Khóa lễ này có hai mục đích: Một là khiển trừ những chướng ngại không mong muốn như bị yểm bùa, nguyền rủa, bệnh tật hiểm nghèo, hãm hại từ long thần, quỷ thần hoặc gặp những chướng họa, những điều không may mắn, dịch bệnh, hay các mâu thuẫn pháp lý, dính mắc vào mâu thuẫn giữa chư thiên và quỷ thần. Hai là tiêu trừ các tội nặng như phá Tam-muội-da giới, Ngũ nghịch trọng tội cũng có thể được khiển trừ trong khóa lễ này.
Nhưng điều khiến tôi băn khoăn là trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật nói về ngũ nghịch tội sẽ “đưa đến đọa xứ, đưa đến địa ngục, không thể chữa trị”. Xin cho biết quan điểm của quý Báo về vấn đến này.
(QUẢNG PHÁP, nguyentammedic@gmail.com)
Một khóa lễ theo Kim Cương thừa – Ảnh minh họa
ĐÁP: Bạn Quảng Pháp thân mến!
Kinh Tăng chi bộ có ghi lời dạy của Thế Tôn, bất cứ ai đã tạo năm trọng tội đại nghịch thì chắc chắn chịu quả báo địa ngục, không thể chữa trị. Lời dạy này của Đức Phật hiện được bảo tồn trong Kinh tạng Pàli, được xem là văn bản cổ xưa, nguyên thủy, gần với thời Đức Phật nhất.
Giáo điển Mật thừa thuộc Phật giáo Phát triển, xuất hiện muộn hơn rất nhiều thế kỷ so với Kinh tạng Pàli, và dĩ nhiên có nhiều điều khác biệt. Theo các nhà nghiên cứu Phật học, nếu cùng một vấn đề mà quan điểm khác nhau (như tội ngũ nghịch [Mật thừa] nói có thể khiển trừ, [Kinh tạng Pàli] nói không thể chữa trị) thì người nghiên cứu hay học Phật cần chuẩn theo quan điểm nào gần với thời Đức Phật nhất, vì độ khả tín về văn bản cao hơn.
Mặt khác, chỉ một khóa lễ hay nghi quỹ (tantra) mà trừ được tất cả mọi chướng ngại, kể cả trọng tội ngũ nghịch là điều rất xa lạ đối với Chánh pháp, bởi phi nhân-duyên-quả, đậm sắc thái quyền năng, mê tín. Những người học Phật chân chính cần tin hiểu và thực hành theo Bát Thánh đạo, quyết không bị lạc dẫn bởi những luận thuyết tà kiến kiểu “ngon, bổ, rẻ” như đã nêu.
Chúc các bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn