“Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
Nghĩa tôn sư muôn kiếp khó đáp đền”
Trên tinh thần Tôn sư trọng đạo, sáng nay, ngày 18/08/2021 ( nhằm ngày 11/07/ Tân Sửu) chùa Thiên Châu, số 101, Đường Huỳnh Văn Nhứt, Phường 3, TP. Tân An, tỉnh Long An trang nghiêm tổ chức tưởng niệm lễ Huý Kỵ Tổ Sư thượng Huệ hạ Đăng lần thứ 69.
Do tình hình giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, nên môn hạ Chùa Thiên Châu, phường 3, Tp. Tân An, tỉnh Long An không thể trở về chốn Tổ để lễ bái nhân ngày Huý Kỵ. Vì vậy Hoà thượng Thích Minh Thiện- Uỷ viên HĐTSTƯ, Phó Ban Hoằng pháp trung ương, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An, Phó Ban Thừa kế Tông Thiên Thai Thiền Giáo Tông , trụ trì Chùa Thiên Châu và chư tăng nơi Đạo Tràng, cùng nhau nhất tâm kính lễ hướng vọng về Tổ Đình Thiên Thai tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, đốt nén tâm hương, cơm canh trà quả kính dâng cúng dường Tổ Sư.
Tại buổi Chư tôn đức bạch Phật khai kinh, đảnh lễ cung tiến Giác linh Tổ sư. Đại chúng nhất tâm cầu nguyện cho tông phong vĩnh chấn Tổ ấn trùng quang. Ngưỡng nguyện Tổ Sư thường gia hộ đệ tử tứ chúng đệ tử Phước Trí Nhị Nghiêm, Tứ Ân Tổng Báo. Nam mô Thiên Thai Đường Thượng Từ Tế Thượng Chánh Tông Tứ Thập Nhất Thế pháp huý Thanh Kế pháp hiệu thượng Huệ hạ Đăng Tổ Sư chứng minh.
Tổ sư Huệ Đăng, thế danh là Lê Quang Hòa, sinh năm Quý Dậu (1873) nhằm triều Tự Đức năm thứ 26, tại xã An Đông, huyện Bình Khê, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, trong một gia đình Nho học.
Thân phụ Ngài là một nhà Nho, nên Ngài đã được thụ giáo từ khi mới lên 5 tuổi. Đến 7 tuổi Ngài được vào học trường huyện. Nhờ bẩm chất thông minh, Ngài luôn chiếm ưu hạng. Sau một thời gian Ngài được chuyển lên học trường tỉnh. Đây là nơi Ngài có thể sôi kinh nấu sử để mai sau danh chiếm bảng vàng, làm rạng rỡ tông đường.
Ngờ đâu ngày 22 tháng 5 năm Ất Dậu (1885) kinh đô Huế thất thủ. Vua Hàm Nghi phải xuất bôn, và xuống chiếu Cần Vương. Vừa lúc đó có kỳ thi Hương tại trường thi Bình Định, các sĩ tử cùng nhau bãi thi, phá trường, hô hào tham gia phong trào Cần Vương, chống Pháp cứu nước. Ngài cũng xếp bút nghiên, gia nhập hàng ngũ nghĩa quân Bình Định của các Ông Mai Xuân Thưởng, Bùi Điều.
Năm Đinh Hợi (1887), sau khi lực lượng nghĩa quân Cần Vương bị Pháp đàn áp, các thủ lĩnh lần lượt hy sinh, Ngài phải lánh nạn vào vùng Bà Rịa, tạm khoác áo thầy đồ che mắt quân địch, để chờ cơ hội và tìm đồng chí.
Ngài đã đi khắp các tỉnh miền Đông xuống tới Gò Công. Đi đến đâu Ngài cũng đều thất vọng vì bấy giờ người Pháp đã đặt xong nền cai trị với bộ máy đàn áp và tay sai khắp nơi. Phong trào Cần Vương không có ảnh hưởng gì ở miền Nam. Chán nản, Ngài lại quay về Bà Rịa, tạm ẩn mình nơi nhà người bạn cũ năm xua.
Năm 1900, một hôm, đang dạo bước lên đồi Chân Tiên, lòng bâng khuâng vì thời cuộc, bỗng xa vọng lại tiếng chuông chùa trầm buồn giữa núi rừng thâm u thanh vắng, Ngài chợt thức tỉnh giấc mộng trần. Sáng hôm sau Ngài tìm đến Long Hòa Cổ Tự gặp Sư Tổ Hải Hội – Chánh Niệm.
