Đức Phật Thích Ca truyền Pháp ở Ấn Độ cổ cách đây 2500 năm, sau đó các tăng nhân Ấn Độ đi khắp châu Á mang theo ánh sáng của Phật Pháp đến khai sáng văn hóa, văn minh cho người dân, đưa chúng sinh đến với cửa từ bi và trí huệ.
Vào đầu thế kỷ thứ nhất, Việt Nam là châu Giao Chỉ thuộc đô hộ của nhà Hán. Nhà Hán giành được thiên hạ trên yên ngựa, Hán Cao Tổ ban đầu không thích Nho giáo, nhưng sau đó hiểu được đạo lý ‘giành thiên hạ dễ, trị thiên hạ khó’ nên đã sử dụng các Nho sỹ để quản lý thiên hạ. Nho giáo và Đạo giáo được chú trọng phát triển. Sau đó Nho giáo và Đạo giáo được du nhập sang Giao Chỉ.
Giao Chỉ là vùng đất giao thoa giữa hai nền văn minh cổ. Ngay từ thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, các tu sỹ, thương nhân Ấn Độ đã đặt chân đến Giao Chỉ và truyền bá Phật giáo. Đến thế kỷ thứ 2, 3 sau công nguyên, Giao Chỉ đã là trung tâm Phật giáo sầm uất, và thiền sư Khương Tăng Hội ra đời ở chính thời điểm đó.
Tổ tiên của Ngài vốn ở nước Khương Cư (Sogdiana), nhưng đã mấy đời sống ở Thiên Trúc. Thân phụ Ngài, nhân làm nghề buôn bán mà theo thuyền buôn sang Giao Chỉ (tên cũ của nước Việt Nam vào thời lệ thuộc nhà Hán) sinh sống.
Tại đây ông đã cưới vợ Việt Nam và sinh ra Tăng Hội, ước đoán là vào khoảng năm 200. Khi Tăng Hội được hơn 10 tuổi thì song thân đều lần lượt qua đời. Chịu tang cha mẹ xong, Tăng Hội vào chùa xuất gia, tu học rất mực chuyên cần.
Đến tuổi trưởng thành Ngài thọ giới cụ túc. Ngài là người có trí tuệ vượt chúng, giỏi cả Phạn văn lẫn Hán văn, không những tinh thông Ba Tạng Phật giáo, mà còn uyên bác cả Nho học và Lão học, lại giỏi cả thiên văn, đồ vĩ, kiêm tài ăn nói, viết văn.
Thiền sư Tăng Hội là sáng tổ của Thiền học Việt Nam, ông cũng còn phải được xem là ngời đầu tiên đem Thiền cho phát huy ở Trung Hoa. (Ảnh: wikipedia.org)
Thủ phủ Giao Chỉ là thành Luy Lâu (Bắc Ninh ngày nay) là trung tâm Phật giáo lớn lên tới 500 tăng nhân, trong đó rất nhiều tăng nhân là người bản xứ. Ngài Tăng Hội đã xuất thân từ tăng đoàn ấy, và về sau lại trở thành một trong những vị lãnh đạo của tăng đoàn.
Ngài đã thành lập đạo tràng, huấn luyện đồ chúng và phiên dịch kinh điển tại chùa Diên Ứng, còn gọi là chùa Dâu hay chùa Pháp Vân, thủ phủ Luy Lâu, tức phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh của Việt Nam ngày nay.
Cũng trong thời gian đó, ở Trung Hoa tại kinh đô Lạc Dương và Bành Thành chỉ có một số ít tăng nhân Ấn Độ tu luyện và truyền bá Phật giáo. Lúc đó vào thời Hán và Tam Quốc, Trung Hoa chỉ có Nho giáo và Đạo giáo tồn tại. Người bản địa với quan niệm Nho giáo rất mạnh, quan niệm dòng tộc, nối dõi thấm sâu vào mỗi người dân, nên các vị quân vương đều cấm người bản địa xuất gia theo Phật giáo.
Như vậy lúc đó, tại vùng Đông Á chỉ có Luy Lâu là trung tâm Phật giáo lớn mạnh nhất và Ngài Tăng Hội là cao tăng Việt Nam đầu tiên lãnh đạo tăng đoàn, dịch kinh và truyền bá giáo lý nhà Phật.
Năm 247 (Tôn Quyền làm vua được 25 năm), Ngài Tăng Hội đã từ Luy Lâu sang Kiến Nghiệp hoằng Pháp. Ngài dựng nhà lá ở bên con đường lớn và thờ tượng Phật. Khi đó người nước Ngô lần đầu tiên nhìn thấy trang phục của hòa thượng, rất tò mò.
Họ cũng không hiểu nghi thức, giáo lý Phật giáo, lấy làm quái dị. Có viên quan dâng tấu lên Tôn Quyền rằng: “Có quái nhân vào lãnh thổ, tự xưng là Sa-môn, hình dáng, trang phục khác thường, cần kiểm tra kỹ lưỡng”.
Tôn Quyền nói: “Xưa Hán Minh Đế mộng thấy Thần, xưng là Phật. Những việc trong bản tấu, lẽ nào là di phong của Phật?”. Bèn lập tức triệu kiến Ngài Tăng Hội, hỏi Phật giáo là gì? Có gì linh nghiệm?
Ngài Tăng Hội nói: “Đức Phật Như Lai nhập niết bàn đã gần nghìn năm, xá lợi của Ngài không biết đã lưu lạc nơi nào. Xưa vua A Dục xây 8 vạn 4 nghìn tháp, chùa tháp hưng thịnh biểu thị giáo hóa của Ngài”.
Tôn Quyền cho rằng lời nói của Ngài Tăng Hội không thật, bèn nói: “Nếu có thể tìm thấy xá lợi Phật Như Lai thì sẽ xây chùa tháp cho ông. Nếu ông nói lung tung sẽ trừng trị theo quốc pháp”.
Ngài Tăng Hội xin cho thời hạn 7 ngày, đồng thời nói với các đệ tử rằng: “Phật Pháp ở đất Ngô hưng phế chỉ ở việc này thôi, hiện nay nếu không thành kính lớn nhất thì hậu quả không thể tưởng tượng nổi”.
Thế là Ngài và các đệ tử dọn sạch trai đường, để lọ đồng lên giá, thắp hương quỳ bái, cung thỉnh Phật Như Lại ban cho xá lợi. Nhưng hết 7 ngày, vẫn không có gì. Ngài Tăng Hội lại xin thêm 7 ngày nữa, sau 7 ngày vẫn như thế.
Tôn Quyền nói: “Đây là trò bịp”, và chuẩn bị đem Ngài Tăng Hội ra định tội. Ngài Tăng Hội lại xin thêm 7 ngày, Tôn Quyền lại phá lệ đáp ứng. Ngài nói với các đệ tử rằng: “Khổng Tử nói: ‘Sau khi Văn Vương chết, tất cả văn hóa chẳng phải ở chỗ ta đây đó sao?’. Phật Pháp như mây, che phủ tất cả, vốn sẽ ứng vận mà giáng, mà chúng ta lại không cảm nhận được, sao có thể cầu Tôn Quyền khoan thứ cơ chứ? Ta dùng cái chết để cầu, nếu vẫn không có xá lợi, ta nguyện lấy mạng ra hoàn ước”.
Vào gần tối ngày thứ 7 lần thứ 3, vẫn không thấy gì cả, các đệ tử đều cảm thấy kinh hoàng sợ hãi, thầy trò đều quỳ xuống cầu khấn. Đến canh 5, bỗng nhiên nghe tiếng keng trong bình đồng, xá lợi rơi xuống, chiếc bình đồng vỡ tan. Tôn Quyên kính cẩn mặt biến sắc, kinh ngạc nói: “Đây là điềm lành hiếm thấy”.
Ngài Tăng Hội bước lên nói: “Xá lợi Thần uy đâu chỉ có hào quang. Đem đi đốt cũng không cháy, dùng búa lớn bằng kim cương đập cũng không vỡ”.
Tôn Quyền lệnh cho người thử, Ngài Tăng Hội kiên định nói: “Phật Pháp như mây che phủ, bách tính ngưỡng vọng Phật ân, hy vọng chúng ta thấy được Thần công, uy lực và linh nghiệm của xá lợi”.
Thế là Ngài đem xá lợi đặt lên trên cái đe thép, để đại lực sỹ dùng búa nện, chiếc đe lún ngậm trong đất mà xá lợi không tổn hại gì.
Tôn Quyền vô cùng thán phục, từ đó thành kính lễ tín Phật, đồng thời lập tức hạ lệnh xây dựng tháp. Đây là chùa Phật đầu tiên ở Đông Ngô, do đó đặt tên là “Kiến Sơ tự”. Từ đó vùng Giang Đông Phật Pháp hưng thịnh.
Hai mươi năm trôi qua, đến cuối đời Ngô, Tôn Hạo lên kế vị. Vốn bạo ngược, lại không tin Phật giáo, ông cho Trương Dục đến hạch hỏi, lý luận với Khương Tăng Hội, có lúc đích thân ông tranh luận với Ngài, nhưng lần nào cũng phải chịu thua.
Tôn Hạo tuy để Phật giáo lưu hành, nhưng bản tính hung bạo vẫn không đổi. Một hôm, vệ binh của Tôn Hạo sửa chữa hoa viên ở hậu cung, đào lên được một tượng Phật bằng vàng, đem dâng lên Tôn Hạo.
Ông đem để tượng Phật ở chỗ bất tịnh, dùng phân bôi đầy lên tượng, rồi cùng với quần thần cười đùa chế nhạo. Tôn Hạo nói: “Phật, Phật được thế nhân phụng thờ như thần linh. Ta không chút kính trọng ngươi, xem ngươi làm gì được ta!”.
Đột nhiên toàn thân Tôn Hạo sưng phù, đau nhức kỳ lạ, liền hất tung chiếc bàn từ chỗ ngồi của mình, té qụy xuống đất, hốt hoảng kêu la. Tôn Hạo nhờ người tiên đoán. Người này giải rằng vì phạm đến thần linh, nên phải chịu hình phạt như vậy.
Tôn Hạo đi các đình miếu, nhờ đạo sĩ cầu nguyện, nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Bấy giờ, có một cung nữ tín phụng Phật pháp trình với Tôn Hạo: “Tâu Bệ hạ, Bệ hạ nên đến chùa cầu nguyện, sám hối. Phật là bậc Đại Thánh, không thể không cầu Ngài”.
Tôn Hạo đến chùa Khương Tăng Hội, quỳ gối ăn năn kể lại tội trạng của mình. Tương truyền rằng trong triều không ai bê nổi tượng Phật để đặt lên bàn. Chính Khương Tăng Hội rửa tượng Phật, mang đặt lên bàn thờ và làm lễ sám hối cho Tôn Hạo. Bệnh tình Tôn Hạo tiêu mất, không còn đau nhức.
Từ đó, Tôn Hạo không còn khởi niệm ác với Phật Pháp và xin quy y thọ ngũ giới. Mười ngày sau, bệnh của ông khỏi hẳn. Tôn Hạo liền cho sửa sang lại chùa Kiến Sơ.
Tuy nhiên, Khương Tăng Hội nhận thấy không có cơ duyên hoằng hóa Phật Pháp nơi đây, nên Ngài chuyên tâm phiên dịch kinh điển. Các bộ kinh Ngài đã dịch như: A Nan niệm di, kinh Diện Vương, Sát Vi Vương, Phạm Hoàng kinh, tiểu phẩm (Bát Nhã), Lục Độ Phẩm (Sáu pháp Ba La Mật), Tạp Thí Dụ (phẩm thí dụ trong kinh Pháp Hoa), v.v. Mỗi bộ kinh đều được giải thích tường tận, chuẩn xác.
Trong thời gian ở chùa Kiến Sơ, ngài đã dịch ra chữ Hán các kinh Lục Độ Tập, Cựu Tạp Thí Dụ, Tạp Thí Dụ, soạn sách Lục Độ Yếu Mục. Ngài cũng dịch Ngô Phẩm (tức kinh Đạo Hạnh Bát Nhã) và biên tập Nê Hoàn Phạm Bối, nhưng cả hai tác phẩm này đều thất truyền. Đầu năm 280, vua Tôn Hạo đầu hàng nhà Tấn, chấm dứt nhà Đông Ngô, cuối năm ấy ngài viên tịch.
Triều đình Đông Ngô hết sức kính trọng và cảm phục thiền sư Khương Tăng Hội, chúng ta có thể thấy được qua bài thơ của Tôn Xước đề lên tranh tượng của thiền sư như sau:
Lặng lẽ, một mình,
Đó là khí chất
Tâm không bận bịu
Tình không vướng mắc
Đêm đen soi đường
Lay người thức giấc
Vượt cao, đi xa
Thoát ngoài cõi tục.
Như vậy Ngài Tăng Hội đã đưa Thiền tông truyền vào Trung Quốc trước Ngài Bồ Đề Đạt Ma khoảng 250 năm, xét về lịch sử thì Ngài mới chính là Tổ sư Thiền tông của cả Việt Nam và Trung Quốc. Cũng không rõ vì nguyên do nào mà hiện nay, hầu hết các chùa Thiền tông đều thờ Ngài Bồ Đề Đạt Ma là Tổ sư Thiền tông.
Cũng đáng mừng là gần đây, càng ngày càng có nhiều tăng nhân, nhà nghiên cứu Phật học đã và đang tìm kiếm tư liệu về Ngài, tìm lại vị trí vai trò đích thực của Ngài trong việc hoằng dương Phật giáo ở cả Việt Nam và Trung Quốc. Ngài chính là ngọn đèn sáng soi ánh sáng văn minh Thần Phật khắp hai vùng đất văn hiến ngàn năm.
Nam Phương