(DIỆU HƯƠNG, dieuhuong6067@gmail.com)
Ảnh chỉ mang tính minh họa
ĐÁP: Bạn Diệu Hương thân mến!
Pháp bảo là những lời dạy vàng ngọc quý giá của Đức Phật Thích Ca, được các vị Thánh đệ tử ghi nhớ, truyền tụng và về sau được kết tập thành tam tạng Kinh-Luật-Luận. Ngoài ra, những lời giảng dạy, sáng tác, di huấn của chư vị Thánh tăng, Tổ sư đắc đạo cũng được cung kính, xem trọng như Pháp bảo. Sau khi Phật Thích Ca nhập Niết-bàn, Pháp bảo được xem như chính Ngài đang hiện hữu trong thế gian. Những ai kính thờ, bảo tồn, ấn tống, lưu truyền, học hỏi và ứng dụng tu tập theo Pháp bảo sẽ được phước báo vô lượng.
Phương tiện phổ biến để ghi chép, lưu truyền Pháp bảo chính là kinh sách, với các chất liệu đất, đá, đồng, tre, gỗ, lá… và hiện nay, dù có một số chất liệu và kỹ thuật mới như băng đĩa nhưng chủ yếu vẫn là giấy. Dĩ nhiên, theo thời gian kinh sách sẽ cũ mục, hư nát. Khi đó, nếu là kinh sách quý hiếm thì cần sao chép rồi mới đem đi hỏa hóa. Nếu kinh sách đang được in ấn và phát hành phổ biến thì hỏa hóa mà không cần sao lưu. Điều cần lưu tâm là khi tiến hành hỏa hóa kinh sách phải thực hiện đúng pháp để không mắc tội.
Hỏa hóa là dùng lửa đốt cháy hoàn toàn kinh sách hư cũ. Nếu trong chùa có lò đốt giấy (có nơi gọi lò hóa vàng) thì nên hỏa hóa kinh sách tại đây. Không chỉ kinh sách hư cũ mà các loại giấy có in hình ảnh Phật, Bồ-tát, cờ phướn, sớ điệp tên tuổi cầu cúng, giấy tiền vàng mã… cũng được đốt ở lò này. Trường hợp chùa không có lò đốt thì có thể chọn một khoảng đất trống sạch sẽ, an toàn về hỏa hoạn để hóa kinh sách hư cũ. Sau khi đốt cháy hoàn toàn, dùng nước sạch để rửa hết tro bụi. Tại tư gia, các Phật tử cũng có thể hỏa hóa kinh sách, ảnh Phật theo cách này.
Cần phân biệt giữa hỏa hóa và đốt phá kinh sách. Chỉ có đốt phá mới mang tội, còn hỏa hóa thì chẳng những không tội mà còn được phước. Vì không có tội nên bạn không cần sám hối và chẳng có gì phải lo lắng cả.
Nguồn: giacngo.vn