Sáng ngày mùng 5 tháng 4 ÂL, nhằm ngày 30 tháng 04 năm 2017 là ngày tu Niệm phật tại chùa Diêu Quang, Tp Tân An. Nhân kỷ niệm 42 năm chấm dứt chiến tranh đất nước Việt Nam thống nhất. Nhận lời mời của thầy Trụ trì chùa Diêu Quang, Hòa thượng Thích Minh Thiện, UV.HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban trị sự GHPG tỉnh Long An có buổi pháp thoại với đạo tràng Phật tử về tinh thần Phật Giáo Việt Nam đồng hành cùng Dân Tộc.
Mở đầu buổi pháp thoại Hòa thượng kể lại đôi điều về nổi khổ do chiến tranh tàn hại đem đến cho mọi người khi Ngài sinh ra và lớn lên trong thời chiến loạn, chứng kiến bao việc tử sanh, ly tán…Thời kỳ đó mọi việc đều đầy gian nan thử thách, kể cả việc tu học cũng thế, ai ai cũng chỉ mong cho đất nước được thanh bình. “Chấm dứt chiến tranh, hết hận thù ai nấy đều có thể sum hợp gia đình, sớt cơm chia áo thôi thù hận, anh em nhìn nhau con một nhà, đói no cơm muối cũng vui lòng…”Đó là lời ước nguyện của người xưa trong thời chiến tranh. Cho nên, ngày nay đất nước được thống nhất non sông liền một dãy từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, 54 Dân tộc anh em đang cùng nhau ra sức xây dựng cuộc sống mới. Về mặt tích cực thì cuộc sống hôm nay đã phát triển và văn minh tiến bộ rất nhiều, chất lượng cuộc sống được nâng cao…Tuy nhiên bên cạnh đó vấn đề đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa dân tộc đang có chiều hướng xuống dốc là nỗi lo chung của toàn xã hội.
Đây là điều Hòa thượng giảng sư mong tất cả Phật tử hơn ai hết phải giữ trong lòng mình niềm hạnh phúc được sống trong một đất nước hòa bình, luôn hướng đến xây dựng nền “ĐỘC LẬP-TỰ DO-HẠNH PHÚC”. Hòa thượng giảng sư cũng nhấn mạnh là một công dân nước Việt với tinh thần truyền thống “hiếu hòa hiếu kính, cần cù sáng tạo, anh hùng bất khuất”. Tất cả mọi người dù có tín ngưỡng tôn giáo hay không có tín ngưỡng tôn giáo, dù là Đảng viên hay thứ dân đi nữa cũng chỉ mong mọi người giữ gìn truyền thống đó để sáng suốt, bản lĩnh trên đường ngoại giao quốc tế, giữ vững được nền hòa bình, độc lập, văn minh, giàu đẹp cho dân tộc.
Trở về với tinh thần người phật tử Việt Nam, Hòa thượng giảng sư nhắn nhủ đến Tăng Ni, phật tử chỉ có đạo Phật Việt Nam mới xứng đáng là một tôn giáo có mấy ngàn năm lịch sử đồng hành cùng dân tộc và phù hợp với truyền thống dân tộc, bằng trí tuệ, từ bi và bằng đức dũng của đạo Phật đã giúp cho Việt Nam chúng ta vượt qua vô vàn thử thách. Lịch sử đã chứng minh cho dù trải qua ngàn năm nô lệ phương Bắc, trăm năm đô hộ của giặc Tây và bao nhiêu năm nội chiến từng ngày mà gia tài của mẹ để lại cho con là nước Việt Nam hôm nay. Thầy nói vấn đề này hơi đi xa hơn việc trọng tâm của một đạo tràng tu học niệm Phật. Nhưng tại sao thầy lại nói trong buổi sáng hôm nay, trong khi Phật tử kỳ vọng thầy sẽ nói những gì cần thiết cho người tu pháp môn Tịnh độ ? Bởi vì, hiện nay đất nước ta có hơn 40 tổ chức tôn giáo, nhóm hội đang hoạt động trên đất nước này, Phật giáo Việt Nam ta rất cần tỏ ra là một tôn giáo cũng được du nhập từ Ấn Độ sang. Nhưng đạo Phật đã gắn liền với dân tộc mấy ngàn năm lịch sử và trở thành đạo Phật của Việt Nam, với tinh thần sáng tạo của người Việt Nam, đạo Phật có “Bi- Trí- Dũng” phù hợp với “Hiếu Hòa Hiếu Kính, Cần Cù Sáng Tạo, Anh Hùng Bất Khuất” của Việt Nam. Cho nên đạo Phật du nhập vào người Việt Nam đã hòa nhập với nhau để chúng ta có một sắc thái là cái đẹp của Việt Nam và đó cũng chính là điều Thầy muốn nhắc lại sáng hôm nay để chúng ta tu một pháp môn niệm Phật, nhưng mà sẽ là một pháp môn niệm Phật của Việt Nam. Tại sao Thầy lại nói là niệm Phật theo cách của của Việt Nam, mà nó không là niệm Phật theo truyền thống Phật giáo? niệm Phật theo truyền thống Phật giáo là đúng rồi, nhưng mà niệm Phật theo cách của Việt Nam vì nó yêu cầu phải phù hợp với truyền thống dân tộc Việt Nam theo tinh thần”Khế lý-Khế cơ-Khế thời-Khế xứ” và chính như vậy mình mới là Phật giáo luôn đồng hành cùng Dân Tộc..
Kính thưa quý vị phật tử, chúng ta biết đạo Phật đã được xuất hiện thế gian này cách đây 2606 năm lịch sử(tính từ khi Phật thành đạo, 45 năm thuyết pháp đến thị hiện Niết Bàn), nhân loại đã tiếp cận giáo lý và pháp môn tu tập theo tinh thần Đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật truyền trao, các thánh đệ tử và các đệ tử những vị tổ sư của Phật giáo trên khắp thế giới đã truyền trì tinh thần tu học. Đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã chỉ dạy cho chúng ta 3 tạng giáo điển: Kinh-Luật-Luận nói theo truyền thống giáo điển, nói theo pháp hành thì Đức Phật đã dạy cho chúng ta 3 pháp môn tu học đó là: tu giới, tu định và tu tuệ . Đây là truyền thống tu tập, là cương lĩnh tu tập mà nó cũng chính là nét xuyên suốt mà người tu học Phật cần phải liễu tri. Nhìn lại thực trạng thế giới hiện nay người ta tu tập không ngoài 3 pháp môn truyền thống là: tu thiền, tu tịnh, tu mật. Đó là nghi thức tu tập. Tu thiền được truyền thống Phật giáo Nam truyền còn gọi Phật giáo nguyên thủy, đại diện lấy thiền tứ niệm xứ, chỉ cho phương pháp tu tập chuyển hóa mình nhiều hơn là chuyển hóa người khác, giữ phương pháp, hình thức tu tập giống thời Đức Phật là chính. Họ cũng giữ giới theo truyền thống nguyên thủy, do tu tập, phòng hộ ba nghiệp thân khẩu ý và sáu căn của mình theo tinh thần thiền định và quán chiếu để dừng bặt những vọng tưởng, hành vi điên đảo của người hành giả. Đối với Phật giáo Bắc truyền hay còn gọi là Phật giáo phát triển chư Tổ lấy khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ để diễn bày những phương pháp tu tập phù hợp, pháp môn tu tập phát triển hơn có tu thiền: Tổ sư thiền, Như Lai thiền. Bố sung vào thiền tứ niệm xứ, thiền vipasana. Từ nơi Phật giáo phát triển lấy tinh thần cảm hóa và lợi ích cho chúng sinh, cho nhiều người ngay lúc tu tập, thậm chí dầu cho sự tu tập có giảm sự chuyên nhất mà được lợi ích nhanh và cho nhiều người thì cũng xứng đáng để chậm sự tu tập cho mình mà hướng đến sự tu tập chung cho nhiều người, lấy tinh thần Bồ tát đạo làm nòng cốt phát triển nên còn gọi là Phật giáo đại thừa. Từ chỗ đó Chư Tổ mới chỉ bày phương pháp mật ngôn, mật chú, dùng thần chú nói lên đại nguyện của mình và để nhiếp tâm đi vào thiền định và nuôi dưỡng tâm bồ đề của mình tạo diệu dụng năng lực gia trì thần chú gọi là tu mật. Tu tịnh, dùng pháp môn để niệm Phật, dùng tinh thần để quán niệm công hạnh của Chư Phật, nhớ ơn công đức của Chư Phật, kính thuận theo công hạnh của Chư Phật mười phương để nuôi dưỡng bồ đề tâm. Phật giáo chủ trương “ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Do đó khuyến khích mọi người phát triển Phật tánh của mình. Phật giáo phát triển khuyến khích mọi người hiển bày những đức tính của Chư Phật Chư Tổ, quán từ bi hỷ xả, nuôi dưỡng tứ vô lượng tâm. Các phương pháp niệm Phật có rất nhiều, đây là các phương pháp thù diệu nhất ai ai cũng có thể dùng phương pháp đó mà nhiếp tâm tôn kính Phật, Pháp, Tăng. Học và hiểu để câu niệm Phật càng trở nên linh diệu hơn. Tất cả mọi người mọi chúng sanh đều có tình cảm thiêng liêng. Nhưng cần biết tâm rất vô thường, nếu không có vô thường thì không có một sự phát triển tốt hơn. Đức Phật giải thích như vậy để mọi người, trong cảnh vô thường đó cần chuyển hóa thế nào để tốt hơn, câu niệm Phật tiêu trừ tội chướng, đủ điều kiện vãng sanh là câu niệm Phật chuyển tải được từ bi hỷ xả, ý thức được tính vô thường mong manh giữa các pháp một cách sâu sắc, câu niệm Phật mà mỗi chúng ta tin chắc nhân quả là thật.
Dầu tu theo Phật giáo Nam truyền hay Phật giáo Bắc truyền nhưng vẫn thể hiện ba sắc thái tu thiền, tu tịnh và tu mật. Chúng ta thừa hưởng tinh thần sáng tạo của tổ tiên mình rất độc đáo, đó là phương pháp tu tập từ Bắc chí Nam của mình. Một thời công phu sáng và chiều có chứa đủ thiền tịnh mật trong đó. Tu theo pháp môn trì danh hiệu Phật dễ tu dễ chứng và phổ cập tới tất cả mọi người. Trì danh hiệu Phật không khó nhưng khó ở bền lâu và có lòng thiết tha, phải nhiếp tâm.
Hàng ngày lễ Phật, lễ Bồ tát, hàng ngày tụng kinh sẽ thâm nhập vào tiềm thức của chúng ta, do vậy Chư Tổ dạy ta niệm Phật để trước lúc lâm chung nhất tâm bất loạn thì đức Phật A Di Đà sẽ tiếp dẫn. Nếu chỉ niệm Phật mà không niệm giác ngộ, ý thức được nhân duyên, nhân quả, duyên phước thì hiệu quả niệm Phật chưa rốt ráo.
Trong kinh Quán vô lượng thọ, Đức Phật có dạy những trợ hạnh để vãng sanh, trong đó tiên quyết là phải quy y Tam Bảo, phát nguyện tin Phật, tin Pháp, tin Tăng cần có niềm tin sâu dày mới hết lòng tôn kính mới tin pháp môn này; hiếu đễ với ông bà cha mẹ; có tinh thần biết ơn và đền ơn hồi hướng cho mọi người được hoàn thiện.
Cần có năng lực tâm linh thuần khiết để hồi hướng và cảm hóa chúng sanh. Hãy tu niệm Phật bằng cách hoàn thiện nhân cách, nuôi dưỡng thân không tham lam, sân hận, si mê quá đáng để thân phải khổ. Tinh thần hướng về đời sống thánh thiện, đời đời tôn kính Phật, đời đời tôn kính Pháp, đời đời tôn kính Tăng và đời đời trân trọng học giới theo pháp môn mình đã chọn thì Phật tử sẽ có câu niệm Phật đủ năng lực tiêu trừ ngàn tội chướng cho mình ở hiện tại và tương lai, giữ xuyên suốt trong cuộc đời và đến phút lâm chung Phật tử đủ tư lương để chánh niệm Di Đà vãng sanh về miền tịnh Phật quốc độ.