BÀI THAM LUẬN HOẰNG PHÁP HẢI NGOẠI
Chủ đề: HOẰNG PHÁP TRONG XU HƯỚNG THỜI ĐẠI MỚI
VỚI ĐỒNG BÀO VIỆT NAM Ở HẢI NGOẠI
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Tôn Thiền Đức, Kính thưa quý đại biểu!
Trong dòng chảy hội nhập toàn cầu, đồng bào Việt Nam ở hải ngoại ngày càng trở thành một bộ phận quan trọng trong cộng đồng dân tộc. Họ không chỉ là cầu nối văn hóa, kinh tế, mà còn là đối tượng đặc biệt trong công cuộc hoằng pháp thời đại mới. Với tinh thần trách nhiệm của người con Phật, chúng ta cần nhận diện rõ bối cảnh, đặc điểm và thách thức để đưa ra những hướng đi thiết thực, hiệu quả.
- Bối cảnh thời đại mới:
Chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Người Việt ở hải ngoại, đặc biệt là thế hệ trẻ, sống trong môi trường đa văn hóa và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các nền giáo dục bản địa. Trong bối cảnh ấy, nhu cầu tâm linh, sự tìm về cội nguồn văn hóa và bản sắc dân tộc ngày càng trở nên sâu sắc. Đây là cơ hội nhưng cũng là thử thách cho công cuộc hoằng pháp.
- Đặc điểm cộng đồng Phật tử Việt Nam ở hải ngoại:
Cộng đồng Phật tử Việt Nam ở hải ngoại gồm nhiều thế hệ: lớp người lớn tuổi mang theo tín ngưỡng truyền thống, thế hệ trung niên giữ gìn bản sắc trong môi trường hội nhập, và thế hệ trẻ sinh ra, lớn lên tại nước ngoài ít hiểu ngôn ngữ mẹ đẻ. Sự đa dạng này đòi hỏi công tác hoằng pháp phải uyển chuyển, thích nghi với từng đối tượng, từng hoàn cảnh.
- Những thử thách trong hoằng pháp hải ngoại:
Trước hết là rào cản ngôn ngữ: nhiều vị Tăng Ni còn hạn chế khả năng sử dụng ngoại ngữ, trong khi thế hệ trẻ lại không thông thạo tiếng Việt. Kế đến là thiếu nhân lực hoằng pháp có khả năng hiểu biết sâu sắc văn hóa bản địa. Nhiều bài pháp còn thiên về truyền thống, chưa bắt nhịp kịp thời với đời sống thực tiễn và tâm lý người trẻ.
- Cơ hội và xu hướng hoằng pháp mới:
Thời đại mới mở ra nhiều phương tiện truyền thông hiện đại như YouTube, Podcast, mạng xã hội… giúp lan tỏa lời Phật đến mọi nơi. Bên cạnh đó, các khóa tu mùa hè, các khóa Thiền, sinh hoạt cộng đồng, hội trại Phật giáo… là những mô hình gắn kết các thế hệ. Đặc biệt, việc sử dụng ngôn ngữ bản địa như tiếng Anh, Pháp, Đức trong pháp thoại sẽ giúp hoằng pháp đi sâu vào lòng người.
- Giải pháp cụ thể:
– Trước tiên, cần đào tạo đội ngũ Tăng Ni trẻ có năng lực, có tâm huyết và hạnh nguyện hoằng pháp thông thạo ngoại ngữ và có hiểu biết về văn hóa quốc tế.
– Thứ đến, cần liên kết với các hội đoàn, chùa sở tại(chú ý tranh thủ được sự ủng hộ của Tăng Ni VN đang định cư ở nước ngoài bằng tinh thần Phật giáo Dân tộc) và tổ chức Phật giáo quốc tế để mở rộng hoạt động hoằng pháp.
– Chú trọng việc chăm lo tới đời sống tâm linh, văn hóa đến cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và lao động ở các nước. Thành lập các Hội Phật tử Việt Nam, Hội những người yêu đạo Phật Việt Nam tại các nước có Kiều bào sinh sống nhằm giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ con cháu sinh ra tại các nước; hướng bà con về với cội nguồn tổ tiên, quê hương đất nước thông qua các hoạt động Phật sự có ích, các sinh hoạt văn hóa, lễ hội, công tác từ thiện xã hội…,đem lại sự đoàn kết cộng đồng, làm cho kiều bào yêu thương nhau hơn, gắn kết qua các Phật sự chung tại ngôi Chùa hay đất nước sở tại, từ đó trở thành những Phật tử trung kiên Hộ đạo và là những Phật tử nồng cốt trong vai trò Phật hóa gia đình, hướng dẫn các thế hệ con cháu của mình đến Chùa học tiếng Việt, nghe Pháp, công quả,…
Ngoài ra, với thế hệ thanh thiếu niên kiều bào hay dù ở tại Việt Nam thì việc biên soạn giáo trình Phật học đơn giản, sinh động, dễ tiếp cận sẽ giúp thế hệ trẻ dễ tiếp thu đạo lý. Những câu chuyện về Đức Phật, chư Bồ tát và các Thánh Tăng đệ tử, các câu chuyện nhân quả, về lòng Từ bi, về sự hiếu hạnh…cần phổ biến bằng song ngữ qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội để thế hệ trẻ tiếp cận Phật pháp từ từ, rồi thu hút các em và thế hệ trẻ kiều bào sẽ yêu thích về Đạo Phật và những lời dạy của Đức Phật, một giá trị tinh thần về Trí tuệ và Từ Bi, tính nhân văn và hòa bình thế giới được khẳng định từ xưa tới nay.
Có như vậy, vị sứ giả Như Lai mới có thể phát huy được vai trò Hoằng pháp trong thời đại mới.
- Vai trò kết nối của quê hương:
Phật giáo trong nước cần tích cực gửi pháp thoại, kinh sách, tổ chức các chương trình trực tuyến hướng đến kiều bào và tạo điều kiện để họ được về VN tham gia lễ hội hoặc các chương trình an sinh xã hội… Những buổi giao lưu, đối thoại Phật giáo quốc tế sẽ giúp quảng bá tinh thần đạo Phật Việt Nam. Đặc biệt, việc chăm sóc tinh thần đồng bào xa xứ chính là biểu hiện cụ thể của lòng từ bi, là nét đẹp trong công cuộc hoằng pháp dân tộc.
- Kết luận:
Hoằng pháp cho Việt kiều là công việc đầy thách thức nhưng cũng vô cùng cao quý. Đó là cách chúng ta gìn giữ văn hóa, truyền trao đạo lý và gắn kết tình quê hương trong tâm hồn những người xa xứ. Trong thời đại mới, chúng ta cần tư duy hội nhập, nhưng phải luôn giữ vững cốt lõi từ bi và trí tuệ của đạo Phật. Chỉ như vậy, công cuộc hoằng pháp mới có thể đồng hành cùng đồng bào hải ngoại trên hành trình trở về với cội nguồn tâm linh.
Nam mô Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát.
Long An, ngày 15 tháng 5 năm 2025
Hòa thượng Thích Minh Thiện.
(Phó ban Ban Hoằng Pháp TƯ.GHPGVN)