Sáng hôm nay 7/1/2018, ngày thứ sáu của Khoá Tập Huấn Truyền Thông Phật Giáo – Nghiệp Vụ Thư Ký tại Hội trường chùa Phật Quang (Tp Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang), đã có buổi pháp thoại chia sẽ của HT Thích Minh Thiện UV HĐTS, Phó trưởng Ban Hoằng Pháp TW, Trưởng Giảng sư đoàn, Trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Long An, với chủ đề Hoằng Pháp với Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội.
Tại buổi chia sẽ HT đã nhắc đến lời Phật dạy cách đây hơn 2.500 năm: “Hãy ra đi, này các Tỳ Kheo, đem sự tốt đẹp lại cho nhiều người, đem hạnh phúc đến nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc lại cho chư Thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngã. Này hỡi các Tỳ Kheo, hãy hoằng dương Giáo Pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối cùng, toàn hảo trong cả hai, tinh thần và văn tự. Hãy công bố đời sống thiêng liên cao thượng, vừa toàn thiện, vừa trong sạch”. Trích trong Kinh Mahavagga (Đại phẩm), trang 19 – 20. Truyền thông Phật giáo lúc bấy giờ dùng lời nói và cử chỉ nhẹ nhàng, hình ảnh Tăng đoàn trang nghiêm để đưa giáo pháp đến với mọi người. Trong xã hội hiện đại ngày nay, HT nói đến tầm quan trọng của truyền thông trong đạo Phật để có những kế hoạch, định hướng phát triển truyền tải Phật pháp đến với mọi người.
Hòa thượng nhấn mạnh nhiệm vụ của thông tin, truyền thông: Hộ trì Chính Pháp, bảo vệ Giáo hội. Kiểm soát và loại bỏ các thông tin truyền thông không chính thống, thông tin bôi nhọ, làm xấu hình ảnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của chư Tăng Ni, Phật tử và làm sai lệch giáo lý, tôn chỉ của đạo Phật. Thực hiện truyền bá Chính Pháp thông qua việc ca ngợi văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung và đạo Phật nói riêng, hướng Phật tử và đạo hữu cũng như toàn thể đồng bào cùng đến với chân, thiện, mỹ, góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong toàn xã hội. thực hiện kết nối giữa giáo hội với các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao vai trò của Phật giáo trong đời sống nhân dân, hộ trì chánh pháp.
Bên cạnh đó Hòa thượng còn chia sẽ những mặt lợi ích và hạn chế của việc sử dụng truyền thông trong công tác Phật giáo, nếu được kiểm soát một cách chặt chẽ, logic và khoa học thì chắc chắn sẽ đem lại kết quả rất cao, và nếu ngược lại thì hậu quả rất là khó lường.
Cuối thời pháp thoại Hòa thượng nhắc nhở một điều rằng với dòng chảy của xã hội ở thế kỷ 21 này, Phật giáo cũng không nằm ngoài dòng chảy đó, nên việc làm thế nào để được lợi ích hoàn hảo như lời Phật dạy đó là nhiệm vu thiêng liêng của một người tu sĩ Phật giáo.
Tin & ảnh: Trung Long – Huệ Thông