BBT: Loạt sách về “Thiền tông” và “huyền ký của Đức Phật” của tác giả Nguyễn Nhân, quyển sách mang tên “sách trắng thiền tông” được Thượng tọa Tiến sĩ Thích Minh Thành – Phó – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, là một nhà nghiên cứu Phật học có nhận xét
A. Nhận xét về trạng mạo (áo mão) bên ngoài của quyển Sách trắng thiền tông:
- Trình bày trang nghiêm, chỉnh chu, có độ thẩm mỹ khá cao.
- Có tựa chính là Sách trắng thiền tông và tựa phụ là Đức Phật Truyền Dạy Tám Phần Tuyệt Mật Truyền Theo Dòng Thiền Tông.
- Tên tác giả Nguyễn Nhân xuất hiện hai lần ở trang bìa 1: Một ở trên đỉnh bìa 1 và một lần ở dưới tựa phụ, trước phần ghi chú trong ngoặc đơn: Nguyễn Nhân (sưu tầm biên soạn và viết lại). Đỉnh bìa 1 góc trái có số 9, đoán rằng đây là tác phẩm thứ 9 cùng tác giả.
- Có một nhà xuất bản khá danh giá đứng ra chịu trách nhiệm: Nhà Xuất Bản Hồng Đức.
- Bìa 4 liệt kê ảnh bìa 1 của 12 tác phẩm đã xuất bản cùng tác giả.
B. Nhận xét về nội dung tổng thể bên trong của quyển Sách trắng thiền tông:
- Trạng mạo bên ngoài sách rất chuẩn nhưng khi vào bên trong thì những hạn chế bộc lộ rõ nét.
- Sách dày 144 trang, trang cuối là lý lịch sách gồm thông tin về Hội Luật Gia Việt Nam, thông tin về nhà xuất bản, thông tin về nhà in, và thông tin về giấy phép xuất bản, với mã số ISBN tiêu chuẩn quốc tế. Hầu hết đều đánh kính trọng.
- Các chương hay phần được trình bày khá tùy tiện, số trang không cân phân với nhau. Phần dài nhất có 62 trang, phần ngắn nhất có 1 trang.
- Phần ruột sách được trình bày thiếu chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng và thiếu thẩm mỹ, dĩ nhiên là thiếu nhất quán với nhau.
C. Nhận xét về nội dung chi tiết bất kỳ[1] bên trong của quyển Sách trắng thiền tông
Nhận xét 1: Trang 5 giới thiệu nội dung mà Phật tiên đoán qua đó giới thiệu dòng thiền tông Phật truyền cho Long Nữ; giới thiệu rằng Sách trắng thiền tông là Huyền Ký, Sách trắng thiền tông là sự thật thiền tông, mục đích là chuẩn hóa lời của như lai dạy. Câu cuối bảo rằng “vị nào không muốn tu đúng, xin đừng xem.”
(a) Có thể nói rằng đây là một loạt những đại ngôn liên quan tới Đức Phật, liên quan tới Thiền tông, liên quan đến thái độ khiếm nhã đối với người tiếp xúc với Sách Trắng Thiền Tông.
(b) Trừ khi tác giả Sách Trắng Thiền Tông cung cấp được thêm thông tin khả tín từ một nguồn độc lập nào khác thì thông tin liên quan đến Đức Phật, tập huyền ký, việc Đức Phật truyền cho Long Nữ là những thông tin mang tính chất hoàn toàn hư cấu. Nếu hư cấu như vậy thì tác giả đã bất kính đối với Đức Phật khi đem lời nói của cá nhân, tư ý của cá nhân và những thứ mà cá nhân mình hư cấu đặt ra rồi đặt vào miệng Đức Phật. Đây là cách đưa đẩy trách nhiệm khá tinh vi.
(c) Liên quan đến Thiền tông thì Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, nơi nhận yêu cầu của Hội đồng Trị sự GHPGVN, nên chính thức bằng văn bản tham vấn hai Trung tâm nghiên cứu trực thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam là Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Thiền học Bắc truyền và Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Thiền học Nam truyền. Không phải phạm vi chuyên môn nên chúng con không lạm bàn sâu xa hơn.
(d) Liên quan đến thái độ khiếm nhã trong ứng xử xã hội của một vị mang danh xưng là tu sĩ Phật giáo thì Ban Tăng Sự, Ban Giáo Dục Tăng Ni và Ban Văn Hóa Trung Ương có chuyên môn cao hơn nên con cũng không lạm bàn. Ở đây, con chỉ thưa rằng tác giả của Sách trắng thiền tông đã đưa ra hai chọn lựa cho xã hội: Một là muốn tu đúng và hai là không muốn tu đúng. Kế tiếp tác giả đã gắn chuyện muốn tu đúng với cách mà độc giả xem tác phẩm của mình, xem ở đây không phải là xem đơn thuần mà ý tứ ngầm là độc giả ấy phải chấp nhận nghe theo lời trong Sách trắng thiền tông mới là tu đúng. Đối trọng lại là những độc giả không muốn tu đúng. Như vậy, tác giả đã ngầm dành quyền đánh giá của mình đối với độc giả thay vì để độc giả đánh giá tác phẩm của mình.
Nhận xét 2: Trang 49, 50 và 51 giới thiệu chuyện tánh Phật đi mượn thân người để làm công đức.
(a) Nếu ở nhận xét 1, mức độ bất kính Đức Phật chỉ dừng ở chổ bắt Phật nói điều mà cá nhân mình muốn nói thì ở đây mức độ bất kính đối với Đức Phật đã phát triển đến chổ đặt Đức Phật, chữ dùng là Tánh Phật, vào một thân phận kém cõi về nhiều phương diện: Phương diện luân hồi, phương diện mục tiêu và phương diện phương tiện để đạt được mục tiêu.
(b) Ở chuyện luân hồi Sách trắng thiền tông cho rằng Như Lai luân hồi ngang qua trung ấm thân mà trở về trái đất.
(c) Mục tiêu của Như Lai chỉ là tạo cho bằng được công đức sau khi bị vị trưởng tộc quở rằng Như Lai xin mượn thân người một thời gian ngắn mà bây giờ đã mượn quá lâu.
(d) Như Lai không có đủ phương tiện để đạt mục tiêu vì thiếu phước đức và không có thân người.
(e) Một nhân vật hư cấu với danh xưng là trưởng tộc không biết có quyền năng đến đâu mà Đức Phật phải trình diện, phải năn nỉ, và phải bị quở trách…
D. Lời kết
Chúng con định tiếp tục đọc quyển Sách trắng thiền tông và trình bày những nhận xét kế tiếp nhưng đến đây thì cảm thấy đã đủ nên dừng lại.
————————–
[1] Theo phương pháp chọn ra bất kỳ một số trang, một số nội dung, một số ý tưởng để nhận xét, cụ thể là lướt mắt qua khoảng 20 trang rồi dừng lại một trang để xem kỹ hơn.
TT.TS. Thích Minh Thành
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam