HỎI: Tôi thấy một số cư sĩ (thuộc Tịnh độ Cư sĩ) gần nhà có cách ăn chay như vầy: Khi đi đám tiệc, nhằm ngày ăn chay, họ gắp ít cơm trắng đưa lên khấn gì đó, rồi họ ăn mặn. Tôi hỏi thì họ nói làm như thế rồi có thể ăn uống bình thường. Tôi tự nghĩ nếu ăn như vậy thì không thể gọi là ăn chay. Quan điểm của đạo Phật về vấn đề này thế nào?
(VĂN DƯỢC, lvduoc1234@gmail.com)
ĐÁP: Bạn Văn Dược thân mến!
Tùy theo giáo điển, phong tục, quan niệm của mỗi tôn giáo, giáo phái hay cộng đồng mà có những cách ăn chay khác nhau. Đơn cử như ăn chay là chỉ ăn phần nước (không ăn phần cái, xác), ăn chay là không ăn thịt các loài máu đỏ (loài máu trắng thì ăn được), ăn chay là không ăn uống gì vào ban ngày (ban đêm thì ăn uống bình thường) v.v… Ăn chay trong đạo Phật (Bắc tông) là ăn thực vật, không ăn các thực phẩm động vật.
Vì có nhiều cách thức ăn chay, nên sẽ phiến diện và khập khiễng khi đứng trên cách ăn chay của mình mà đối chiếu, so sánh, đánh giá với các cách ăn chay của người khác. Người Phật tử chỉ nên tuân thủ cách ăn chay theo truyền thống của mình. Đối với các truyền thống khác, nếu đủ duyên, chúng ta vẫn có thể tìm hiểu cách thức ăn chay của họ nhưng không phê phán hay xét nét mà cần tuyệt đối tôn trọng.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn