Thánh Tâm
Ngày 23-5, sau trận động đất Vấn Xuyên 11 ngày, các nhà báo lại lần nữa đến huyện Thập Phương Tứ Xuyên phỏng vấn, Tạ Hoa – thành viên bộ chỉ huy đội cứu trợ chống động đất đã truyền đạt tin tức rất có giá trị “Chùa La Hán –Huyện Thập Phương phá cấm kỵ tiếp nhận các sản phụ và phụ nữ đang mang thai“. Nghe được tin tức này, ký giả lập tức đến Chùa La Hán tiến hành cuộc phỏng vấn.
+ 28 em bé được sinh ra tại Thiền phòng
Tại ngôi thiên niên cổ sát La Hán Tự, các nhà báo nhìn thấy nơi này những chiếc lều hết sức trật tự của quần chúng, các đội cứu hộ, y tá … băng rôn với hàng chữ: “Điểm trị liệu y học cứu hộ tai nạn của viện bảo hộ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em- huyện Thập Phương”
Nhà báo phỏng vấn bác sĩ Trịnh Đồng Anh – chủ nhiệm viện bảo hộ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em- bác sĩ cho biết: Ngày 12-5 khi trận động đất xảy ra, không khí mù mịt, viện lập tức liên lạc với nơi tương đối an toàn là chùa La Hán. Trụ trì chùa là pháp sư Tố Toàn liền đồng ý chuyển tất cả sản phụ đến chùa. Trong trai đường chùa La Hán, em bé đầu tiên được sinh ra. Đến chiều ngày 23-5, trong hai thiền phòng, đã phẫu thuật thành công 28 ca sinh nở, 28 hài nhi đã ra đời.
Nhớ lại tình trạng hôm xảy ra tai nạn, BS Trịnh Đồng Anh nói với ký giả: “Ngày 12-5, là ngày lễ y tá quốc tế cũng trùng hợp vào ngày đức Phật đản sinh”. Trong lúc đất đang dao động, cứu hộ viên của viện –huyện Thập Phương đã đưa 3 sản phụ và hơn 40 phụ nữ đang mang thai ra khỏi viện xá nguy hiễm. Sau đó, được trụ trì chùa La Hán mời, toàn bộ nhân viên đều chuyển đến chùa.
Trịnh Đồng Anh cho biết thêm: “Không có giường sanh, chúng tôi rất khó phẫu thuật. Lúc đó tu sĩ chùa La Hán đã dời hai chiếc giường thiền, hai chiếc bàn thiền đến trai đường để lập thành phòng sanh nở, một phòng sanh đơn giản tại chùa La Hán đã được thành lập như vậy.”
7h 36 phút sáng ngày 13, tại phòng sanh trai đường chùa, tiếng khóc “oa oa oa” của hài nhi đầu tiên đã xuất hiện giữa nhân gian,
Để đề phòng sự sụp đổ của trai đường, phòng sanh lại được chuyển đến nơi cố định trong chiếc lều chống mưa. Trong mưa lớn, phẫu thuật tiếp tục tiến hành…
Phẫu thuật tiếp tục tiến hành, mưa vẫn đang rơi. Trong quá trình phẫu thuật, pháp sư Tố Toàn còn hướng dẫn vài vị tu sĩ dùng chiếc lều to làm phòng phẫu thuật. nên phẫu thuật lại được dời đến trong lều.
“Lúc đó, tôi nghe được tiếng khóc nao lòng của trẻ” viện trưởng Quế Phùng Xuân nói với nhà báo. “Đến chiều ngày 23-05, 28 hài nhi đã được sinh ra trong phòng sanh nở được làm bằng giường thiền và chiếc lều thiền. Các em bé đã đem đến cho chúng tôi một hy vọng mới trong vùng gặp nạn này.”
“Trai đường biến thành phòng sanh, giường thiền biến thành giường sanh, đây là một trong những câu chuyện cảm động nhất sau khi trận động đất Vấn Xuyên xảy ra.” Đây là câu nói này mà nhà báo đã nghe trong lúc phỏng vấn.
Một người đàn ông làm cha chưa được 10 ngày nói với nhà báo: “Tôi là một thôn dân của huyện Thập Phương trấn Lạc Thuỷ, nếu như không có tăng chúng chùa La Hán và bác sĩ viện bảo hộ bà mẹ và trẻ em của huyện này, tôi không biết là con mình có được sinh ra trên đời hay không… giờ đây chúng tôi muốn đặt một cái tên ý nghĩa cho con, hy vọng là nó sẽ nhớ mãi các Thiên sứ Tăng chúng chùa La Hán và các bác sĩ của viện”
Trịnh Đồng Anh nói: “Hiện nay các cha mẹ của em bé đều muốn đặt tên cho con là: Chấn Sinh” (sinh ra trong trận động đất)
Các bà mẹ trẻ đối diện với giây phút thập tử nhất sinh đó, cảm khái: “Động đất khiến cho nhiều người mất tính mạng, chùa La Hán đã phá cấm kỵ để tiếp nạp những người gặp tai nạn như chúng tôi, các sinh linh bé nhỏ đã được đản sinh trong những phút giây vô cùng quý giá, khiến chúng tôi cảm động không sao thể dùng ngôn từ để hình dung…”
Đối với việc tiếp nhận các sản phụ, một vị thầy chùa La Hán phát biểu: “Đây là một thiên kiến và hiểu lầm, giới luật và kinh điển không hề có quy định này. Sau khi tai nạn phát sinh, có thể giúp đỡ mọi người là công tác Phật sự của chúng tôi, cũng là dịp phổ độ chúng sanh của hàng tăng sĩ”
+ Cung cấp miễn phí thức ăn uống cho quần chúng gặp nạn và các đội cứu hộ, bác sĩ cứu hộ…
Trong quá trình phỏng vấn các sản phụ gặp tai nạn được thu nhận tại chùa La Hán, khiến nhà báo tiếc nuối là không diện kiến được pháp sư trụ trì Tố Toàn, pháp sư đang bận rộn trong việc cứu hộ, thầy phó trụ trì Đức Hoằng và thầy Triệu Thiện tiếp đón nhà báo.
Thầy Triệu Thiện nói với nhà báo: “Vào lúc xảy ra động đất hơn 800 người vào chùa, ngày thứ hai có hơn 1200 người, ngày thứ ba có hơn 1400 người. Sau trận động đất, thầy trụ trì liền bảo tăng chúng đem tất cả những vật cần dùng để cứu trợ quần chúng. Đêm 12-05, tăng chúng chúng tôi che dù chống mưa, nhường chỗ cho quần chúng trú lại”
Thầy còn cho biết, từ ngày động đất đến nay, chùa đều miễn phí cung cấp thức ăn uống. Pháp sư trụ trì bảo mọi người nên đề phòng bệnh tật, nên nấu nước nóng cho mọi người tắm, giữ gìn vệ sinh.
Các nhà báo còn ghi lại số lượng người cần dùng thức ăn tại chùa: quần chúng gặp nạn 1500 ngườI, đội cứu hộ và bác sĩ cứu hộ 1200 người, 300 người trong bệnh viện cứu hộ gần đó, tổng cộng có 3000 người dùng thức ăn uống mỗi ngày.
Đối với 41 vị tăng, 30 cư sĩ của Chùa la hán mà nói, chuẩn bị lượng thức ăn mỗi ngày cho 3000 phần ăn là vấn đề lớn, tăng chúng và các cư sĩ đều mệt mõi: Từ 3h sáng bắt đầu nấu cháo, làm việc không ngừng tay đến 8h tối mới kết thúc.
Đối diện với trận động đất lớn nhất từ trước đến nay ở Tứ Xuyên –Vấn Xuyên, tăng chúng chùa La Hán đã không màng thân mệnh, lấy hành động làm gương, cứu tế người vượt qua nguy ách, phụng hiến tâm từ, hồi báo xã hội, thực tiễn hành động theo lời đề xướng: “Trang nghiêm quốc độ, lợi lạc hữu tình“.
Tai nạn chưa qua, chân tình đã hiện, đại từ đại bi trên nhân gian, hôm nay tất cả chúng ta cùng nhau chứng kiến.
Sơ lược chùa La Hán : Chùa La Hán được xây vào năm 709, là nơi Mã Tổ Đạo Nhất xuất gia tu hành. Chùa bị huỷ hoại vào năm 1368, năm 1371 được trùng tu. Đến triều Minh, lại được các thiền sư như Nguyệt Dung, Lễ Thinh trùng tu nên được hoàn thiện như hôm nay. Chùa La Hán là chùa tổ của Phật giáo thiền tông Lâm Tế, là nơi Tổ đời thứ 8- thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất –xuất gia, thuyết pháp hành đạo, viên tịch. Được xưng là “Tây Xuyên Phật Đô” hay “ Bát Tổ Đạo Tràng”. Thiền tông Lâm tế là phái thiền hưng thạnh nhất được lưu truyền đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam…