hồi mà chỉ những người tu hành chân chính mới đạt được. Và sự kiện Đản sanh cũng giúp nhân loại xóa các tối tăm của vô minh, hướng con người thoát khỏi khổ đau bằng chính năng lực của mình. Từ đó, chúng ta thấy được tinh thần tự giác của đạo Phật, chỉ có ta quyết định đời sống của ta. Vì vậy, Phật tử muốn có an vui, hạnh phúc, niềm an lạc thật sự không cách nào khác là phải thực hành một cách triệt để lời dạy của đức Phật vào cuộc sống thường nhật. Mỗi người luôn làm mới thân tâm mình và trở về đời sống chánh niệm tỉnh thức. Có như vậy, Phật tử mới cảm nhận được sự vi diệu khi thực hành theo lời Phật dạy. Từ việc tu tập không những tạo thiện lành, an vui, định tĩnh cho mình, mà còn cảm hóa được gia đình và mọi người xung quanh nữa. Khi đó, tự thân mỗi người sẽ cảm nhận được chân giá trị của kiếp nhân sinh.
Một số hình ảnh ghi nhận tại buổi giảng: