Sáng ngày 28 tháng 8 năm 2022 (nhằm ngày mùng 2/8/Nhâm Dần), tại Chùa Thiền Tông, xã Tân Hoà, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, Thượng tọa Thích Lệ Thông – UV BTS GHPGVN tỉnh Long An, Phó ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Long An, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN huyện Tân Thạnh, trụ trì chùa Thiền Tông cùng chư Tăng và Phật tử bổn tự long trọng tổ chức Lễ Khánh Thành Chánh Điện sau hơn 9 năm xây dựng.
Quang lâm về chứng minh và tham dự buổi lễ có: Hoà thượng Thích Huệ Hồng, Hoà thượng Thích Quảng Ý -đồng chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Long An; Hoà thượng Thích Minh Thiện: Uỷ viên HĐTS, Phó ban Hoằng pháp TW, Trưởng ban Trị sự GHPVN tỉnh; Hoà thượng Thích Thanh Sơn – Chứng minh BTS GHPGVN quận Tân Bình (TP.HCM); chư vị Phó Trưởng ban Trị sự GHPVN tỉnh Long An: Thượng toạ Thích Đức Hoàng, Thượng toạ Thích Lệ Trí, Đại đức Thích Lệ Ngôn; Đại đức Thích Lệ Duyên; Thượng toạ Thích Lệ Tấn – Uỷ viên Ban Thường trực GHPGVN tỉnh, Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Tân Thạnh và quý Tôn đức Ban Thường trực GHPGVN tỉnh Long An, huyện Tân Thạnh, TP. Tân An, huyện Đức Hoà, Châu Thành, Thủ Thừa, Thạnh Hoá; Chư tôn đức Tăng ni trụ trì các tự viện cũng đồng về tham dự.
Về phía các cấp lãnh đạo chính quyền có: ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Trưởng phòng Dân tộc Tôn giáo Phong trào UB MTTQVN tỉnh Long An; bà Nguyễn Thị Bé Ngoan – nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Thạnh; ông Nguyễn Xuân Thắm – nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Thạnh; ông Nguyễn Văn Chung – Chủ tịch UB MTTQVN huyện Tân Thạnh; ông Hà Thanh Chì – Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh, ông Huỳnh Thanh Sang – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hoà cùng các vị lãnh đạo và nguyên lãnh đạo huyện Tân Thạnh, xã Tân Hoà.
Về phía tôn giáo bạn có sự hiện diện của: Lễ sanh Thái Biết Thanh – Cai quản Thánh Thất Hậu Thạnh Đông, Lễ sanh Thượng Hợp Thanh – Cai quản Thánh Thất Tân Lập.
Chùa Thiền Tông hiện tọa lạc tại số 70 ấp Tây Bắc, xã Tân Hoà, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Chùa được thành lập vào khoảng năm 1900 do Hòa Thượng Thích Nhựt Tri, (tịch Canh Thìn) khai sáng trên khu đất 10 hecta do cụ Ông Phật tử Lê Văn Thiền gọi là hội đồng Thiền) và Vợ là bà Nguyễn Thị Ba hiến cúng. Ngôi chùa được xây dựng bằng gỗ khá kiên cố, lấy tên là chùa Kim Hòa. (Kim là xã Kim Sơn, nơi ở của cụ ông Lê Văn Thiền, tỉnh Tiền Giang. Hòa là xã Tân Hòa của tỉnh Long An). Ngôi chùa sinh hoạt cho đến khoảng giữa năm 1931, thì bị lính Pháp dở để làm đồn cho lính. Sau đó, người dân dựng lại bằng tre lá tạm bợ. Đến năm 1944, Hòa thượng Thích Nhựt Lợi, người gốc ở Tiền Giang vào trụ trì chùa Thiền Tông, mở lớp Nho giáo dạy cho hơn 60 học trò. Đến năm 1966 thì ngôi chùa bị chiến tranh tàn phá, lớp học giải tán. Từ đó bà con Phật tử trong vùng dựng lại bằng tre lá đơn sơ để sinh hoạt. Đến năm 1992, Thượng tọa Thích Thiện Phước về trụ trì, xây dựng lại bằng vách tường, mái lộp tôn.
