Phong trào chấn hưng Phật giáo đặt trọng tâm vào ba việc: chỉnh đốn tăng già, kiến lập Phật học đường, diễn dịch và xuất bản kinh sách ra Việt ngữ.
– Chỉnh đốn tăng già: Từ năm 1920, Hòa thượng Khánh Hòa đã cùng một số hòa thượng khác thành lập Hội Lục Hòa (Lục Hòa liên xã), mục đích để chư tăng đoàn kết, liên lạc mật thiết, giữ theo đúng phép Lục Hòa của nhà Phật.
– Kiến lập Phật học đường: mở trường gia giáo để đào tạo tăng tài, nhằm đảm nhiệm trọng trách “hoằng dương chánh pháp”. Mỗi chùa đều có mở lớp học. Có nơi chùa nhỏ, chưa có điều kiện, thì mở tại chùa lớn, thu hút tăng sĩ trong vùng về chùa tu học. Năm 1933, Hòa thượng Khánh Hòa cùng với các Hòa thượng Huệ Quang, Pháp Hải, Khánh Anh… tổ chức Liên đoàn học xã, không nhất định đặt tại một chùa nào, mà luân phiên mỗi chùa phải đài thọ ba tháng, hết chùa này đến chùa khác. Bắt đầu khai mở tại chùa Từ Hòa (Tiểu Cần, Trà Vinh). Tiếp đó là chùa Thiên Phước (Trà Ôn, Vĩnh Long), sau đó đến chùa Viên Giác (Bến Tre)…
– Diễn dịch và xuất bản kinh sách ra Việt ngữ: Cần thiết phải tiến hành việc diễn dịch kinh sách ra Việt ngữ vì có Việt văn mới phổ cập giáo lý trong quần chúng. Hai tờ báo Phật hóa tân thanh niên và Pháp âm được xuất bản bằng Việt ngữ, mở đầu cho nhiều Phật học tạp chí sau này. Để có tiền cất thư viện tàng trữ kinh sách, Hòa thượng Khánh Hòa đã về chùa Tuyên Linh (Bến Tre) thương lượng với Phật tử, hiến cúng ngôi chính điện cho Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, để cất Pháp Bảo Phường. Đại Tạng kinh và Tục Tạng kinh được đưa về làm tài liệu nghiên cứu phiên dịch.