Nhằm nghiên cứu về lịch sử hình thành và ghi nhận những giá trị đóng góp to lớn của Phật giáo Cổ truyền cho Đạo pháp và Dân tộc qua các giai đoạn lịch sử, Phật giáo tỉnh Bình dương đã tổ chức Hội thảo khoa học về “Lịch sử hình thành thảnh Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và sự đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc” tại chùa Hội Khánh, phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, ngày 16-6 – 2020 ( nhằm ngày 25/4 nhuận năm Canh Tý).
Tham dự hội thảo, đoàn Phật giáo Long An do Hòa thượng Thích Minh Thiện – Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An cùng Đại đức Thích Đức Hoàng – Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An; Đại đức Thích Lệ Duyên – Chánh Thư ký GHPGVN tỉnh Long An và chư Tôn đức thường trực BTS GHPGVN tỉnh Long An.
Hội thảo có nhiều bài tham luận nghiên cứu sâu sắc, có giá trị về học thuật từ các học giả uyên thâm. Như trong lời phát biểu của đức Hòa thượng Chủ tịch HĐTS – Thích Thiện Nhơn đã điểm qua các giai đoạn lịch sử hình thành nên GHPGVN hiện nay, trong đó có công lao to lớn từ chư tôn đức, các bậc tiền bối Phật giáo Cổ truyền. Hoa thượng đã nhấn mạnh Hội thảo nhằm nghiên cứu và tôn vinh những giá trị đóng góp của Phật giáo cổ triền cho việc “Xương minh Phật pháp và Hộ quốc an dân” trong suốt chiều dài lịch sử cận hiện đại. Bài nghiên cứu của Thượng tọa Thích Đồng Bổn giúp đại biểu tham dự truy nguyên được tiền thân của Phật giáo Cổ truyền có từ thời Chu Nguyên Chương bên Trung Quốc và tôn chỉ “sắc son dân tộc” của Phật giáo Cổ truyền. Bài tham luận của Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng II Trung ương GHPGVN đã cung cấp nhiều tư liệu quý giá được lưu giữ tại chùa Hội Khánh, giúp cho chúng ta có cái nhìn rõ hơn về những giá trị đóng góp to lớn của các bậc tiền bối Phật giáo Cổ truyền v.v.
Chúng tôi được biết, Phật giáo Long An có 314 ngôi chùa, trong số đó có nhiều ngôi chùa có truyền thống Phật giáo Cổ truyền đã có nhiều đóng góp cho Đạo pháp – Dân tộc. Có những ngôi chùa Phật giáo Cổ truyền đã từng là nơi căn cứ hoạt động cách mạng, nuôi và bảo vệ các anh bộ đội trong cuộc kháng chiến chống giặc.
Hội thảo kỳ này với nhiều bài nghiên cứu, nhiều chứng nhân lịch sử hình thành Phật giáo Cổ truyền đã làm sáng tỏ nhiều giá trị to lớn cho Đạo pháp – Dân tộc của các bậc tiền bối của Phật giáo Cổ truyền. Từ đó, những giá trị cao đẹp được lưu giữ, truyền thừa cho thế hệ hậu học tri ân và vận dụng vào hạnh nguyện hoằng pháp.