Sáng ngày 08 tháng 8 năm 2017 (nhằm 17/6 nhuần/Đinh Dậu), theo sự thỉnh cầu của Ban Tổ chức HT Thích Minh Thiện: Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Trưởng ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An có thời pháp thoại cho Chư Tôn đức Tăng Ni khóa Bồi dưỡng Trụ trì tại Hội trường văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre; chùa Viên Minh, số 1, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P2, Tp Bến Tre.
Nội dung thời pháp thoại, Hòa thượng chia sẻ về “Tám chữ vàng” của Trung ương Giáo hội, đó là “Trí tuệ, kỹ cương, hội nhập, phát triển”.
Mở đầu pháp thoại, hòa thượng nhắc lại điểm son của Phật giáo là thống nhất 9 tổ chức, hệ phái:
- Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
- Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam
- Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam
- Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp HCM
- Giáo hội Thiên Thai giáo Quán tông
- Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam
- Hội đoàn Kết Sư sãi yêu nước Tây Nam bộ
- Hội Phật học Nam Việt
thành một tổ chức duy nhất, “một ngôi nhà chung” là Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào ngày 07 tháng 11 năm 1981 nhằm phát huy sức mạnh hoằng pháp lợi sanh. Hòa thượng cũng khẳng định nguyện vọng thống nhất Phật giáo đã được thực hiện các thời kỳ và đã có tới ba cuộc vận động trước đó vào những năm 1951, 1960 và 1964 nhưng đều chưa hội đủ nhân duyên. Đến ngày 07 tháng 11 năm 1981, 9 tổ chức hệ phái đã đồng lòng hợp nhất thành một tổ chức Giáo hội duy nhất.
Ban Vận động thống nhất Phật giáo gồm: Ban Chứng minh do Hòa thượng Thích Đức Nhuận đứng đầu, Ban Thường trực do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban, Ban Thư ký do Thượng tọa Thích Minh Châu làm Chánh Thư ký và các Tiểu ban giúp việc có đại diện của chín tổ chức, hệ phái: Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam do Hòa thượng Thích Nguyên Sinh đứng đầu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất do Thượng tọa Thích Thiện Siêu, Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam do Hòa thượng Thích Trí Tấn, Ban Liên lạc Phật giáo TP. Hồ Chí Minh do Hòa thượng Thích Thiện Hào, Giáo hội Tăng già nguyên thủy Việt Nam do Hòa thượng Thích Siêu Việt, Hội Đoàn kết sư sãi Tây Nam Bộ do Hòa thượng Dương Nhơn, Giáo phái Khất sỹ Việt Nam do Hòa thượng Thích Giác Nhu, Thiên Thai giáo quán tông do Thượng tọa Thích Đạt pháp và Hội Phật học Nam Việt do cư sĩ Tăng Quang.
Đồng thời, hòa thượng điểm lại những thành tựu nổi bật trong 35 năm qua của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về các lãnh vực như Tăng sự, Hoằng pháp, Giáo dục Tăng Ni, Văn hóa, từ thiện xã hội…..
Nội dung trọng tâm, Hòa thượng triển khai “tám chữ vàng”: “Trí tuệ, kỹ cương, hội nhập, phát triển”. Hòa thượng khẳng định “tám chữ vàng” này là chủ đề của Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII. Chủ đề này có tầm chiến lược phát triển bền vững của GHPGVN trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng và là phương châm hành động không chỉ cho Trung ương Giáo hội hay các cấp Giáo hội, mà là cho tất cả mọi thành viên trong ngôi nhà Giáo hội, cũng không chỉ áp dụng trong nhiệm kỳ tới, mà sẽ là kim chỉ nam cho một chiến lược lâu dài nhằm hướng đến sự phát triển chất lượng và bền vững…
- Trí tuệ:
Trí tuệ được hiểu theo cách thông thường đó là có một trí thức uyên bác về một vấn đề gì, có thể phân tích trình bày vấn đề ấy một cách khúc chiết và triệt để. Trí tuệ được huân tập bởi những kiến thức thế học, Phật học từ đó có áp dụng vào việc tu tập, hoằng pháp lợi sinh. Kinh Bát Đại Nhân Giác dạy “Duy tuệ thị nghiệp”, đạo Phật lấy trí tuệ làm sự nghiệp, trí tuệ chính là nguồn tuệ giác soi sáng con đường giác ngộ giải thoát mà tất cả hành giả Phật môn đều phải nương theo. Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, trí tuệ là yếu tố quan trọng định hướng mọi hành động, hoạt động của tu sĩ. Có trí tuệ mới có thể lãnh đạo, điều hành Phật sự trong thời đại hội nhập và phát triển.
- Kỷ cương:
Phật giáo xưa nay đều lấy giới luật làm nền tảng để tu tập và hoằng pháp lợi sanh. Thời đức Phật tại thế, Ngài chỉ dùng đạo hạnh để giáo hóa. Tuy nhiên, để giữ vững kỷ cương và kiện toàn tổ chức giáo đoàn Ngài cũng rất quan tâm đến giới đức của bậc xuất gia, trong bài kinh Ước Nguyện, thuộc Trung bộ kinh Đức Phật dạy: “Các Tỷ kheo, hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và học tập các học giới”. Lời dạy ấy luôn thức tỉnh, thực thi trong Tăng đoàn thời Đức Phật.
Ngày nay, thành viên của Giáo hội cần phải ý thức trách nhiệm bổn phận của một người xuất gia đang hướng đến chân trời giác ngộ giải thoát, do vậy cần phải nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu hành, đồng thời phát tâm phụng sự đạo pháp và dân tộc một cách vô điều kiện, vì đây sứ mạng cao cả của một sứ giả Như Lai, có như vậy thì kỷ cương giới luật của nhà Phật mới được duy trì. Đồng thời, phải thực hiện theo chính sách, pháp luật mà Nhà nước đã quy định.
- Hội nhập:
Hội nhập được hiểu đó là: Tham gia vào một cộng đồng lớn gọi là hội nhập, như hội nhập về văn hóa-xã hội là quá trình mở cửa, trao đổi văn hóa với các nước khác; chia sẻ các giá trị văn hóa, tinh thần với thế giới; tiếp thu các giá trị văn hóa tiến bộ của thế giới để bổ sung và làm giàu nền văn hóa dân tộc; tham gia vào các tổ chức hợp tác và phát triển văn hóa-giáo dục và xã hội khu vực và hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên hướng tới xây dựng một cộng đồng văn hóa-xã hội rộng lớn hơn trên phạm vi khu vực và toàn cầu.
Trong xu thế toàn cầu hóa và trên tiến trình hội nhập của đất nước, chúng ta cần vận dụng trí tuệ vào tiến trình hội nhập sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh, từng công việc; trước hết, trong quá trình hội nhập, Phật giáo với truyền thống đồng hành cùng dân tộc, người tu sĩ luôn nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật như mọi cá nhân của các tổ chức đoàn thể khác, song song đó là sự tuân thủ Hiến chương Giáo hội, duy trì và phát huy những tập quán, lễ nghi truyền thống mang tính đặc thù của Phật giáo, quá trình này vẫn không những không đánh mất đi bản sắc của Phật giáo, mà còn được xây dựng trên tinh thần “Tùy duyên bất biến”, “Hòa nhi bất lưu” rất đặc thù của Phật giáo.
- Phát triển:
Phật giáo là một tôn giáo sống trong lòng dân tộc, luôn lấy vận mệnh của dân tộc là vận mệnh của mình, Phật giáo luôn hài hòa và cùng phát triển, và để có một sự phát triển bền vững Phật giáo dựa trên những yếu tố tiên quyết đó là lấy trí tuệ làm sự nghiệp, lấy giới luật làm nền tảng và tinh thần tùy duyên theo thế gian đó là hội nhập.
Cuối cùng, Hòa thượng khuyến khích Chư Tôn đức hãy tiếp tục phát huy truyền thống hộ quốc an dân và đồng hành cùng dân tộc; xiển dương giá trị văn hóa, đạo đức Phật giáo; bảo tồn văn hoá dân tộc để góp phần cùng Nhà nước phát triển xã hội ngày càng văn minh, giàu đẹp.