Hỏi:
Thế nào là tứ cú và có từ đâu?
Đáp:
Tứ cú ở trong kinh Lăng Già. Nếu bộ óc hiểu biết đều nằm trong tương đối, tương đối thì có tứ cú. Nguồn gốc của tứ cú là hữu và vô. Hữu (có) là cú thứ nhất, vô (không) là cú thứ nhì, chẳng có chẳng không là cú thứ ba, cũng có cũng không là cú thứ tư. Khi nói ra đều là tứ cú, nín cũng lọt vào tứ cú. Tại sao? Nói là cú thứ nhất, nín là cú thứ nhì, chẳng nói chẳng nín là cú thứ ba, cũng nói cũng nín là cú thứ tư.
Thoại đầu không lọt vào tứ cú. Tại sao? Vì Thoại đầu không có năng sở là do không biết, lọt vào tứ cú là do cái biết; biết có thì trụ nơi có, biết không thì trụ nơi không. Tổ Sư thiền là giữ nghi tình (không biết), không biết có làm sao trụ nơi có? Không biết không làm sao trụ nơi không? Cho nên, không lọt vào tứ cú, không có năng sở.
Dùng cái biết tu là Như Lai thiền dễ bị ngoại cảnh lôi kéo là do cái biết. Thấy cảnh tốt đẹp thì ham, thấy cảnh xấu thì chê. Tổ Sư thiền dùng cái không biết, nên tốt không biết tốt làm sao để ham thích? Xấu cũng không biết xấu làm sao chê? Thì mới lìa được tứ cú, nhưng không có ý lìa, nếu có lìa thì có tương đối. Nhưng vẫn có phương tiện là còn một niệm không biết.
Cho nên, giờ phút cuối cùng một niệm không biết tan rã thì kiến tánh. Nếu cứ giữ một niệm không biết không bao giờ kiến tánh, tại đó cũng là nhất niệm vô minh. Phải đến vô thỉ vô minh rồi đập tan vô thỉ vô minh rồi mới được kiến tánh.
Mục đích muốn đến thoại đầu nên nói là tham thoại đầu hay khán thoại đầu, nhưng sự thật thì chưa đến. Có người tham suốt đời cũng chưa đến thoại đầu, tới chừng đến thoại đầu là hy vọng kiến tánh, vừa đến là kiến tánh, có khi đến rồi cả tháng sau mới kiến tánh. Đến thoại đầu mới được kiến tánh, còn không đến thoại đầu thì không bao giờ được kiến tánh. Cho nên, từ đầu sào 100 thước bước thêm một bước, tức là lìa khỏi ý thức thì được kiến tánh.