HỎI: Tôi là người thực tập theo pháp môn Thiền tông, tâm đắc với bộ Pháp Bảo Đàn hay còn gọi là Đàn kinh. Tuy nhiên, tôi nghe nói có khá nhiều truyền bản Đàn kinh khác nhau. Xin quý Báo cho biết thêm về vấn đề này. (TRÚC ĐÔNG, Q.8, TP.HCM)
ĐÁP: Bạn Trúc Đông thân mến!
Theo Từ điển Thiền tông Hán Việt (Hân Mẫn – Thông Thiền biên dịch), Đàn kinh do Lục tổ Huệ Năng (638-713) thuyết nên còn gọi Lục Tổ Đàn kinh. Khi Lục tổ Huệ Năng ở chùa Bảo Lâm, Tào Khê có thứ sử Thiều Châu là Vi Cừ thỉnh Ngài vào chùa Đại Phạm để diễn giảng pháp Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật. Bài giảng này được đệ tử của Lục tổ là ngài Pháp Hải ghi lại thành sách, về sau gọi là Đàn kinh.
Trải qua nhiều lần sửa chữa thêm thắt, xuất hiện hơn 10 truyền bản Đàn kinh khác nhau, trong đó có 4 bản quan trọng, thường dùng hơn cả:
1- Bản Đôn Hoàng, gọi đầy đủ là Nam Tông Đốn Giáo Tối Thượng Đại Thừa Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư Vu Thiều Châu Đại Phạm Tự Thí Pháp Đàn kinh. Bản này gồm 57 tiết, không chia phẩm mục, khoảng 15.000 chữ, chữ nghĩa chất phác, được xem là bản hình thành sớm nhất, khoảng từ những năm 830-860.
Nội dung chủ yếu của Đàn kinh bản Đôn Hoàng, đại khái chia làm 3 phần:
(1) Thuật lại quá trình Ngũ tổ Hoằng Nhẫn trao truyền y bát cho Lục tổ Huệ Năng.
(2) Lục tổ Huệ Năng giảng pháp cho đệ tử và các lời ứng đối của Ngài với người hỏi pháp.
(3) Những lời dặn dò đệ tử trước khi Lục tổ Huệ Năng thị tịch.
2- Bản của Huệ Hân (năm 967), tên Lục Tổ Đàn kinh, chia làm 2 quyển thượng và hạ, gồm 11 môn, khoảng 14.000 chữ. Cứ bài tựa của Huệ Hân: “Bản xưa văn cú rườm rà, được đệ tử xem qua, trước vui sau chán” để biết rằng Huệ Hân đã nhuận văn và giản lược đôi chút của bản Đôn Hoàng.
3- Bản của Khế Tung, gọi đủ là Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh Tào Khê Nguyên Bản, gọi tắt là Tào Khê Nguyên Bản. Bản này gồm 1 quyển, chia làm 10 phẩm, hơn 20.000 chữ, do sư Khế Tung biên sửa lại vào khoảng niên hiệu Chí Hòa (1054-1056) thời Tống.
4- Bản của Tông Bảo, gọi đủ là Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn kinh. Bản này gồm 1 quyển, 10 phẩm, hơn 20.000 chữ (cấu trúc giống với bản Khế Tung), do sư Tông Bảo biên tập lại vào niên hiệu Chí Nguyên (1291) thời Nguyên. Đây là bản lưu hành khá thông dụng, được xếp vào Đại Chính Tạng, tập 48.
Tuy nhiên gần đây, theo nghiên cứu của Học viện Cửu Hoa Sơn (Trung Quốc), còn có một tác phẩm Đàn kinh khác nữa tên Tào Khê Ðại Sư biệt truyện, gọi tắt là Biệt truyện. Biệt truyện là tập truyện ghi lại gia thế, cuộc đời và hoạt động truyền pháp của Lục tổ, được xem là tư liệu hình thành sớm nhất trong lịch sử Thiền tông Trung Quốc. Ra đời sau khi Lục tổ viên tịch 68 năm, sớm hơn Ðàn kinh của Ðôn Hoàng rất nhiều, là tài liệu vô cùng quý giá.
Biệt truyện được một vị Tăng vô danh trước tác vào năm thứ 2 niên hiệu Kiến Trung đời Ðường (781), là sách chép tay lưu truyền ở khu vực Triết Giang. Khoảng 24 năm sau, cao tăng Nhật Bản, hiệu Tối Trừng (761- 822) đến Trung Quốc học pháp vào năm thứ 20 niên hiệu Trinh Nguyên đời Ðường (804). Tối Trừng đã sao chép cả thảy 345 quyển gồm 128 bộ kinh điển Phật giáo, sau đó mang toàn bộ những kinh sao chép này về Nhật Bản. Trong đó, có quyển Tào Khê Ðại Sư biệt truyện. Nhật Bản rất trọng bộ Biệt truyện này, liệt vào Tục tạng của Nhật. Năm 1920, khoảng 1.200 năm sau, từ Nhật Bản, Biệt truyện được sao chép đưa về lại Trung Quốc.
Học giả Hồ Thích đối với Biệt truyện, có viết, đọc và khảo chứng qua. Ông so sánh 3 quyển: Biệt Truyện, Ðôn Hoàng Bổn Đàn kinh và Minh Tạng Bổn Đàn kinh, phát hiện có 5 chỗ mà Ðàn kinh trưng dụng sao chép từ trong Biệt truyện. Sau khi khảo chứng, Hồ Thích có viết bài Khảo chứng Đàn kinh. Ông nói: Có thể chứng minh quan hệ giữa Tào Khê Ðại Sư biệt truyện và bản Minh Tạng Bổn Đàn kinh, tôi đã từng khảo đính qua các bản Ðàn kinh, liệt kê ra một bản, ghi rõ diễn biến của Ðàn kinh. Trong quyển Hướng dẫn đọc Ðàn kinh, Hồ Thích có liệt kê rất nhiều sự tích, thuyết minh Ðàn kinh được rút từ tài liệu Biệt truyện, bản thân của Ðàn kinh chính là khẳng định tính chân thật đối với Biệt truyện.
Nhìn chung, các truyền bản Ðàn kinh đã nêu trên ngoài việc ghi chép lời của Lục tổ Huệ Năng còn có sự sửa đổi và trộn lẫn các tình tiết về cuộc đời Lục tổ cùng với những luận giải về Thiền tông đã làm nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của dòng Thiền Nam đốn ở Trung Hoa.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn