Hỏi:
Ngài Diên Thọ nói “không tu thiền mà tu Tịnh độ, một vạn người thì một vạn người về Tây phương thấy đức Phật A Di Đà được khai ngộ”. Xin Thầy giảng giải?
Đáp:
Có bài kệ nói:
Muôn người tuTịnh độ,
Thì muôn người thành tựu.
Tu thiền không Tịnh độ,
Mười người, chín người sai.
Tu thiền tu Tịnh độ,
Như con cọp thêm sừng.
Không thiền không Tịnh độ,
Phải chìm đắm muôn người.
Người tu Tịnh độ thường lấy bài kệ này cho là của ngài Vĩnh Minh để dẫn chứng. Sự thật, ngài Vĩnh Minh là tổ thứ 3 tông Pháp Nhãn của Thiền tông, đệ tử của ngài Vĩnh Minh có truyền đến Đại Hàn, bây giờ vẫn còn. Ở Trung Quốc, hiện nay chỉ còn tông Lâm Tế và tông Tào động; tông Pháp Nhãn đã thất truyền.
Ngài Hư Vân là người kiến tánh gần đây, ngài nói “tìm hết tất cả tác phẩm của ngài Vĩnh Minh không thấy bài kệ này”. Bài kệ này tự mâu thuẩn, Tại sao? Tu thiền mười người, chín người sai, mà tu Tịnh độ muôn người muôn người được. Muôn người muôn người được là tốt nhất, không sánh bằng. Tại sao còn đem thiền vô làm mất chín ngàn, chỉ còn lại một ngàn. Vậy, phải mâu thuẩn không? Chính bài kệ đã tự mâu thuần.
Sự thật, ngài Vĩnh Minh không có làm bài kệ này, vì ngài đã kiến tánh không thể làm bài kệ mâu thuẩn. Đó là người đời sau làm ra bài kệ này làm oan cho ngài Vĩnh Minh. Tông Tịnh độ sáng lập từ Trung Quốc, sơ tổ là Huệ Viễn đời nhà Tấn truyền đến Trung Hoa Dân Quốc, mấy chục năm trước tổ thứ 13 là Ấn Quang, ngài có tác phẩm Ấn Quang Văn Sao có dạy đường lối thực hành rõ ràng, nhưng những người dạy và tu Tịnh độ không biết.
Trong đó có ba thứ tin, hai thứ nguyện và hai thứ hành. Mình pháp môn nào phải đúng tông chỉ của pháp môn đó mới được thành tựu, nếu tu không đúng làm sao thành tựu? Cho nên, ngài Ấn Quang không cho người tu Tịnh độ coi các kinh khác, chỉ được coi 3 thứ kinh của Tịnh độ (kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà). Kinh A Di Đà phổ biến, nhiều chùa thường tụng; kinh Quán Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Thọ ít người biết, mà lại coi những sách thiền.
Tôi dạy Tổ sư thiền cho người ta hỏi tự do, nên tất cả tôi phải biết; nếu tôi không biết thì người ta khó tin. Tất cả ở trong bản tâm đều đầy đủ, không có cái nào thiếu sót. Những cái không có ở trong kinh, mặc dù tôi không có coi kinh nhiều, chỉ hoằng Thiền tông nhưng các tông phái khác, mà các vị hỏi tôi đều trả lời được; ngoài ra Mật tông tôi không thể nói, vì Mật tông là bí mật truyền thọ.
Như quý vị dùng cái tách này nhờ tôi giảng thiền thì tôi giảng thiền, nhờ tôi giảng Thiên thai thì tôi giảng Thiên thai, nhờ tôi giảng Hiền thủ thì tôi giảng Hiền thủ, nhờ tôi giảng Duy thức thì tôi giảng Duy thức, nhờ tôi giảng cái nào thì tôi giảng được. Vì ở nơi tự tánh mình sẵn có, không phải do học mới có, tất cả đều đầy đủ. Do tâm mình chấp thật (có sở trụ) nên không hiện ra cái dụng. Bản tâm mình là vô sở trụ, có hoạt bát vạn năng.
Như cái tay dụ cho tự tánh hoạt bát vạn năng lấy cái máy, cái tách, cái dĩa… đều được. Nếu có sở trụ, như cái tay trụ cái tách thì dụng bị đánh mất, không còn hoạt bát vạn năng, nên lấy cái gì cũng không được. Tay cần buông cái tách thì khôi phục hoạt bát vạn năng, nên lấy cái nào cũng được.
Cái tách này là pháp có, nhưng tay tự làm nắm tay, trong tay không có thứ gì; nhưng cái dụng cũng bị mất, nên lấy cái gì cũng không được. Cho nên cái không này cũng phải quét thì tay được hoạt bát vạn năng. Được hoạt bát vạn năng là do vô sở trụ, khi Lục Tổ nghe Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” liền ngộ triệt để.
Ưng vô sở trụ là bản thể, sanh kỳ tâm là cái dụng; bản thể không có sở trụ nên dụng hoạt bát vạn năng, nếu có sở trụ thì bị mắc kẹt. Mặc dù trụ có cũng bị mắc kẹt, trụ không cũng bị mắc kẹt; bất cứ trụ Bồ tát hay trụ Phật cũng đều bị mắc kẹt. Vì vậy, Pháp Bảo Đàn nói “lấy vô trụ làm gốc”, kinh Duy Cật nói “từ gốc vô trụ lập tất cả pháp”. Chư Phật chư Tổ đều phá chấp thật của mình, vì chấp thật là có sở trụ làm mất cái dụng.
Bát Nhã Tâm Kinh nói “vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý” là quét lục căn; “vô sắc, thinh, vị, xúc, pháp” là quét lục trần; “vô nhãn thức cho đến ý thức giới” là quét lục thức; “vô khổ, tập, diệt, đạo” là Tứ Diệu Đế; “vô vô minh diệc vô vô minh tận, cho đến vô lão tử diệc vô lão tử tận” là quét Thập Nhị Nhân Duyên; “vô trí diệc vô đắc” là quét trí huệ của Bồ tát; “xa lìa điên đảo cứu kính Niết bàn” là quét luôn cứu kính Niết bàn.
Tất cả quét sạch mới được thành tựu Bồ đề (thành Phật), có cái dụng vô lượng vô biên. Mình theo đó thực hành, quét từ tri kiến phàm phu, tri kiến Tiểu thừa, tri kiến Đại thừa và tri kiến Phật thì chính thức thành Phật.