Sáng ngày, 9-7, tại Pháp viện Minh Đăng Quang (TP.HCM), Hội thảo khoa học quốc tế “Vùng ASEAN và Nam Á: Nơi giao hòa của văn hóa và Phật giáo ở Đông Nam Á” đã trọng thể khai mạc.
Hội thảo do Hiệp hội nghiên cứu Tôn giáo và văn hoá Nam Á và Đông Nam Á và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đồng tổ chức.
HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; GS.TS Amarjiva Lochan, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Tôn giáo và văn hoá Nam Á và Đông Nam Á đã chủ trì Hội thảo với sự dự của gần 500 đại biểu là chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam; các học giả Phật giáo ASEAN và thế giới; nhà nghiên cứu, các học giả, các nhân sĩ trí thức Phật giáo trong nước.
Ông Trần Tấn Hùng, Phó ban Tôn giáo Chính phủ cùng lãnh đạo các cơ quan trung ương, TP.HCM cũng đến dự và chúc mừng.
Đại biểu đến từ tỉnh Long An gồm có: HT Thích Minh Thiện – UV HĐTS, Phó ban Hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Long An; ĐĐ Thích Lệ Ngôn – UV TT BTS GHPGVN tỉnh Long An, Phó văn phòng HVPGVN tại TpHCM; ĐĐ Thích Lệ Duyên – UV TT BTS GHPGVN tỉnh Long An, giáo thọ trường TCPH Long An; ĐĐ Thích An Khang – UV BTS GHPGVN tỉnh Long An cùng Chư tôn đức nhân sĩ trí thức tham dự.
Sau lời chào mừng của TT.Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam để giới thiệu tổng quan về công tác chuẩn bị và tổ chức hội thảo từ phía Việt Nam, tính kết nối quốc tế qua sự kiện này, HT.Thích Trí Quảng đã phát biểu khai mạc, cho rằng Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin, và bằng nhiều cách, trở thành lời hiệu triệu cho hành động kêu gọi lãnh đạo dân sự của thế giới cần thống nhất và cùng nhau nhập thế, chỉ điểm và điều trị các vấn nạn xã hội của thời đại này. Đây cũng là dịp để mời gọi sự tranh biện và tư duy cần thiết, nhằm bồi dưỡng các hành động hướng đến sự thành tựu các mục tiêu phát triển của nhân loại.
“Như một chân lý được ghi nhận rằng các dị biệt về tôn giáo và văn hoá cần được tiếp cận một cách đặc thù. Thông qua các tham luận trong hội thảo này, chúng ta khám phá sự dị biệt tôn giáo và văn hoá trên toàn cầu, và cách thức, trong mỗi nền văn hoá, sự bất bình đẳng giới có thể và nên được tiếp cận cũng như cần thay đổi ngày càng tích cực hơn. Các chương trình giáo dục của cộng đồng bản địa là một trong vô số cách thức để đạt được điều này và cung ứng không gian cũng như các lớp và tài liệu giáo dục, trở nên quan trọng trong việc gây ảnh hưởng phát triển tích cực” – HT.Thích Trí Quảng nhận định.
Trong lời phát biểu khai mạc, HT.Thích Trí Quảng cũng khẳng định không có hoà bình sẽ không có phát triển và tiến bộ đích thực. Chiến tranh và các xung đột bạo lực khắp thế giới đã tạo ra các khổ đau bất tận trong lịch sử quá khứ và tiếp tục đe doạ sự hiện hữu hoà bình của nhân loại. Theo đó, nhân loại cần nhấn mạnh một cách có ý nghĩa, xây dựng hoà bình và sự phục hồi hậu xung đột. Trong thế giới đẫm lệ bởi xung đột, mâu thuẫn và đe doạ tiềm tàng của chủ nghĩa khủng bố, cũng như các bạo lực dân tộc đã ảnh hưởng đến xã hội và cá nhân thì việc xây dựng nền hoà bình bền vững đã trở thành thách thức toàn cầu nghiêm trọng.
Từ thực trạng đó, HT.Thích Trí Quảng cho biết các nghiên cứu học thuật Phật giáo đã cung cấp các tuệ giác vào tâm cũng như sự phát triển của nó thông qua giáo dục. Với sự nhấn mạnh “sự vật trong chính nó”, Phật giáo chỉ ra con đường, phương tiện tập thể và cá nhân khảo cứu về tâm và các điều kiện phát sinh vô giá trong thế giới hỗn loạn ngày nay.
“Theo cách này, giới trẻ sẽ hướng đến trí tuệ hơn là kiến thức đơn thuần và tìm ra cách làm việc cùng nhau trong các thiết chế đồng sáng tạo, hoà hợp, dựa trên tâm từ bi, thay vì lòng tham. Với động cơ, thiền quán và sự nhấn mạnh về phương tiện quyền xảo, Phật giáo tìm ra các hình thái phá huỷ vô minh và mở ra các viễn cảnh mới cho học thuật tích cực” – HT.Thích Trí Quảng thông tin.
Từ nhu cầu trên, Hòa thượng đứng đầu Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đề nghị toàn thể đại biểu hãy trao đổi thật chi tiết, thấu tình đạt lý để các tư tưởng cao quý trở thành ánh sáng dẫn dắt thế giới, xoá đi vô minh trong tâm trí mỗi người, mang sự phát triển đến với khả năng bền vững vì nhân loại, và quan trọng hơn, vì hoà hợp và hoà bình trên thế giới này. Cuối bài phát biểu, HT.Thích Trí Quảng tin tưởng Hội thảo này sẽ truyền cảm hứng cho các hành động tích cực vì nhân sinh.
Phát biểu tại Hội thảo với tư cách đồng Trưởng ban Tổ chức, GS.TS Amarjiva Lochan, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Tôn giáo và văn hoá Nam Á và Đông Nam Á (SSEASR) thể hiện niềm vui khi được hiện diện tại đất nước Việt Nam và thành kính tri ân HT.Thích Trí Quảng cùng chư tôn giáo phẩm lãnh đạo GHPGVN, các cơ quan hữu quan đã chấp thuận và hỗ trợ cho việc tổ chức hội thảo này.
Dịp này, ông chào mừng sự hiện diện của tất cả đại biểu, học giả, các vị khách quý của SSEASR và từ các cơ quan ngoại giao đến với hội thảo.
“Xin hãy thưởng lãm không chỉ lòng hiếu khách lịch thiệp của các bạn Việt Nam mà từ đó mở ra nhiều điều hay đẹp khác như thẻ sim viễn thông 3G không giới hạn, đồng thời thưởng ngoạn cảnh đẹp, ẩm thực đã được đơn vị đăng cai chuẩn bị” – ông Amarjiva Lochan đề nghị.
Trong phiên khai mạc, quý đại biểu còn nghe phát biểu của HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; phát biểu của ông Tim Jensen, Chủ tịch Hiệp hội Tôn giáo quốc tế.
Ban tổ chức đón nhận nhiều lẵng hoa và phần quà được gởi đến chúc mừng từ các cơ quan, ban ngành trong và ngoài nước.
Sau phiên khai mạc, toàn thể đại biểu đã tham gia thảo luận tại 5 nhóm chuyên đề với 19 diễn đàn tiếng Anh và 6 diễn đàn tiếng Việt khám phá về sự nghiên cứu tôn giáo tại Nam Á và Đông Nam Á.
Hội thảo sẽ kết thúc và bế mạc vào ngày 11-7. Sau đó đại biểu quốc tế sẽ được đưa đi tham quan một số thắng cảnh của Việt Nam.
PHIÊN THỨ HAI