Sáng ngày 16-10, tại Văn phòng Ban Thường trực HĐTS (thiền viện Quảng Đức, Q.3, TP.HCM), TƯGH đã tổ chức Hội nghị sinh hoạt Giáo hội hướng đến Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2017-2022).
Chứng minh, tham dự có sự hiện diện của chư tôn đức giáo phẩm: HT.Thích Hiển Tu, Phó Thư ký HĐCM; HT.Thích Viên Giác, HT.Thích Giác Tường, HT.Thích Viên Minh, Thành viên HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư, cùng chư tôn đức Phó Chủ tịch HĐTS, Văn phòng HĐTS GHPGVN, ban, viện T.Ư và 34 BTS GHPGVN tỉnh, thành phía Nam.
Đại diện các bộ, ban, ngành T.Ư, TP.HCM có ông Trà Quang Thanh, Phó Vụ Trưởng Vụ Công tác tôn giáo phía Nam – Ban Tôn giáo Chính phủ; bà Nguyễn Lê Hà, đại diện Cục An ninh xã hội – Bộ Công an; ông Lê Hoàng Vân, Phó Trưởng ban Tôn giáo TP.HCM.
Phát biểu khai mạc, HT.Thích Thiện Nhơn khẳng định nhiệm kỳ VII (2012 – 2017), GHPGVN, các ban, viện T.Ư, BTS Phật giáo các tỉnh, thành, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã triển khai các hoạt động Phật sự mà Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII đề ra. TƯGH đã lập đề án và từng bước triển khai công tác tổ chức Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, với chủ đề: “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”.
“Trên tinh thần trách nhiệm, trí huệ tập thể, TƯGH trân trọng lắng nghe những phát biểu, góp ý chân tình trong phạm vi cộng đồng trách nhiệm theo từng lĩnh vực, từng địa phương để giúp cho Giáo hội bổ sung và hoàn thiện báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VII (2012 – 2017), đề ra những chủ trương, chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022), góp ý tu chỉnh một vài điểm của Hiến chương, nội dung và chương trình đại hội, làm cơ sở tiến đến Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII của GHPGVN thành công tốt đẹp”, Hòa thượng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, TT.Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS báo cáo hoạt động Phật sự của Giáo hội trong nhiệm kỳ 2012 – 2017. Theo đó, TƯGH đã thực hiện nhiều chương trình hoạt động Phật sự nổi bật trong nhiệm kỳ VII:
Tổ chức Giáo hội đã hoạt động tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, phổ biến và hướng dẫn thi hành Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ V. Hoàn thành công tác khắc, đổi con dấu theo hệ thống chuẩn quy định của quản lý hành chính quốc gia cho các ban, viện T.Ư; BTS GHPGVN cấp tỉnh, thành phố, và BTS GHPGVN cấp địa phương quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; Tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường. Tăng cường công tác quản lý Tăng Ni, tự viện trong cả nước;
Nâng cao hiệu quả hoạt động Phật sự, phát huy tính chủ động sáng tạo trong công tác Phật sự của các ban, viện T.Ư, nhất là các ban mới thành lập trong nhiệm kỳ VII.
Giáo hội đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, lễ hội Phật giáo trọng đại với nội dung hoằng pháp và hội thảo khoa học: Đại lễ kỷ niệm 50 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, hội thảo khoa học “Năm mươi năm phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam (1963 – 2013)”; Đại lễ Tưởng niệm 705 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn; Tổ chức thành công Đại lễ Vesak LHQ 2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình; Hoàn thành công trình xây dựng trụ sở TƯGH và nhiều công trình chùa có ý nghĩa như quần thể chùa tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa: các chùa ở đảo Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh; tiếp tục cử chư Tăng ra trụ trì các chùa tại các đảo Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn…
Khánh thành công trình chùa Việt Nam Quốc tự và cơ sở mới Học viện Phật giáo VN tại xã Lê Minh Xuân; khánh thành giai đoạn 1 cơ sở mới Học viện Phật giáo VN tại Huế; khởi công xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ; Tổ chức nhiều đoàn đi dự các hội nghị, hội thảo quốc tế. Các đoàn đi hoằng pháp phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài… Ngoài ra, các ban, viện T.Ư, BTS GHPGVN tỉnh thành cũng đóng góp thành tựu Phật sự trong nhiệm kỳ qua.
Cũng theo báo cáo tại hội nghị, hiện nay cả nước có 53.941 Tăng Ni với 18.466 tự viện. TƯGH đã cho phép 42/63 tỉnh thành tổ chức 71 đại giới đàn với 24.959 giới tử thọ giới; bổ nhiệm 1.925 cơ sở tự viện, công nhận 259 cơ sở tự viện mới thành lập; thành lập 46/63 Phân ban Ni giới thuộc BTS GHPGVN tỉnh, thành; Hoạt động từ thiện trong nhiệm kỳ VII đạt hơn 6.345 tỷ đồng.
Về phương hướng hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022), bản dự thảo với 9 chương trình gồm 45 điểm. Theo đó, các nội dung được đề ra nhằm phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh; Đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, trong phương thức hướng dẫn Phật tử, định hướng pháp môn tu tập phù hợp với xã hội hiện đại; Nâng cao công tác quản lý chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và tu học tại các cơ sở đào tạo Tăng Ni; Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam; Mở rộng hoạt động đối ngoại đa phương theo định hướng ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân; đẩy mạnh công tác nghiên cứu Phật học và nâng cao chất lượng học thuật Phật giáo; Tăng cường công tác giám sát, kiểm soát các hoạt động phật sự, quản lý tự viện, sinh hoạt của Tăng Ni; Đẩy mạnh truyền thông phật giáo như một kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội; Định hướng tự chủ tài chính trong các hoạt động phật sự của giáo hội qua việc xây dựng mô hình kinh tế Phật giáo ở những lĩnh vực hợp lý khuyến khích phát triển kinh tế tự túc của các cơ sở tự viện.
TT.Thích Thiện Thống, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II TƯGH đã trình bày dự thảo sửa đổi một số từ ngữ trong Hiến chương sửa đổi lần V (gồm 13 chương 71 điều). Về cơ bản dự thảo sửa đổi Hiến chương lần VI tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần VIII cơ bản không thay đổi về chương, điều của Hiến chương, nhưng sẽ điều chỉnh một số từ ngữ của một số điều trong Hiến chương để phù hợp với thực tiễn và luật tín ngưỡng tôn giáo được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ tháng 1-2018.
Chư tôn đức đã đóng góp ý thêm tại hội nghị về chương trình hoạt động nhiệm kỳ VIII và sửa đổi thêm một số từ ngữ trong Hiến chương.
Tại hội nghị, Ban Thư ký HĐTS cũng thông tin nội dung các văn kiện Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII. Theo đó, hiện nay công tác chuẩn bị được thực hiện đúng theo tiến trình Ban Tổ chức Đại hội đề ra, diễn văn khai mạc, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VII, phương hướng hoạt động nhiệm kỳ VIII, tham luận (hiện có 47 bài), dự thảo tu chỉnh Hiến chương GHPGVN lần VI, thư của Đại hội gởi Chủ tịch nước CHXHCNVN, thư gởi Tăng Ni, Phật tử VN, dự thảo nghị quyết đại hội…
Đại hội sẽ diễn ra từ ngày 19-11 đến 22-11-2017 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô (thủ đô Hà Nội), với 1.467 đại biểu chính thức. Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội: HT.Thích Thiện Nhơn; Trưởng ban Tổ chức: HT.Thích Thanh Nhiễu.
Tại hội nghị, chư tôn đức các ban: Hoằng Pháp, Văn hóa, Nghi lễ, Thông tin – Truyền thông đã báo cáo cụ thể về công tác truyền thông cho đại hội, công tác văn nghệ, triển lãm, hoằng pháp và các hoạt động nghi lễ trong Đại hội.
Chương trình văn nghệ gồm chương trình ca múa nhạc chủ đề “Việt Nam – Phật tâm ca” chào mừng đại hội tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô tối ngày 21-11; triển lãm mỹ thuật Phật giáo đương đại khai mạc ngày 19-11 tại trường Đại học Mỹ thuật (kế bên Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô). Đại hội lần này, chư tôn đức sẽ mặc đồng phục theo từng hệ phái Phật giáo do Ban Văn hóa T.Ư cúng dường.
Đúc kết hội nghị, HT.Thích Thiện Nhơn nhận xét, dự thảo chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII do Ban Nội dung, Ban Thư ký đại hội đề ra với nhiều sáng tạo, đổi mới và phù hợp với xu thế xã hội hiện đại. Việc điều chỉnh từ ngữ một của số điều trong Hiến chương không làm thay đổi về cấu trúc Hiến chương (gồm 13 chương, 71 điều).
Hòa thượng ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp của chư tôn đức tại hội nghị, Ban Thư ký đại hội, Văn phòng TƯGH sẽ tổng hợp và đưa vào chương trình hoạt động Phật sự của Giáo hội nhiệm kỳ VIII và dự thảo điều chỉnh Hiến chương cho phù hợp.