Tại khoá bồi dưỡng kiến thức trụ trì và hành chánh giáo hội do BTS GHPGVN tỉnh Long An tổ chức tại Tổ đình Kim Cang năm 2017, Phật lịch 2561, buổi giảng đầu tiên được cung nghinh HT Thích Giác Toàn – Phó Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự GHPGVN, Phó Thường Trực Ban Giáo Dục Tăng Ni TW GHPGVN, Phó Viện trưởng Thường trực Học Viện PGVN tại TP.HCM, Phó Tổng Biên Tập Báo Giác Ngộ, Giáo Phẩm Thường Trực Hệ Phái Khất sĩ, trụ trì Pháp Viện Minh Đăng Quang, quận 2 và Tịnh xá Trung Tâm, quận Bình Thạnh, Tp.HCM, đã hoan hỷ quang lâm thuyết giảng chủ đề “Trách nhiệm trụ trì trong định hướng tu tập, hoằng hóa trước thời duyên ”.
I. Định hướng tu tập tại trú xứ nơi mình đảm nhận
Đối với người tu, việc quan trọng là phải thực hiện cho tốt tôn chỉ, những điều trưởng dưỡng, un đúc tinh thần phạm hạnh của một vị Tỳ-kheo, phải có tố chất cầu học cầu tu. Vị trụ trì có chức năng chăm sóc cho tăng (ni) trong trú xứ mà mình có duyên đảm nhận, giúp tăng chúng thuận duyên tu học; hướng dẫn tín đồ tu tập đúng chính pháp qua biểu hiện của hành động (thân), lời nói (khẩu) và tư duy (ý).
Để cho tăng (ni) chúng và cư sĩ phật tử thực hành đúng chính pháp của đức Phật, đặc biệt là đúng theo đường lối, tôn chỉ của thầy Tổ thì trước hết vị trụ trì cần phải làm gương, tức là biểu hiện thân giáo trong đời sống theo tinh thần “giới luật Phật chế” và “lục hòa cộng trụ”, ngang qua cách thức sinh hoạt, tu tập của mình để giáo hóa, nhiếp phục nhân sinh.
Với sứ mạng “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, vị trụ trì cần phải xây dựng cho mình một đời sống chuẩn mực đạo đức, khéo giao tiếp ứng xử, trang nghiêm phẩm hạnh trong chốn thiền môn. Có như thế, vị trụ trì mới nhiếp phục, cảm hóa được tăng (ni) chúng và phật tử. Từ sự cảm hóa đó, hội chúng sẽ đoàn kết, hết lòng ủng hộ giúp vị trụ trì gánh vác, đương đầu những khó khăn để hoàn thành các phật sự tại trú xứ của mình.
II. Sứ mạng “hoằng pháp lợi sinh” của vị trụ trì trước thời duyên
Vị trụ trì cần phải tự tích lũy tâm đức, tự ý thức trách nhiệm, sứ mạng thiêng liêng của một người xuất gia đó là làm thầy Tỳ-kheo – “Sứ giả của Như Lai” làm phật sự hoằng dương chính pháp, đưa Đạo vào Đời.
- Hoằng pháp ngày nay: tinh thần “thiểu dục tri túc”
Hạnh khất thực là phương tiện của chư Phật để giáo hóa chúng sinh. Ngày xưa, đức Thế Tôn và đệ tử Ngài cũng thực hành hạnh ấy. Thiết nghĩ, nếu duy trì “hạnh khất thực hóa duyên” này thì đó cũng chính là phương pháp thiết thực đưa đạo vào đời vừa gần gũi, bình dị, thân quen; vừa tự độ và độ tha.
Người khất sĩ như kẻ sưu công, người ra công đi giác ngộ, cảm hóa dạy khuyên người, là mỗi buổi sáng đi khất thực, và người như là kẻ sưu công hưu trí, vì đã làm xong phận việc gia đình, xã hội rồi, mới được đi tu giải thoát như ngày hôm nay.