Sau hơn 100 năm, chùa Thiền Tông qua 4 đời trụ trì:
- Hòa thượng Thích Nhựt Lợi
- Hòa thượng Thích Nhựt Tri
- Thượng tọa Thích Thiện Phước
- Thượng tọa Thích Lệ Thông
Qua nhiều lần sửa chữa, vào năm 2013, nhận thấy chánh điện đã xuống cấp, không đáp ứng toàn cho sự sinh hoạt của chư Tăng và Phật tử, được sự cho phép của các cơ quan hữu quan, Thượng tọa trụ trì đã phát tâm xây dựng lại ngôi chánh điện được khang trang như ngày hôm nay. Chứng minh Ban Xây dựng cung thỉnh Hòa thượng Thích Quảng Ý, Thượng tọa Thích Lệ Tấn, Ban Xây dựng gồm 4 thành viên do Thượng tọa Thích Lệ Thông làm trưởng ban. Sau 9 năm thi công, đến nay hạn mục chánh điện đã hòa thành với tổng kinh phí xây dựng là 9.5 tỷ đồng và hiện còn phải chi trả là 500 triệu đồng.
Buổi lễ được lắng nghe lời phát biểu của ông Huỳnh Thanh Sang – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hoà tỏ lòng hoan hỷ đối với sự thành tựu xây dựng ngôi cổ tự, góp phần thêm công trình giá trị cho địa phương. Giá trị ngôi chùa trong xã hội đã góp phần phát huy những giá trị quý báu của văn hoá và là nơi quy tụ của quần chúng Phật tử để rèn luyện đạo đức, nhân cách theo giáo lý Đức Phật. Hoạt động của thầy trụ trì ở đây cũng được ghi nhận và khuyến khích phát huy hơn nữa.
Đạo từ cho buổi lễ, Hoà thượng Thích Minh Thiện tán thán tâm hạnh và công đức của Thượng toạ Trụ trì đã sử dụng những đóng góp của tín thí một cách hiệu quả, luôn tiết kiệm, tự thân làm thầy làm thợ để đở đần chi phí xây dựng. Với trình độ học tập và vai trò trong Giáo hội, Thượng toạ đã tạo nên công đức trong các hoạt động Phật sự và xã hội, Hòa thượng tin tưởng nơi đây sẽ còn phát triển hơn nữa sau khi có ngôi chánh điện uy nghiêm này. Hoà thượng đã nhắc lại công hạnh của chư vị tiền bối hữu công với chùa Thiền Tông. Ngài tuyên dương công đức của Hoà thượng Thích Quảng Ý cùng Thượng toạ Thích Lệ Tấn đã khích lệ 5 vị tuổi rất trẻ vào năm 1992 vào xuất gia và nhập học khoá I (1992-1998) Trường Trung cấp Phật Long An (chùa Thiên Khánh) để hôm nay có những vị tăng tài cống hiến cho đạo pháp dân tộc như: TT. Thích Lệ Thông, TT. Thích Lệ Trí và 2 vị Tiến sĩ là ĐĐ. Thích Lệ Ngôn và ĐĐ. Thích Lệ Duyên đang tích cực đóng góp cho Giáo hội tỉnh nhà và lãnh đạo Phật giáo các huyện, thị, thành phố. Hoà thượng mong muốn chính quyền địa phương luôn quan tâm, giúp đỡ chùa Thiền Tông và các chùa khác bảo quản đất đai để phát triển và hoạt động.
Buổi lễ đón nhận nhiều khánh vàng, phần quà từ phái chư tôn đức: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An; Ban Trị sự GHPGVN các huyện Đức Hòa, Thủ Thừa, Tân Thạnh, Châu Thành,… Cựu Tăng ni sinh Khóa II Cao đẳng Phật học TPHCM, Cựu Tăng ni sinh Khóa I TCPH Long An, chư tăng ni các tự viện, lãnh đạo chính quyền huyện Tân Thạnh, xã Tân Hòa,….
Sau nghi thức hành chính, Chư tôn đức quang lâm chánh điện cắt băng khánh thành và thực hiện nghi thức an vị Phật.
Buổi lễ kết thúc trong không khí trang nghiêm và niềm hoan hỉ của toàn thể đại chúng.