Nếu bạn không quy y, có nghĩa là bạn chưa quyết tâm gieo hạt giống Bồ đề (Bodhi – giác ngộ) trong tâm thức của bạn. Bạn có thể làm nhiều việc lành theo bản tính thiện sẵn có trong con người của bạn, nhưng bất chợt một cơn sân hận hay cuồng si nổi lên, bạn sẽ bị cuốn vào con đường tăm tối theo tập quán nghiệp của mình; và như thế bạn sẽ phải đắm chìm trong tội lỗi và không có một bến bờ giác ngộ khả dĩ nào để nương tựa. Nhưng khi bạn đã quy y Tam Bảo, tức là bạn đã gieo vào tàng thức của mình hạt giống Bồ đề; và nếu bạn luôn tưới tẩm, chăm sóc cho hạt giống Bồ đề của mình qua việc hành trì giới pháp căn bản, có nghĩa là bạn đã tạo cho chính mình một năng lực phòng hộ vô hình mà lúc nào và ở đâu bạn cũng cưu mang. Vì thế, cho dầu đôi khi các cơn gió độc của tham lam, sân hận, và cuồng si có nổi dậy trong tâm của bạn thì chính năng lực phòng hộ vô hình này sẽ là nơi nương tựa của bạn. Nó sẽ khơi dậy từ trong tiềm thức sâu xa cái hạt giống Bồ đề mà ngày nào bạn đã một lần gieo trồng với biết bao chân thành và ước nguyện. Cho dầu sau khi quy y, bạn đã xao lãng hay thậm chí quên đi cái hạt giống Bồ đề mà chính bạn đã gieo trồng, thì cái hạt giống đó vẫn ngủ yên trong tàng thức của bạn. Khi duyên đến, nó sẽ tái hiện trở lại như một cố nhân hiện về với bao thâm tình và tha thiết. Và rồi, với ánh sáng và tình thương của nó, bạn lại có thể tiếp tục chăm non cây Bồ đề đã một thời bị lãng quên. Đấy là tất cả lý do mà người Phật tử cần phải quy y.