Lòng từ bi, bắt buộc người khất sĩ nhận lấy phận sự tế độ chúng sinh làm nghề nghiệp, không ai xúi bảo rủ ren, cũng không đợi người xin hỏi. Vừa đi xin ăn tạm để nuôi thân sống qua ngày, mà lo việc muôn năm khắp cùng thiên hạ, lo cải sửa phong hóa lễ nghi, đức tính, gương hiền đem sự trong sạch, yên lặng, sáng suốt cho đời, cảm hóa kẻ ác, dạy dỗ người thiện, chỉ đạo cho người tu, dìu dắt lớp trên, ông già, cao trên xã hội. (Chân lý “Trên mặt nước”)
- Hoằng pháp qua con đường giáo dục (giảng dạy)
Mỗi vị tăng (ni) trụ trì cần phải đảm nhận vai trò thiêng liêng là một sứ giả của Như Lai. Tại nơi đạo tràng tịnh xá, trong những buổi ngọ trai, hoặc ngày cúng hội một tháng 4 kỳ (mùng 8, 15, 23, 30) tùy theo hoàn cảnh thực tế và điều kiện cho phép có thể thuyết giảng đôi điều kinh pháp nhằm mục đích giúp cho cư gia bá tính hữu duyên nhận thức rõ con đường đạo đức, chuyển hóa các pháp bất thiện, hướng dẫn họ tu tập đúng với chính pháp của chư Phật, góp phần kiến tạo cõi Tịnh độ ngay tại nhân gian này. Đó tức là hành động thể hiện tinh thần, trách nhiệm hoằng pháp của vị trụ trì đối với nhân sinh.
Khất sĩ cũng như một ông thầy giáo dạy học cho bá tính, chẳng lãnh tiền lương, dầu dạy ít dạy nhiều không hề kể công so của, quý nhất là gương hiền đạo đức, gương giới hạnh, gương từ bi đại lượng ở đời. Còn người vì sắc tài danh lợi mà chết khổ thì Khất sĩ hiền nhân mới thật là tôn quý hơn vua quan, hơn cha mẹ mà là như Phật trời, là kẻ đùm che cho muôn loài núp bóng, tránh đỡ cơn nạn khổ, bão tố nắng mưa… Khất sĩ giải thoát tu học cho mình, độ dắt cho người là giáo lý sống chung không tư kỷ, không riêng một chủng loại nào, chẳng bỏ ai ai… (Chân lý “Khất sĩ”)
“Lại nữa, Khất sĩ là kẻ thi hành pháp thí, ban bố tinh thần, tạo sự sống linh hồn cho muôn loại, là người đạo đức hiền lương, nết hạnh, qúy giá cho đời biết mấy, gương đức hạnh, dạy đạo lý, chẳng kể công đòi lương, mà cơm dư ai hảo tâm đem cho thì ăn, chớ không ép buộc rầy rà. Khất sĩ hy sinh chịu sống cực thân, để lo tô đắp nền đạo cho thế gian, trang sức hạnh phúc cho cõi đời”. (Chân lý “Y bát chân truyền”)
- Hoằng pháp qua việc tổ chức các khóa tu
Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó và đồng hành với dân tộc suốt hơn 2.000 năm qua. Do vậy, sự hiện hữu của ngôi già lam tự viện hiển nhiên đã in đậm trong tâm thức, trở thành mạch sống của dân tộc, được thể hiện qua câu thơ:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”
Tại ngôi đạo tràng tịnh xá, vị trụ trì cần nên tổ chức các khóa tu định kỳ (ít nhất một tháng 1 lần) để hướng dẫn các phật tử trau dồi trí tuệ, đạo đức, thực tập thiền định, và trải nghiệm đời sống tâm linh nhằm chuyển hóa khổ đau ngay trong kiếp sống hiện tại để được an lạc, hạnh phúc. Đó là hạnh nguyện dấn thân phụng sự đạo pháp, thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo. Điều này được Tổ sư nêu bật trong Chân lý “Trên mặt nước”: Người tu hy sinh, bỏ xã hội là để lo cho thế giới, và cũng không bao giờ trở lại xã hội, gia đình. Mục đích của khất sĩ là làm cho thế giới đều tu, yên vui thì xã hội mới được yên vui; xã hội yên vui là gia đình yên vui; gia đình yên vui thì mình mới được yên vui, tức là tấm lòng lo cho tất cả chúng sinh đều tu hết vậy.
Song song đó, vị trụ trì cần nên thiết lập chương trình, nội dung tu học sao cho phù hợp với chủ đề của khóa tu; hình thức sinh hoạt, độ tuổi tham gia phải phù hợp với tiêu chí khóa tu, cũng như phải biết cách duy trì khóa tu một cách bài bản và khoa học… Tùy theo mức độ tu tập, hành trì và khả năng của vị trụ trì,cộng thêm nhu cầu tu học của phật tử mà từ đó có thể thiết lập các chương trình như sau:
– Giảng dạy tại các trú xứ, già lam, tự viện, tịnh xá…
– Mở những khóa tu cho các phật tử thanh thiếu niên.
