HỎI: Tôi thấy một số chùa và khá nhiều Tăng Ni hiện nay, nhất là dịp đầu năm mới, có khuynh hướng sa đà vào việc coi ngày tốt xấu, cúng sao giải hạn, xem phong thủy, không bãi bỏ việc đốt rãi vàng mã v.v…, chung quy là xa rời Chánh pháp, nói là phương tiện nhưng kỳ thực quá dễ dãi và đồng thuận với pháp thế gian. Qua quý Báo Giác Ngộ, tôi mong muốn được gửi phản ánh này đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), mong GHPGVN cần có những biện pháp chấn chỉnh phù hợp với Chánh pháp.
ĐÁP:
Bạn Thị Nguyễn thân mến!
Trong Phật giáo, phương tiện và cứu cánh là hai khái niệm phổ biến. Cứu cánh là thành Phật, chứng đắc Niết-bàn. Phương tiện là những cách thức, phương pháp để đưa mình và người đi đến quả vị Phật. Sử dụng phương tiện để đưa người chưa biết đạo tìm đến với đạo, chưa có niềm tin phát khởi niềm tin, chưa quy y phát tâm quy hướng Tam bảo. Vận dụng phương tiện để dẫn dắt người đã biết tu học đi từ thấp lên cao, cho đến khi đạt đến cứu cánh giác ngộ, giải thoát.
Phương tiện nói đủ là phương tiện thiện xảo, tức sử dụng phương tiện một cách khéo léo, có trí tuệ. Ví như người nội trợ dùng một con dao cực bén để cắt gọt củ quả vừa nhanh lại vừa đẹp, nhưng biết tránh để không bị đứt tay. Nôm na, phương tiện là một con dao bén, cắt gọt củ quả hay chặt đứt ngón tay không phải lỗi của con dao mà lỗi ngay chính người sử dụng.
Nói vòng vo như thế cũng để nhằm khẳng định rằng: Việc nhà chùa hay chư Tăng Ni “coi ngày tốt xấu, cúng sao giải hạn, xem phong thủy, không bãi bỏ việc đốt rãi vàng mã v.v…” tuy chúng không phải Chánh pháp (Đức Phật thường phê phán những việc này) nhưng trong nhu cầu thực tiễn xã hội và trên tinh thần phương tiện thì vẫn chấp nhận được. Bởi lẽ những việc này không phải bây giờ mới có để chúng ta luận bàn. Tín niệm về “coi ngày giờ, xem phong thủy, cúng sao hạn, đốt vàng mã…” đã ăn sâu trong tâm thức người dân và Phật tử Việt hơn ngàn năm qua.
Hiện nay chỉ có những Phật tử nào có Chánh kiến vững vàng, tin hiểu sâu sắc đạo lý Nhân-Duyên-Quả mới có khả năng vượt thoát. Còn lại, một bộ phận không nhỏ Phật tử Việt tuy mong muốn tu học theo giáo pháp của Đức Phật nhưng lại không dám bỏ các tục lệ xưa. Nếu các chùa viện và chư vị Tăng Ni không đáp ứng nhu cầu “coi ngày giờ, xem phong thủy, cúng sao hạn, đốt vàng mã…” thì họ thất vọng, buồn giận (có thể bỏ chùa hay đi theo các thầy ngoài Phật pháp). Nếu phương tiện đáp ứng mà không khéo thì thành ra làm sai Chánh pháp. Chính thực tiễn này đã đặt ra thách thức không nhỏ cho công cuộc hoằng dương Chánh pháp, phá tà hiển chánh của chư Tăng Ni, các chùa viện, và thậm chí là ngay cả GHPGVN.
Bạn nhờ chúng tôi “gửi phản ánh này đến GHPGVN và mong GHPGVN cần có những biện pháp chấn chỉnh phù hợp với Chánh pháp”. Đó là một ý hay nhưng cũng xin thẳng thắn mà nói rằng, ngay cả một số chùa của các vị giáo phẩm lãnh đạo hiện nay cũng chưa chấn chỉnh hay mạnh dạn hủy bỏ việc “coi ngày giờ, xem phong thủy, cúng sao hạn, đốt vàng mã…” thì GHPGVN phải nỗ lực thật nhiều mới có thể làm được.
Từ thực tế này, thiết nghĩ, người đệ tử Phật chân chính cần phát huy tuệ giác để có thể tìm ra những giải pháp thích hợp. Trước hết, chư Tăng Ni cần nêu cao Trí-Dũng để nói không với những điều không phải Chánh pháp. Hiện có không ít chùa viện và Tăng Ni nhờ thực học và thực tu nên đã mạnh mẽ khẳng định không “coi ngày giờ, xem phong thủy, cúng sao hạn, đốt vàng mã…” vì đó là phi Chánh pháp.
Những chùa viện hay chư Tăng Ni nào vẫn phương tiện “coi ngày giờ, xem phong thủy, cúng sao hạn, đốt vàng mã…” nhằm đáp ứng nhu cầu của Phật tử thì cũng nên mạnh dạn nói rằng: Đây chỉ là phương tiện, coi ngày giờ, cúng sao hạn… để cho Phật tử an tâm mà thôi. Tất cả đều phải theo sự vận hành của Nhân quả-Nghiệp báo. Chư Tăng Ni ứng dụng tinh thần phương tiện thì hãy nhân đây mà thuyết pháp. Làm được như vậy mới thực sự là “dĩ huyễn độ chơn”, nương theo sự mê tín, tà kiến mà hướng người đến Chánh tín và Chánh kiến.
Còn những chùa viện hay chư Tăng Ni nào lấy việc “coi ngày giờ, xem phong thủy, cúng sao hạn, đốt vàng mã…” nhằm thu hút tín đồ, tăng trưởng lợi danh cho riêng mình thì chính các vị ấy là “sư tử trùng” góp phần gây tổn hại cho Phật pháp. Bởi lẽ khi Phật tử chưa hiểu đạo còn tin theo tà kiến, mê tín thì Tăng Ni phải khai thông tuệ giác, hiển bày Chánh kiến giúp họ thiết lập Chánh tín với Tam bảo. Còn ngược lại, Tăng Ni mà lợi dụng sự mê mờ của tín đồ để thực hành phi pháp nhằm mưu cầu lợi dưỡng cho riêng mình thì thật tội lỗi và nguy hại cho đạo pháp.
Trong rất nhiều bộ kinh sám mà chúng ta tụng đọc hàng ngày, chư Phật, Tổ đã nghiêm khắc khuyến cáo Tăng Ni về vấn đề này. Có điều, kinh sám chỉ có tác dụng khuyến khích tinh thần tự giác, tự hổ thẹn với Phật pháp mà chừa bỏ. Khi chưa có sự tự giác của mỗi cá nhân Tăng Ni thì Tăng-già (Giáo hội) phải tác động, chấn chỉnh. Khi Tăng-già vì những nguyên nhân chủ quan hay khách quan mà vẫn không chấn chỉnh được những tệ đoan thì Tứ chúng (Tăng, Ni, Nam-Nữ Phật tử) cần nêu cao Bi-Trí-Dũng để phát huy Chánh kiến, bảo vệ Chánh pháp.
Ngày nay, về hình thức thì Phật giáo Việt Nam đang phát triển. Nhưng nếu không chấn chỉnh kịp thời những gì “cần phải chấn chỉnh” thì sự phát triển kia hẳn không bền vững (nếu không muốn nói là nhân của sự suy vong). Sau thời vàng son của Phật giáo Lý-Trần, Phật giáo Hậu Trần suy đồi thảm hại chính là bài học nhãn tiền cho chúng ta soi rọi và rút kinh nghiệm. Phật giáo tự hào đồng hành cùng dân tộc hơn 2.000 năm, với lượng tín đồ chiếm đa số, nhưng hiện tại nếu không kiên quyết loại bỏ tầm gửi đã bám vào cây bồ-đề thì chúng ta đã tự đánh mất mình. Với một nền Phật giáo không nguyên chất (pha trộn, lai tạp nhiều tín ngưỡng dân gian và mê tín) làm sao chúng ta phát huy được từ bi và trí tuệ của Đức Phật mà ban vui-cứu khổ, để có thể đồng hành cùng dân tộc, đưa đất nước đến phồn vinh?
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn