Một số Phật tử đã quy y nhưng chưa hiểu Phật pháp nên không thực hành chuyển nghiệp và tạo phước.
HỎI: Tôi 20 tuổi, mới tìm hiểu Phật pháp, hiện đã có lòng tin Phật, nguyện sống theo những lời dạy của Ngài, một lòng niệm Phật, nghe kinh, đọc sách về đạo Phật. Như vậy tôi có được xem là Phật tử hay không? Có điều, gia đình tôi không có ai là Phật tử, ở quê tôi người già mới quy y, nếu bây giờ tôi quy y Tam bảo thì sau này có được lập gia đình không? Sau khi quy y phải tu tập thế nào? Tôi nghĩ nếu chỉ niệm Phật thôi thì chưa đủ, nhưng qua tiếp xúc và tìm hiểu tôi thấy rất nhiều cách tu tập khác nhau như Thiền, Mật, Tịnh…, tôi cảm thấy rất bối rối và không biết tu theo pháp nào mới đúng?
(HƯƠNG ĐÀO, maihuongtg95@gmail.com)
ĐÁP:
Bạn Hương Đào thân mến!
Hiện bạn “có lòng tin Phật, nguyện sống theo những lời dạy của Ngài, một lòng niệm Phật, nghe kinh, đọc sách về đạo Phật”, về căn bản, bạn đã hội đủ các phẩm chất căn bản của người Phật tử. Tuy nhiên, bạn cần tham dự lễ quy y, đích thân bạn quỳ trước Phật-Pháp-Tăng phát nguyện trọn đời quay về nương tựa để sự lý đều viên dung, nhất là nhận được sự chứng minh và gia hộ của Tam bảo. Sau lễ quy y, bạn chính thức trở thành Phật tử.
Đối với pháp quy y, hiện nay ở một số địa phương, trong dân gian có quan niệm “trẻ tu nhà, già tu chùa”. Đợi đến khi đã lớn tuổi, con cháu đủ đầy người ta mới lên chùa quy y. Đây là một quan niệm chưa đúng với pháp quy y, cần phải nhanh chóng chuyển hóa quan niệm này. Bởi theo tinh thần Chánh pháp, người nào quy y càng sớm thì càng tốt, nhờ biết tu học nên sớm bỏ ác làm lành, thành tựu nhiều phước báo, ngược lại quy y càng trễ thì càng bị thiệt thòi.
Quy y là một sự phát tâm cao thượng, nguyện từ nay quay về nương tựa Phật-Pháp-Tăng, sống theo lời Phật dạy để trở thành một Phật tử chân chính, một công dân gương mẫu, sống lợi đạo và ích đời. Đệ tử Phật có hai hạng, xuất gia và tại gia. Hạng xuất gia sống ở chùa viện, không lập gia đình. Còn hạng đệ tử Phật tại gia, có gia đình con cái và tạo dựng sự nghiệp như mọi người. Nhiều nơi vì chưa hiểu đạo nên xem việc quy y Tam bảo cũng giống như là xuất gia, không được lập gia đình. Chính vì quan niệm sai lạc này đã khiến cho nhiều người e ngại khi phát tâm quy y.
Về vấn đề “sau khi quy y phải tu tập thế nào”, quy y Tam bảo là bước chân đầu tiên trên đường đạo. Kế đến, người Phật tử phát tâm trau dồi đạo đức của bản thân bằng cách phát nguyện thọ trì năm giới cấm (không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không say nghiện). Tiếp theo, người Phật tử phát nguyện học tập, nghiên cứu Phật pháp (nghe giảng trực tiếp hoặc từ băng đĩa, đọc tụng kinh sách, tham dự các lớp học giáo lý). Đây là bước đi rất quan trọng tiếp sau quy y. Bởi nếu không học tập giáo lý thì sẽ hiểu sai lời Phật dạy và từ đó dẫn đến thực hành không đúng với Chánh pháp.
Hiện nay một bộ phận không nhỏ Phật tử đã quy y nhưng do chưa hiểu Phật pháp nên không thực hành chuyển nghiệp và tạo phước mà ngược lại, vẫn giữ những tập tục nặng sắc thái tín ngưỡng dân gian, mê tín và tà kiến. Nên người Phật tử cần học Phật pháp để thành tựu chánh kiến, hiểu rõ quy luật Duyên khởi, tin sâu đạo lý Nhân quả, thực hành bố thí cúng dường và làm các điều phước thiện, nhất là chuyển hóa nghiệp lực (10 nghiệp của thân miệng ý) từ xấu ác sang thiện lành, nhờ đó mà gặt hái được phước quả bình an.
Đúng như bạn nghĩ, niệm Phật là chánh hạnh, người tu niệm Phật cần thực hành các trợ hạnh khác. Trong Phật pháp có nhiều pháp môn tu, tùy nhân duyên mà mỗi người chọn cho mình một pháp như Thiền, Tịnh, Mật… Khi đến với pháp nào mà mình thấy quen thuộc và gần gũi, dễ hiểu, dễ thực hành, có an lạc thì biết mình có nhân duyên với pháp môn đó. Pháp môn chỉ là phương tiện, là con đường chứ không phải đích đến. Vì thế tu theo pháp môn nào là tùy nhân duyên. Quan trọng là, tu tập theo bất cứ pháp môn nào mà đầy đủ Giới-Định-Tuệ thì bạn đang tu tập đúng Chánh pháp.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn: giacngo.vn