– Mở khóa tu gieo duyên.
– Mở những khóa tu định kỳ như Bát quan trai, Niệm Phật, Tu thiền, Một ngày An lạc…
– Đáp ứng nhu cầu thỉnhgiảng tại các nơi khác.
– Tổ chức các buổi pháp thoại công cộng…
Làm được điều này, chúng tôi thiết nghĩ ảnh hưởng Phật pháp sâu rộng trong quần chúng ở tương lai gần sẽ không phải là chuyện ngoài mong đợi.
- Hoằng pháp bằng con đường văn hóa và ứng dụng công nghệ
Vị trụ trì ngoài khả năng am hiểu nội điển cần phải có những kiến thức cơ bản về lịch sử, và đặc tính văn hóa từng vùng miền; nỗ lực trau dồi những kỹ năng như viết lách, sáng tác thơ văn, nghiên cứu dịch thuật các mảng văn học, lịch sử, triết học, văn hóa… Thế kỷ 21 là thế kỷ của khoa học công nghệ. Hoạt động báo chí, truyền thông và xuất bản là lĩnh vực rất cần thiết cho xã hội, đặc biệt là trong hoằng pháp và giáo dục. Những hoạt động này rất hữu ích và phù hợp, đáp ứng với mục tiêu hoằng pháp thời hiện đại. Do vậy, vị trụ trì cần ứng dụng các thiết bị công nghệ hiện đại vào chương trình hoằng pháp của mình thông qua việc đưa các bài viết, các buổi thuyết giảng đăng tải trên các trang website, facebook, youtube,… hầu đáp ứng nhu cầu tu học ngày một rộng của nhiều tầng lớp người trongxã hội.
III. Kết luận
Khác với tăng chúng, vị trụ trì là người có phúc duyên tích tụ nhiều đời, được thầy Tổ giao việc, ý thức điều đó, để làm tốt trách nhiệm và sứ mạng của mình thì vị trụ trì đem tinh thần vô ngã của đức Phật dạy mà ứng xử, đồng thời tự điều nhiếp tâm tính mình an trú vào tứ đức Niết-bàn, từ đó tâm mình được yên. Khi tâm yên thì trí sẽ sáng, việc dễ thành tựu, an vui.
Không nên xem trụ trì là chức vụ quyền hành, mà đó là trách nhiệm phải gánh vác để lập công bồi đức, “vui gánh những gánh nặng đang gánh”. Vị trụ trì cũng cần phải tăng trưởng sự tu học, biết lắng nghe và chọn lọc ý kiến để có giải pháp cho việc bảo quản, chăm sóc sự tướng – cảnh quan của ngôi chùa, ngôi tịnh xá trong ý nghĩa kế thừa “tục diệm truyền đăng”. Vị trụ trì cũng phải biết thương tăng, ni trong trú xứ cũng như phật tử, tín đồ hữu duyên, biết cách nâng đỡ để cùng thăng tiến trong tu tập và giáo dưỡng trong chính pháp.
Vị trụ trì đương nhiên là người cần nắm rõ Hiến chương, các Nội quy về Tăng sự cũng như các ban ngành khác của Giáo hội; hiểu và nắm vững pháp luật, pháp lệnh tín ngưỡng – tôn giáo do Nhà nước ban hành bên cạnh nắm vững nếp sinh hoạt của đạo, đó là những yếu tố chính giúp vị trụ trì làm tốt công việc thiêng liêng mà mình được giao phó.
Vị trụ trì cần chuyên tâm tầm cầu học tập kinh điển và hành trì giáo pháp để hoàn thiện phẩm chất của một vị xuất gia giải thoát. Nếu không làm được như thế thì quả thật là một thiết sót lớn và xem như nhiệm vụ, sứ mạng của vị trụ trì khó mà hoàn thành. Điều này, Tổ sư đã giáo huấn rằng: “Người Khất sĩ phải là có thật học, phải đủ đức hạnh, phải có chân tu mới được gọi đúng danh từ Khất sĩ… Giá trị của người Khất sĩ là mắt tai mũi lưỡi miệng thân ý phải cho trọn lành trong sạch, do nhờ đời trước có tu hiền. Phải là người có tu tập bố thí phước lành không bỏn xẻn; phải là người có nhân đức biết thương yêu cứu giúp chúng sinh, không tham sân si tật đố ích kỷ tự cao…”. (Chân lý “Y bát chân truyền”)
Xin giới thiệu một số hình ảnh tiêu biểu