Cùng ngày 29/03/2018, sau phần thọ Bồ Tát Giới, có trên 150 giới tử phát nguyện tấn hương cúng dường Tam Bảo và thực hành Bồ Tát hạnh.
Quý giới tử được hướng dẫn cẩn thận, chi tiết trước khi được phát nguyện tấn hương. Các giới tử nhiếp tâm trong tiếng niệm Phật và hòa quyện trong tiếng trống bát nhã để vượt qua thử thách đau đớn của việc tấn hương.
“Theo tổ tư vấn báo Giác Ngộ thì “Tấn hương có căn nguyên từ tinh thần phát tâm Đại thừa, thực hành Bồ tát đạo trong truyền thống Phật giáo Bắc truyền. Vì mục tiêu thành Phật, cứu độ chúng sanh nên vị Bồ tát quyết không tiếc thân mạng, xả thân vì đạo. Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới nói: “Thấy người sau mới học Bồ tát giới, có người từ xa hàng trăm ngàn dặm, lại cầu kinh luật Đại thừa, nên như pháp nói hết thảy các hạnh tu khổ hạnh, hoặc thiêu thân, thiêu tay, thiêu ngón tay, nếu như không thiêu thân, tay, ngón tay cúng dường chư Phật, thì không phải là người xuất gia tu hạnh Bồ tát” (Khinh cấu giới-16). Kinh Pháp Hoa tán thán hạnh đốt thân cúng dường Phật của Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến v.v…
Ở Trung Quốc, thọ giới – đốt liều xuất hiện vào đời Nguyên (thế kỷ 13). Sách Trung Quốc Phật giáo ghi: “Triều đình vì muốn phân biệt giữa Tăng chúng Bắc truyền và các vị Tăng Lạt ma cho nên sắc lịnh cho ba giới đàn lớn nhất của Trung Quốc bấy giờ là Giới đàn chùa Giới Đài ở Bắc Kinh, Giới đàn chùa Khai Nguyên ở Tuyền Châu, Giới đàn chùa Đài Khánh ở Hàng Châu, lấy lệ thọ Bồ tát giới phát nguyện tấn hương chế thành luật, khi truyền Bồ tát giới phải tấn hương cho giới tử, để lấy đó làm sự phân biệt giữa Tăng chúng Bắc truyền và Tăng chúng Lạt ma”. Ở Việt Nam, theo Việt Nam Phật giáo sử lược: “Thiền sư Nguyên Thiều vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) sang Quảng Đông thỉnh ngài Thạch Liêm và các vị danh tăng khác, cùng thỉnh được nhiều kinh điển, tượng khí đem về. Chúa Nguyễn liền sắc mở đàn truyền giới rất long trọng tại chùa Thiên Mụ”, và từ giới đàn này luật thọ Bồ tát giới tấn hương cho Tăng Ni được truyền vào Việt Nam và lưu hành rộng rãi cho đến ngày nay (Thích Tâm Mãn, Học hạnh Bồ tát phát nguyện đốt liều khi thọ giới).
Về mặt ý nghĩa, đây là hình thức thể hiện đại nguyện Bồ tát hạnh, muốn đi trên con đường hạnh nguyện này có rất nhiều khó khan, thử thách, hành giả cần vượt qua. Và đây có thể nói là sự thử thách đâu tiên về mặt thể xắc qua sức nóng của lửa đốt lên đầu của chư vị sơ tâm Bồ Tát. Đồng thời các tân Sa Di, tân Tỳ kheo cũng muốn nhân ngày trọng đại của đời tu sĩ muốn cúng dường lên chư Phật” ( nguồn trích tư liệu từ báo Giác Ngộ)