Qua phong thái và tâm tình của Ngài, Tổ trú trì đoán đây là người lương đống cho Phật pháp trong tương lai, nên lấy lời cảnh tỉnh khuyên Ngài xuất gia hành đạo.
Nghe Tổ giáo huấn, Ngài tự nghĩ rằng “Cứu quốc không xong, thôi đành cứu đời vậy”, từ đó Ngài xin xuất gia học đạo. Tổ Hải Hội – Chánh Niệm truyền quy giới và ban cho Ngài pháp hiệu là Thiện Thức. Ngài tinh tấn tu học, mau chóng am hiểu được các việc trong thiền lâm, được Thầy Tổ mến yêu, huynh đệ kính vì.
Năm 1901, Ngài được Bổn sư gởi đi tham học với Tổ Trí Hải ở Thiên Thai Sơn Thạch Tự ở Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ngài ở đây ba năm tinh tấn tu học, tỏ ra là người trí tuệ uyên bác, thông suốt các kinh, luật, luận. Rồi Ngài quay về chùa Long Hòa. Thấy đạo phong và trí huệ Ngài xứng đáng là người gìn giữ mối đạo tương lai, Tổ Hải Hội truyền trao Cụ Túc giới và ban pháp danh là Thanh Kế, đạo hiệu là Huệ Đăng.
Năm đó, Ngài 30 tuổi (1903), Ngài được Tổ cho trú trì chùa Kiên Linh hơn một năm. Sau đổi về trú trì chùa Phước Linh ở xã Tam Phước cùng tỉnh Bà Rịa năm 1904 và cũng năm này, Ngài được nhập chúng tu học với hạ lạp đầu tiên tại chùa Giác Viên, do Tổ Hoằng Ân làm Chủ hương.
Năm Ất Tỵ 1905, Tổ Hải Hội viên tịch ở chùa Long Hòa. Ngài phải về cư tang và lo xây dựng bảo tháp. Thời gian này Ngài vào núi Dinh (núi Dinh Cố) khai phá Thạch động làm nơi tĩnh tu. Ngài ở lại đây hai năm tĩnh tu thiền định, tụng kinh Pháp Hoa. Danh đức của Ngài vang khắp, thiện tín bốn phương sùng kính ngày càng đông, đồ chúng theo Ngài tu học càng nhiều.
Năm 1908, Ngài 35 tuổi, chùa Châu Viên ở Bà Rịa khai trường Kỳ, chư sơn mời Ngài lãnh chức Yết Ma, đồng thời làm Pháp sư trong giới đàn đó.
Năm 1910, Ngài vẫn ở tại Thạch động mà Ngài đặt tên là Động Thiên Thai. Thạch động nhỏ hẹp, không phải là chốn già lam, nên Ngài nghĩ đến việc xây dựng chùa Thiên Thai ở chân núi Dinh để tiếp Tăng độ chúng truyền bá chính pháp.
Năm 1913 chư sơn trong tỉnh thỉnh Ngài tổ chức giới đàn tại chùa Phước Linh xã Tam Phước, Bà Rịa. Tại Đại giới đàn này, ngài được suy tôn làm Đường đầu Hòa thượng.
Năm 1915 (42 tuổi), Ngài được thỉnh đến trú trì chùa Bà Lang Lệ ở Cái Tàu Thượng (Sa Đéc) do Phật tử cúng cho Ngài. Về đây việc truyền bá Phật pháp của Ngài có cơ hội phát triển. Rất đông chư sơn các nơi đến học và quảng đại tín đồ đến quy y thọ giới.
Từ đó Pháp hạnh của Ngài được lan truyền trong các sơn môn, nên trong những trai đàn đại lễ, các chùa đều thỉnh Ngài làm Pháp sư hay Chứng minh. Ngài không từ chối dù phải đi xa, như năm 1918 Ngài làm Pháp sư trường Hương ở chùa Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự (Cà Mau), năm 1920 Ngài làm Chứng minh trường Hương ở chùa Phước Trường v.v…
Sau một thời gian vân du hoằng hóa ở các tỉnh Nam bộ, Ngài cùng một đệ tử về ẩn tu ở hang Mai trên núi Dinh, sống khắc khổ để tĩnh tu thiền định. Ngài bị quan Tri phủ sở tại nghi ngờ tổ chức chống Pháp nên bắt buộc phải rời hang Mai.
Năm 1925, Ngài lại dẫn đồ chúng lên sườn núi Dinh khai hoang lập vườn trồng cây trái. Sau năm năm vừa tu hành vừa làm lụng cực nhọc, vườn cây vú sữa đã có trái, đủ huê lợi cho môn đồ no ấm tu học.
Năm 1929, Ngài trùng tu lại ngôi Tổ đình Long Hòa được khang trang. Vì chùa đã bị hư mục sau 200 năm xây dựng. Và năm 1933, do thỉnh cầu của đồ chúng, Ngài cho xây dựng Thiên Bửu Tháp (còn gọi là Cửu Liên Đài) ở phía đối diện chùa Thiên Thai.
Năm 1931, Hòa thượng Khánh Hòa, cây đại thụ của phong trào chấn hưng Phật giáo, vận động chư sơn thành lập hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn ở gần chợ Cầu Muối. Chẳng may trên bước đường hoằng dương chánh pháp, hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học đã gặp trở ngại, nên Phật sự không tiến hành được suôn sẻ.
Trước tình trạng đó, các Hòa thượng có tâm huyết ở Nam kỳ tha thiết với mục đích chấn hưng Phật Giáo, đã phải quay về chùa nhà, tỉnh nhà thành lập các tổ chức Phật giáo với danh xưng khác nhau để tùy duyên hoằng pháp.
Hòa thượng Khánh Hòa thành lập hội Lưỡng Xuyên Phật Học năm 1934, Hòa thượng Trí Thiền thành lập Hội Phật Học Kiêm Tế năm 1937. Cùng chiều hướng này năm 1935, Ngài thành lập hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông, đặt trụ sở tại chùa Long Hòa ở Bà Rịa – Vũng Tàu, đồng thời Ngài cho xuất bản tờ Bát Nhã Âm để vận động phong trào chấn hưng Phật Giáo và hoằng dương chính pháp. Trường gia giáo cũng được khai giảng tại chùa Long Hòa, quy tụ hàng Phật tử xuất gia và tại gia về tu học ngày càng đông.
Ngài thường nói với đồ chúng rằng: “Duy trì Phật pháp chính là ở chỗ mở rộng việc hoằng hóa lợi sanh, giáo dục thiện tín, gieo trồng duyên lành, cội phước”. Chính nhờ quan niệm đúng đắn đó, mà việc truyền bá giáo lý của Ngài được phát triển khắp nơi.
Năm 1941, Ngài về thăm quê nhà. Vì quá ngưỡng mộ danh đức của Hòa thượng, quan huyện Bình Khê và một số đông nhân sĩ trong huyện đến thọ giáo và thỉnh cầu Ngài ở lại hoằng hóa tại đây. Ngài chọn núi Ông Đốc ở xã Bình Tường – Phú Phong – Tây Sơn – Bình Định, lập nên ngôi chùa Thiên Tôn.
Năm 1943, sơn môn trong Nam cử người ra rước Ngài trở lại chùa Thiên Thai. Bấy giờ sức khỏe của Ngài đã giảm sút nhiều. Ngài luôn khuyên bảo đồ chúng lo tinh tấn tu hành, cố gắng giữ gìn chính pháp, một lòng một dạ với sự nghiệp lợi sanh. Ngài sắp xếp ngôi thứ trong Tổ đình Thiên Thai và nhiệm vụ truyền pháp độ sanh trong môn đệ.
Qua năm sau (1944) Ngài lại trở về chùa Thiên Tôn – Bình Định và đến ngày 11 tháng 7 năm Quý Tỵ (1953) Ngài ngồi kiết già, hướng mặt về Tây, niệm Phật và viên tịch. Bảo tháp Ngài được xây dựng trên sườn núi Ông Đốc cạnh chùa.
Công hạnh và đạo nghiệp rực rỡ của Ngài còn thể hiện qua việc trước tác nhiều thơ văn Nôm. Các kinh điển được Ngài diễn Nôm thường tụng còn lưu truyền rộng rãi cho đến ngày nay:
– Kinh Vu Lan nghĩa.
– Kinh Di Đà nghĩa.
– Bát Nhã Tâm Kinh nghĩa.
– Tịnh Độ Chánh Tông.
– Bài sám Thảo lư.
Hòa thượng Huệ Đăng với Tổ đình Thiên Thai là tiêu biểu cho tinh thần Phật giáo gắn với truyền thống yêu nước phụng đạo: Đất nước có độc lập tự chủ thì Phật pháp mới hóa độ tròn duyên.