Sáng nay, vào lúc 7 giờ 30, ngày 28/ 7/ 2017 (nhằm 06/6 nhuần/Đinh Dậu), HT Thích Minh Thiện: Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Trưởng ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An, Trưởng ban Chỉ đạo An cư kiết hạ tỉnh Long An có thời pháp thoại tại hai trường hạ: tổ đình Linh Nguyên, Chùa Long Thành (huyện Đức Hòa).
Hòa thượng chia sẻ về chủ đề : “Định hướng Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Nội dung trọng tâm của thời pháp thoại hòa thượng nhấn mạnh đến những vấn đề sau:
- Với 2000 năm hiện hữu và phát triển, thời kỳ nào Phật giáo cũng đồng hành cùng dân tộc và luôn thể hiện tinh thần hộ quốc an dân.
- Hòa thượng khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời vào ngày 07 tháng 11 năm 1981 là một móc son quan trọng, là một sự kiện lịch sử vĩ đại đối với Phật giáo Việt Nam; Ngày mà các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước đã chung sức, chung lòng, nhất tâm thành lập ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây cũng là kết quả của nguyện vọng thống nhất Phật giáo cả nước của nhiều thế hệ trong lịch sử mà tiêu biểu là Giáo hội Trúc Lâm Phật hoàng Trần Nhân Tông.
- Vị trí của Phật giáo Việt Nam:
+ Phật giáo Việt Nam trong dòng lịch sử dân tộc: Hòa thượng cho biết từ khi Phật giáo du nhập, thời kỳ nào Phật giáo cũng có Tăng Ni, Phật tử góp phần hộ quốc an dân, cụ thể thời Hai bà Trưng có nhiều Ni sư tham gia khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm, sau có Ngài Khuông Việt, Vạn Hạnh…Nổi bật nhất, thời kỳ Lý, Trần Phật giáo được xem là quốc giáo. Nhiều tư tưởng Phật giáo được các vị vua ứng dụng vào việc trị nước, giúp triều đại hưng thịnh, nhân dân “an cư lạc nghiệp”.
+ Phật giáo Việt Nam thời kỳ bị đô hộ (thời kỳ thuộc địa của Pháp, Mỹ): Hòa thượng nêu gương sáng của vua Minh Mạng và nhiều vị danh tăng khác lúc nào cũng ủng hộ Phật giáo.
Sau năm 1954, Việt Nam bị chia cắt, miền Nam do chế độ Ngô Đình Diệm thống trị, luôn tìm cách bức hại Phật giáo. Vì vậy, năm 1963 bồ tát Thích Quảng Đức “vị pháp thiêu thân”, tạo tiếng vang lớn trên thế giới.
+ Phật giáo Việt Nam thời kỳ thống nhất dân tộc: thời kỳ này dưới sự lãnh đạo tổ Khánh Hòa cùng Chư Tôn giáo phẩm ba miền, Phật giáo Việt Nam bắt đầu được chấn hưng. Ba miền Nam, Trung, Bắc đều có nhiều Hội, Trường Phật giáo ra đời để đào tạo Tăng Ni, xiển dương Phật giáo. Sau năm 1975, Đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, tạo tiền đề để Phật giáo Việt Nam thống nhất vào ngày 11 tháng 7 năm 1981.
Từ khi thành lập cho đến nay, mọi phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều định hướng theo phương châm: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội. Đó là thể hiện tinh thần khế lý và khế cơ của Phật giáo, uyển chuyển trong pháp phương tiện. Giáo hội hoạt động trên nguyên tắc thống nhất tổ chức và hành động, tuy nhiên vẫn tôn trọng sinh hoạt hệ phái và biệt truyền. Giáo hội điều động mọi hoạt động luôn tôn trọng và tuân thủ luật Phật chế và pháp luật nhà nước.
Thành quả sau 35 năm thành lập, Giáo hội đã có rất nhiều thành tựu nổi bậc về nhiều lãnh vực và tạo nền tảng để phát triển xa rộng hơn.