Hỏi: Kính thưa thầy, mặc dù con chưa chánh thức quy y Tam bảo để trở thành người Phật tử, nhưng hằng ngày con vẫn lo tu niệm không làm điều gì sái quấy tội lỗi. Hơn nữa, con tuy ở nhà không có đi chùa, nhưng vẫn thường niệm Phật. Như vậy, không biết khi lâm chung con có được vãng sanh về Cực lạc hay không? Xin thầy vui lòng giải đáp cho con biết.
Đáp: Việc niệm Phật cầu vãng sanh Cực lạc, không luận là quy y hay không quy y. Và cũng không luận là ở chùa hay ở nhà. Bất cứ dưới hình thức nào và bất cứ ở nơi đâu cũng có thể tu hành niệm Phật được cả. Điều quan trọng là chúng ta có thật tâm chí thành tu hành và niệm Phật hay không mà thôi. Tuy nhiên, dù sao quy y Tam bảo cũng vẫn là điều tốt hơn. Vì sao? Vì chúng ta có chỗ quy hướng để nương tựa tu học. Nhờ có quy y phát nguyện giữ giới đúng theo lời Phật dạy, nên chúng ta ít gây ra những điều tội lỗi sái quấy. Đó cũng là một trợ duyên tăng thượng rất tốt làm tăng thêm sức định tâm trong khi chúng ta hành trì niệm Phật. Quy y là để chúng ta nương tựa vào Tam bảo để học hỏi biết rõ đường lối tu hành, chớ không phải quy y cốt để cho mình trở nên một người Phật tử mang danh nghĩa rỗng suông. Nếu hiểu nghĩa quy y theo quan niệm như thế, thì thật là trái với ý nghĩa quy y và không xứng danh là người Phật tử.
Trường hợp của đạo hữu, tuy đạo hữu chưa đủ nhân duyên quy y Tam bảo, nhưng đạo hữu vẫn tin tưởng và chọn cho mình một pháp môn tu theo Phật giáo, điều đó thật là quý giá. Điều quý giá hơn nữa là, đạo hữu lại chọn cho mình một pháp môn niệm Phật thù thắng để chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sanh Cực lạc. Việc tin tưởng hành trì nầy đủ chứng minh rằng, đời trước đạo hữu đã từng gieo chủng duyên sâu dầy với pháp môn niệm Phật, nên nay, đạo hữu mới có được duyên lành như thế. Nếu đời trước đạo hữu không có duyên lành trồng sâu với pháp môn Tịnh độ, thì làm sao đời nay đạo hữu lại phát tâm niệm Phật như thế?
Tuy nhiên, trong khi hành trì niệm Phật thì đạo hữu lại đâm ra nghi ngờ bán tín bán nghi. Nghi rằng, mình chưa có quy y Tam bảo mà niệm Phật như thế, thì không biết khi chết mình có được vãng sanh hay không? Nghĩa là không biết đức Phật A Di Đà và các vị Bồ tát có chiếu cố phóng quang tiếp rước mình trong giờ phút lâm chung hay không? Điều nghi ngờ nầy, xét ra tuy cũng có lý, nhưng xin đạo hữu đừng có lo ngại. Chỉ cần đạo hữu quyết tâm một lòng chí thành tha thiết niệm Phật và nhất là phải niệm Phật cho đúng cách theo lời Phật Tổ chỉ dạy, thì tôi tin chắc rằng, đức Phật Di Đà cũng như các hàng Thánh chúng sẽ không bao giờ bỏ sót đạo hữu đâu. Vì đó là bản nguyện tiếp dẫn độ sanh của các Ngài. Đạo hữu cứ yên tâm xin chớ có nghi ngờ lo sợ. Vì nghi ngờ, đó cũng là một chướng ngại rất lớn cho việc vãng sanh.
Điều quan yếu của việc niệm Phật là phải bền lâu. Bởi thế, nên Tổ sư có dạy: “Niệm Phật không khó, mà khó ở bền lâu, bền lâu không khó mà khó ở nơi nhất tâm”. Ngài Ngẫu Ích Đại Sư là vị tổ thứ 9 bên Liên Tông có dạy: “Pháp môn niệm Phật không chi kỳ lạ, chỉ tin sâu, nguyện thiết, gắng sức thật hành mà thôi. Điều cần yếu là tin cho thấu đáo, giữ cho bền lâu, một lòng chuyên niệm, mỗi ngày đêm hoặc mười muôn, ba muôn, hay năm muôn câu, lấy số quyết định không thiếu làm lệ. Hành trì như thế trọn một đời, thề không thay đổi, nếu không vãng sanh, thì chư Phật ba đời thành ra nói dối. Khi được vãng sanh, tất không còn bị thối chuyển, bao nhiêu pháp môn đều được hiện tiền. Rất kỵ tâm không thường hằng, nay vầy mai khác, thấy ai nói pháp chi huyền diệu liền xu hướng theo, thì không môn nào thành tựu. Đâu biết một câu A Di Đà niệm được thuần thục, thì ba tạng mười hai phần kinh những giáo lý cực tắc đều ở trong đó; một ngàn bảy trăm công án, đường lối hướng thượng đều ở trong đó; ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, ba tụ tịnh giới cũng ở trong đó”.
Niệm Phật tối kỵ nhất là tâm loạn tưởng lăng xăng phan duyên theo trần cảnh. Cần phải buông bỏ hết muôn duyên, chỉ giữ tâm cho thật yên lặng. Nên nhớ niệm Phật là phải tâm niệm chớ không phải chỉ có khẩu niệm suông không thôi. Tâm và tiếng phải hiệp khắn nhau và niệm mỗi câu, mỗi chữ phải cho rành rẽ rõ ràng. Có thế, thì việc niệm Phật mới có kết quả tốt đẹp.
Tôi thành thật khuyên đạo hữu nên tìm các kinh sách hay băng giảng do Phật, Tổ cũng như chư Tôn Đức chuyên sâu giảng giải về pháp môn niệm Phật. Có thế, thì việc hành trì niệm Phật của đạo hữu mới không bị sai lệch. Và như thế, thì việc cầu vãng sanh của mình mới có phần bảo đảm vững chắc hơn.
Còn việc quy y hay không quy y, đi chùa hay ở nhà, điều đó còn tùy thuộc vào căn duyên biệt nghiệp và hoàn cảnh của mỗi người. Nếu như đạo hữu đã có lòng tin tưởng tu hành niệm Phật như thế, mà vẫn còn lo nghĩ nghi ngờ, theo tôi, thì tốt hơn hết là đạo hữu nên quy y Tam bảo. Vì sau khi quy y Tam bảo, thì tín tâm của đạo hữu lại càng kiên cố vững chắc hơn. Đồng thời việc cầu nguyện vãng sanh của đạo hữu cũng được tăng trưởng niệm lực tha thiết hơn. Vì lúc đó đạo hữu sẽ không còn lo sợ hoài nghi như hiện nay nữa. Như thế thì thật là lợi lạc biết bao nhiêu! Đây chỉ là lời khuyên chân thành của chúng tôi thôi, chớ tuyệt nhiên chúng tôi không dám có cái ý là muốn buộc đạo hữu phải quy y đâu. Vì chúng tôi rất tôn trọng niềm tin và sự chọn lựa quyết định của mọi người. Nhất là vấn đề niềm tin tôn giáo. Mong đạo hữu hiểu và thông cảm cho.
Kính chúc đạo hữu tín tâm kiên cố, tịnh nghiệp tinh chuyên và chóng đạt thành sở nguyện.